Tuy nhiên, việc sử dụng loa kéo tràn lan trong khu dân thực sự gây ra vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn. Bởi vui hát karaoke, buồn cũng hát karaoke, thậm chí nhậu nhẹt cũng hát... karaoke của một bộ phận người dân thiếu ý thức đã khiến dư luận bức xúc. Do hệ lụy từ loa kéo làm phiền hàng xóm, mới đây Chủ tịch UBND TPHCM đã có ý kiến về việc chấn chỉnh hát karaoke làm khổ hàng xóm.
Hát như... tra tấn
Anh Nguyễn Văn Quang (ngụ P.Tân Thuận Tây, quận 7) cho biết, xóm tôi hầu hết là công nhân làm việc trong Khu chế xuất Tân Thuận (Q7). Một ngày làm việc chia thành 3 ca. Đi làm cả ngày đã mệt nhoài, tới tối chỉ mong được giấc ngủ bình yên không bị ai làm phiền nhưng thời gian gần đây, hàng xóm mua loa kéo về hát khiến chúng tôi như bị tra tấn. Để quản lý tiếng ồn, đề nghị các địa phương, chính quyền cơ sở, các sở ngành cần thấy trách nhiệm của mình trong vấn đề này. Đừng xem chuyện hát karaoke bằng loa kéo là bình thường.
Theo anh Quang, người lao động làm việc cả tuần đã mệt mỏi vì công việc, theo đó người hát karaoke bằng loa kéo cũng phải tuân thủ giờ giấc đúng quy định để không làm ảnh hưởng tới người khác. "Mỗi lần hàng xóm mở karaoke lên là tôi phải khóa cửa, đi lang thang ra đường vài tiếng đồng hồ. Sau khi họ hát xong tôi mới dám quay trở lại. Quá bức xúc vì hàng xóm hát karaoke bất kể giờ giấc nên tôi nhiều lần nhắc nhở, nhưng được vài ngày thì tình trạng hát karaoke lại đâu vào đấy. Không chỉ một nhà mà một khu phố nhỏ với gần 50 hộ dân nhưng có tới hơn 10 chiếc loa kéo như thế. Nhiều hôm nhà này mở được, nhà kia cũng mở cho máy tự hát làm huyên náo một khu phố nhỏ vốn trước đây rất bình yên", anh Quang than thở.
Để ngăn chặn tiếng ồn do loa kéo gây ra, ngày 26-2, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các quận, huyện về việc tăng cường phòng chống vi phạm tiếng ồn. Chủ tịch UBNDTP giao cho Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị khẩn trương nghiên cứu, tham mưu cho Chủ tịch UBNDTP chủ động thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp cơ bản giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Giám đốc Công an TP tiếp tục quán triệt, chỉ đạo Công an các quận, huyện giao trách nhiệm cho trưởng công an xã, phường, thị trấn trực tiếp chỉ đạo công tác phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý hiệu quả các vi phạm về tiếng ồn tại địa bàn quản lý.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay trên thị trường có rất nhiều chủng loại loa kéo khác nhau được bày bán nhan nhản ở các trung tâm điện máy, cửa hàng kinh doanh đồ điện tử. Mẫu mã của những chiếc loa này cũng khá bắt mắt và có giá cũng rất khác nhau. Loại rẻ nhất khoảng 1 triệu đồng/chiếc. Loại mắc nhất có chiếc lên tới 10 triệu đồng. Do loa kéo tiện lợi, siêu rẻ nên những người mê hát karaoke không ngần ngại bỏ tiền ra "rinh" về nhà.
Mua được loa, những người nhàn rỗi mang chiếc loa ra hát karaoke bất kể giờ giấc, gây ra tiếng ồn, ảnh hưởng không nhỏ đến giấc ngủ của những người hàng xóm. Nếu một gia đình mở loa karaoke hết công xuất thì có thể át hết mọi âm thanh khác vốn có, xem như hôm đó cả xóm đều bị "tra tấn". Hiện nay, tình trạng mang loa kéo ra hát bất kể ngày đêm không chỉ xuất hiện khắp phố phường thành thị mà còn tràn về thôn quê. Mở loa, không chỉ một người hát mà có cả một "dàn ca sĩ” đồng thanh và họ hát tiếp sức cho nhau, càng về sau chất giọng càng đa dạng, nam cao, nữ trầm, the thé, ngang phè... đều nỗ lực phô diễn chất giọng.
Những người bán kẹo, bông tai dùng loa kéo nhằm thu hút người mua
Do sự tiện lợi bởi từ những chiếc loa kéo mang lại, rất nhiều hộ gia đình đã trang bị một chiếc loa để tiêu khiển, giải trí vào những ngày cuối tuần. Đặc biệt, chị H.T.H (ngụ hẻm Ngọc Trai) cứ rảnh lại bật chiếc loa kéo ra hát. Bài đầu tiên bao giờ chị cũng hát "Phận bèo trôi, số tôi lẻ loi một mình, kiếp phận hồng nhan... con thơ nhớ cha. Mình ơi, giờ mình bỏ em, chỉ tội đàn con thơ. Chồng ơi, giờ chồng ở đâu". Trong khi đó, anh P., chồng chị H.T.H thì nằm bên cạnh lướt điện thoại. Nghe chị H.T.H hát bất kể giờ giấc vào những khung giờ trưa, tối làm nhiều người hàng xóm không ngủ được, phải lên tiếng thì chị ta mới dừng chuyện hát hò.
Đó chỉ mới là một gia đình, khu phố tôi có vài cụm sắm loa kéo karaoke. Cụm có ít cũng 5 - 7 chiếc, cụm có nhiều lên đến cả chục chiếc. Vào dịp lễ, tết mỗi nhà bật loa lên quả nhiên trở thành một khu phố âm nhạc. Không dừng lại ở đó, mỗi khi gia đình có đám giỗ, tiệc tùng họ mang loa kéo ra hẳn ngoài hẻm để tiếng hát được lộ thiên, hòa quyện đất trời. Cụm khiêm tốn hơn là hàng xóm sát vách của tôi, khoảng 6 giờ chiều mới cất giọng hát 2 - 3 tiếng thì tạm dừng để giữ giọng, 6 giờ tối mai làm chương trình mới. Có hôm họ còn đưa ra vài lít rượu đế, vài con khô để tụ tập một đám thanh niên trong xóm phô diễn giọng.
Chính quyền lên tiếng
Được biết, hầu hết người dân và các cấp chính quyền của thành phố đều lên án tình trạng hát karaoke gây ảnh hưởng đến cộng đồng. Việc hát hát karaoke về đêm không những gây ồn ào mà khiến những người hàng xóm mất ngủ. Đặc biệt vào mấy ngày tết hay những ngày nghỉ, đám thanh niên thích nhậu nhẹt lại rủ nhau lai rai, có người vừa nhậu vừa hát... kéo dài tới tận đêm khuya. Tình trạng nhậu xong là hát không chỉ trong nhà dân mà họ còn mang ra lề đường làm ảnh hưởng cả khu dân cư. Trong thực tế, nhiều nhà mở loa hết cỡ và mở toang cửa khiến hàng xóm nhức đầu, khi bị nhắc nhở thì họ càng mở to hơn. Sự việc không chỉ ảnh hưởng bởi tiếng ồn cho người lớn, trẻ em mà nhiều người lớn tuổi đã kiến nghị cơ quan chức năng phải "mạnh tay" với vấn nạn loa kéo.
Bất cứ ở đâu cũng có thể hát loa kéo
Bức xúc do loa kéo gây ra, anh Trần Văn Lâm (ngụ P.Bình Chiểu, TP.Thủ Đức) cho rằng: "Con tôi không cách nào ngủ trưa, trong nhà muốn nói chuyện với nhau phải lặp lại câu nói hai lần vì tiếng nhạc át hẳn, muốn nói gì nhiều phải đợi giờ khác hoặc đến khi âm nhạc của xóm lắng xuống. Trong khi đó, tiếng hát thì chanh chua như hét vào tai những nhà bên cạnh. Ngoài ra, họ còn mở loa to hát vào giờ nghỉ ngơi, giờ học, giờ làm việc của người khác làm ảnh hưởng tới đời sống của người dân xung quanh.
Điều đáng nói, khi hát họ không bao giờ quay loa vào nhà mình mà thường xoay ra ngoài đường. Có gia đình sợ tiếng ồn phải đóng cửa kín mít nhằm giảm âm thanh. Khi những người láng giềng thân tình góp ý, họ nói "quay vào loa nó hú”, bảo vặn nhỏ bass xuống sẽ bớt hú thì họ cho rằng hát karaoke mà vặn bass thấp thì đâu còn hay. Cứ vậy, láng giềng kế bên chỉ vì sự kiêng nể nên vẫn cứ xí xóa và chịu đựng cho nhau. Đặc biệt vào những ngày thi cuối học kỳ, hàng xóm lại mở loa ra hát khiến lũ trẻ mất tập trung vào chuyện học.
Trong các cuộc nhậu không thể thiếu loa kéo
Thương nhất là những người lớn tuổi không được nghỉ ngơi mà bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn. Hát quá khuya, không những người lớn không ngủ được mà trẻ con cũng bị thức giấc giữa chừng. Bà Nguyễn Thị Hiền (ngụ quận 12) phản ánh: "Trong xóm tôi có một số thanh niên rất hay nhậu nhẹt. Mỗi khi nhậu xong là họ lại lôi chiếc loa di động giống cái vali ra hát. Tiếng hát nào có hay ho gì nhưng họ cứ gào thét vào chiếc loa, mở nhạc ầm ầm khi trong người đã có men rượu nên hàng xóm cũng đành chấp nhận và chẳng ai dám nói câu gì. Trong khi đó, tiếng hát của họ gây ra như tra tấn người nghe".
Nói về tình trạng loa kéo làm ô nhiễm môi trường, ông Võ Trung Trực - Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM cho rằng, hát hò gì cũng được nhưng không được làm ảnh hưởng người khác, hát nhạc to phải có phòng cách âm. Tiếng ồn karaoke không chỉ phát sinh từ các dịch vụ kinh doanh karaoke mà từ những hộ gia đình, gây tiếng ồn ảnh hưởng hàng xóm. Bên cạnh đó, tiếng ồn còn phát sinh từ karaoke loa thùng, loa kéo tại các quán ăn ngoài trời. Trong thời gian tới, TP.Hồ Chí Minh sẽ cấm karaoke loa kéo trong khu dân cư, hoặc ai có nhu cầu giải trí phải có phòng cách âm và phải đăng ký với chính quyền. Nếu dùng loa kéo trong đám cưới, đám tang... cũng phải dừng đúng thời điểm, còn ở nhà thì nên đóng cửa hát cho nhau nghe. Nếu dùng loa kéo gây ảnh hưởng cho hàng xóm, chính quyền cần xử phạt mạnh tay để ngăn chặn.