Người dân xã cô lập đánh cược “tử thần” cõng hàng cứu trợ về duy trì sự sống

Thứ Hai, 26/10/2020 07:47  | Hoàng Quân

|

(CAO) Hơn 900 hộ với gần 4.000 người ở xã Húc (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) đang bị cô lập, sống nhờ cứu trợ, hỗ trợ. Hàng trăm gia đình mỗi ngày phải cuốc bộ, vượt suối, cắt đường rừng 10-15 cây số, leo trèo trên các sườn núi để nhận hàng cứu trợ.

Xã miền núi Húc (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) đau thương tột cùng với 8 người chết, hàng nghìn hộ dân bị cô lập nhiều ngày do mưa lũ gây ngập nước, sạt lở. Một số đoàn thiện nguyện lặn lội đường xa đến san sẻ, cứu trợ người dân. Tuy nhiên, xe không thể tiếp cận được xã nên chỉ tập kết ở cầu tràn La La (xã Húc), cách trung tâm xã 10km và cách điểm xa nhất của xã 16km. Tỉnh lộ 586 - tuyến đường độc đạo từ thị trấn Khe Sanh vào xã Húc bị lũ cuốn phăng hàng chục điểm.

Một đoạn đường bị lở núi vùi lấp khiến dốc cao, bùn đất trơn trượt.

Người dân phải lặn lội hơn chục km ra nhận quà. Sáng 25-10, ảnh hưởng của bão số 8 xảy ra mưa lớn, liên tục. Đảng ủy, UBND xã, công an, dân quân hàng chục người giúp dân. Bà con muốn qua cầu tràn để nhận hàng phải bám theo lối đường vắt qua sườn núi dẫn xuống chiếc cầu khỉ hoặc lội bùn đất đi vào đoạn đường tạm dựng bằng những khúc gỗ, tấm ván, cây tre bắc qua sông để đến địa điểm tập kết quá cứu trợ của các đoàn thiện nguyện.

Mưa, đường trơn trượt, nhiều người ngã túi bụi trên sườn núi, ở cầu khỉ và đoạn đường tạm. May mắn không ai rơi xuống sông. Ở một đầu cầu tràn, chiếc máy xúc khổng lồ đang giải phóng lớp đá, đất, cây cối trôi từ trên núi xuống, từ thượng nguồn sông đổ về.

Nhận hàng xong, mọi người cõng, gùi hàng trở về. Do Tỉnh lộ 586 bị sạt lở, chia cắt nhiều điểm nên người dân ngoài di chuyển khoảng 5km bằng xe máy thì phải cuốc bộ 11 cây số (đến điểm xa nhất); phải cắt rừng, bám theo các lối mòn ở bên sườn núi và cực kỳ nguy hiểm khi trên đầu là núi, bên cạnh là vực sâu, dưới chân là bùn, đất đá ngập ngụa, trơn trượt. Ở các vị trí sạt lở, cảnh tượng rất kinh hoàng, không còn đường tỉnh lộ khi hàng nghìn khối đất, đá vùi lấp.

Phận người mong manh, chênh vênh bên sườn núi, dưới vực sâu.

Liên tiếp những ngọn núi có cây rừng tự nhiên giờ đã không còn, giờ là rừng trồng hoặc đồi trọc, cây cỏ bụi. Chân của những núi này đã ngấm nước lâu ngày, rất dễ đổ sập và nếu lơ là, trượt chân có thể đánh đổi tính mạng; nhẹ thì bị thương. Phận người chênh vênh, mong manh bên sườn núi, cạnh vực sâu.

Vậy mà từ ngày 18-10 đến nay, các lãnh đạo, cán bộ của Đảng ủy, UBND xã, lực lượng công an, dân quân, các đoàn thể và hàng trăm người dân vẫn qua lại mỗi ngày. Cán bộ, lực lượng chức năng đi tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn người mất tích, người tử vong; vận chuyển lương thực, thực phẩm, thuốc men cứu trợ người dân; giúp đỡ người đau ốm đi cơ sở y tế. Và gần 10 ngày qua, hàng nghìn người vẫn qua lại để cõng, gùi hàng cứu trợ; người đau ốm, bị thương đi bệnh viện…

Nhiều giờ cắt rừng, cơ cực lắm, phóng viên mới đến được bạn Tà Rùng, nơi có 7 người của 2 gia đình tử vong do núi sạt lở. Và thêm 2 giờ cuốc bộ, nỗ lực lách qua các điểm sạt lở, băng suối, chúng tôi mới đến được bản Cu Dong, nơi lũ gây ngập nặng hàng chục nhà dân ven 2 bờ sông Cu Dong, cuốn trôi làm một người dân tử vong…

Chị Hồ Thị Hiền (ngụ bản Tà Rùng, xã Húc) cùng chồng cuốc bộ hàng chục cây số bế con đi bệnh viện. Phía sau lối đường chị Hiền đi là bên sường núi, dưới vực sâu.

Trước đó giữa đường, chúng tôi gặp vợ chồng chị Hồ Thị Hiền (19 tuổi) và anh Hồ Văn Hoài (23 tuổi, ngụ bản Tà Rùng). Vợ chồng chị Hiền thay nhau bế đứa con nhỏ mới sinh 5 tháng tuổi đưa đi bệnh viện để chữa bệnh hen. Rất may mắn, sau 4 giờ đi đường cực hình, vợ chồng chị Hiền cũng đưa được đứa trẻ mới sinh an toàn đến bệnh viện cấp cứu.

Rời bản Cu Dông lúc 13 giờ, chúng tôi bám theo đường cũ để trở ra thị trấn Khe Sanh nhưng nhiều đoạn phải đi đường vòng vì xuất hiện thêm các điểm sạt lở. Dọc đường, bà con các bản làng, trong đó có rất nhiều trẻ em và phụ nữ gùi, vác hàng cứu trợ đu bám theo các sườn núi, đạp lên các đống sạt lở, lội suối trở về. Tình cảnh thật thảm thương và thấy quá hiểm nguy vì với mưa liên tục, càng có thêm các điểm sạt lở lớn nên nguy hiểm. Ra đến cầu tràn La La khi sắp chiều tối, hàng trăm người khác mới bắt đầu gùi hàng trở về quãng đường rừng hàng chục cây số…

Một trong những đoạn đường vào xã Húc, vị trí này còn có thể lách xe máy đi được, nhiều đoạn đường bị cắt phăng.
Em bé 10 tuổi cũng đi gùi hàng cứu trợ, cuốc bộ hàng chục cây số.
Đường ngập ngụa bùn đất, nguy cơ núi tiếp tục sạt lở.
Em bé 10 tuổi cũng đi gùi hàng cứu trợ, cuốc bộ hàng chục cây số.
Một điểm đường Tỉnh lộ 586 bị sạt lở xuống vực.
Phụ nữ gùi hàng .
Phận người mong manh, chênh vênh bên sườn núi, dưới vực sâu.
Một em học sinh lớp 9 cõng hàng nhẹ là quần áo, sách vở...
Phận người mong manh bên sườn núi với dốc gần dựng đứng.
Tỉ mỉ, cặm cụi leo lên dốc cao.
Hỗ trợ nhau dò từng bước trên con dốc gần dựng đứng.
Bên dưới là vực sâu.

Bình luận (0)

Lên đầu trang