(CATP) Sống gần khúc cua "tử thần" nhiều năm, anh Đặng Thanh Hải (48 tuổi, ngụ xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) chứng kiến hàng loạt vụ tai nạn khi người tham gia giao thông (GT) "ôm" cua với tốc độ cao, không xử lý tay lái kịp thời đã lao xuống hồ sen. Trong đó, có không ít trường hợp tử vong đã khiến anh trăn trở phải làm gì đó để giúp người đi đường.
Những ngày giữa tháng 3/2024 dù tất bật với công việc ở xưởng nhôm kính nhưng những lúc rảnh rỗi, anh Hải vẫn thường dạo quanh các tiệm sửa xe xin lốp ôtô cũ để làm hộ lan thứ hai, cách hàng hộ lan thứ nhất khoảng 2m để tăng thêm độ an toàn, giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT).
Xưởng nhôm kính của anh Hải cách khúc cua "tử thần" trên Quốc lộ 14H (đoạn qua thôn Tân Thọ, xã Duy Châu) khoảng 150m, nơi có lượng phương tiện lưu thông đông. Gần 20 năm làm việc tại đây, anh chứng kiến không biết bao nhiêu vụ tai nạn do người tham gia GT "ôm" vào khúc cua, chạy nhanh, không xử lý tay lái kịp nên lao xuống hồ sen. "Ban ngày còn có người nhìn thấy chạy đến cứu, chứ đêm xuống nhiều trường hợp nạn nhân ngã xuống hồ sen tử vong do không được phát hiện kịp thời", anh Hải kể và cho hay, cuối tháng 6/2023 một nam thanh niên ở huyện Đại Lộc (Quảng Nam) trong lúc chạy xe máy qua đoạn cua này do không làm chủ được tay lái nên cả người lẫn xe lao xuống hồ sen, tử vong. Thời điểm xảy ra tai nạn vào ban đêm, trời tối và đường vắng nên chẳng ai biết, sáng hôm sau mọi người mới phát hiện.
Anh Hải dùng gần 300 lốp ôtô kết thành hộ lan giúp giảm tai nạn ở khúc cua "tử thần"
Từ ngày có dãy hộ lan của anh Hải, số vụ tai nạn giao thông giảm hẳn
Để giúp người đi đường hạn chế tai nạn, ban đầu anh Hải phát dọn cây hai bên đường để người tham gia GT có thể quan sát từ xa, phát hiện khúc cua và giảm tốc độ. Tuy nhiên, tai nạn vẫn không giảm. "Hầu hết nạn nhân chạy nhanh, lúc vào cua không kịp xử lý thì đã ngã, văng ra xa. Nhiều vụ tôi cùng người dân nhanh chóng sơ cứu, nhưng do nạn nhân bị thương nặng nên không qua khỏi...", anh nhớ lại.
Là thợ nhôm kính, hiểu biết về cơ khí, anh Hải nghĩ đến việc mua lưới sắt B40 và đóng cọc, lập hàng rào bên lề đường để người bị nạn không văng xuống hồ sen. Nhưng làm hàng rào tốn kém vài chục triệu đồng, trong khi dùng lưới B40 lại cứng, nạn nhân va đập mạnh có thể nguy hiểm tính mạng, nên khi biết một số đường đèo sử dụng lốp ôtô làm hộ lan để hạn chế tai nạn, anh đã lên mạng tìm hiểu. Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh quyết định mua dây cáp kết các lốp xe máy, ôtô cũ làm rào chắn. Để giảm chi phí, hàng ngày anh đến các tiệm sửa xe máy, ôtô trong huyện xin lốp xe cũ.
Biết ý tưởng của anh, có người cất lốp xe rồi gọi đến lấy. Gần nửa năm, anh đã gom được gần 300 lốp xe, chất đầy trong xưởng của mình. Tranh thủ lúc rảnh anh lại kết các lốp xe vào dây cáp. Sau 1 tháng, hộ lan bằng lốp xe gắn với dây cáp dài hơn 150m, cách mặt đường gần 2m, hoàn thành. Để cảnh báo, anh mua sơn màu đỏ và trắng về sơn lên xen kẽ. "Hộ lan bằng lốp xe co giãn được, người và phương tiện nếu có va vào nhờ lực đàn hồi cũng đỡ thương vong", anh Hải giải thích. Cũng theo anh, đoạn cua này còn có 3 cây xanh lớn, nhiều vụ tai nạn, nạn nhân văng vào đó tử vong. Để khắc phục tình trạng này, anh dùng lốp xe kết quanh cây giúp hạn chế chấn thương khi va chạm.
Sau hàng hộ lan thứ nhất, anh Hải dự tính tiếp tục xin lốp xe làm thêm hàng thứ 2 gần hồ sen, cách hàng rào hiện nay khoảng 2m. "Hiện mới có 1 hàng rào, người bị nạn có thể té văng qua. Có thêm hàng nữa, nạn nhân sẽ được giữ lại, không rơi xuống nước...", anh chia sẻ.
Ông Nguyễn Thế Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên - chia sẻ, việc làm của anh Hải rất đáng quý, thể hiện tinh thần vì cộng đồng. Hộ lan bằng lốp ôtô tuy đơn giản nhưng đã góp phần cảnh báo người tham GT giảm tốc độ, hạn chế tai nạn. Về lâu dài, huyện sẽ kiến nghị các ngành chức năng làm lan can mềm để giảm tai nạn tại khúc cua này.