(CAO) Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản đề xuất kế hoạch khai thác các đường bay thường lệ nội địa trong giai đoạn dịch Covid-19 nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không, thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế.
Phân nhóm sân bay để… “mở cửa”
Theo Cục hàng không Việt Nam, hiện có 22 cảng hàng không, sân bay thuộc 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có hoạt động khai thác nội địa và các sân bay, bãi đáp có hoạt động hàng không chung (Hạ Long, Vũng Tàu…).
Cục Hàng không đề xuất kế hoạch khai thác lại các đường bay nội địa
Tuy nhiên, hoạt động vận chuyển hàng không nội địa hiện chỉ còn các chuyến bay chở hàng hóa và các chuyến bay kết hợp chở hành khách với đối tượng là công vụ, lực lượng phòng chống dịch Covid-19 và các trường hợp có văn bản đồng ý di biến động của các địa phương liên quan như chuyên chở công dân từ các tỉnh phía Nam về địa phương.
Nhằm đảm bảo nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 và duy trì hoạt động giao thông vận tải bằng đường hàng không, tránh đứt gãy nền kinh tế, trong điều kiện một số địa phương đã có kết quả khả quan trong phòng chống dịch thời gian qua khi điều chỉnh các biện pháp giãn cách xã hội, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất xây dựng phương án phân các cảng hàng không, sân bay thành các nhóm A, B và C.
Trong đó, nhóm A: gồm các cảng hàng không, sân bay thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không có khu vực áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16;
Nhóm B: gồm các cảng hàng không, sân bay thuộc các tỉnh, thành phố chỉ áp dụng giãn cách xã hội theo từng khu vực (cấp quận/huyện trở lên) trong tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương theo Chỉ thị 16.
Nhóm C: gồm các cảng hàng không thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đang áp dụng giãn cách xã hội toàn bộ theo Chỉ thị 16.
Các đường bay nội địa hiện nay chủ yếu để chở hàng hóa và lực lượng chống dịch
Thực hiện ngay khi Bộ GTVT phê duyệt
Cục Hàng không Việt Nam đề xuất sẽ triển khai kế hoạch khai thác các đường bay thường lệ nội địa qua 2 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1: Áp dụng thí điểm 4 tuần sau khi kế hoạch này được phê duyệt.
Cụ thể, chặng bay chiều từ nhóm A đến nhóm A, B và C sẽ không giới hạn hành khách; Hành khách phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ.
Chặng bay chiều từ nhóm B đến nhóm A, B và C; từ nhóm C đến nhóm A và B gồm khách công vụ, lực lượng phòng chống dịch Covid-19 phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ. Các hành khách khác phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ.
Ngoài ra, những hành khác này đáp ứng một trong các điều kiện: có giấy chứng nhận hoàn thành cách ly và được cơ sở cách ly vận chuyển thẳng bằng xe chuyên dụng từ cơ sở cách ly đến cảng hàng không, sân bay xuất phát; hoặc có chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19, trong đó liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm xuất phát; có giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 không quá 12 tháng tính đến thời điểm xuất phát.
Việc nối lại các đường bay nội địa sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không, thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế.
Các đường bay giữa các cảng hàng không, sân bay nhóm C với nhau chỉ áp dụng đối với khách công vụ, lực lượng phòng chống dịch Covid-19 và hành khách có văn bản đồng ý di chuyển/tiếp nhận của các địa phương đi và đến; Hành khách phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ.
Cục hàng không lưu ý giai đoạn này các hãng hàng không chỉ được mở bán các chuyến bay có ngày khởi hành trong vòng 4 tuần kể từ ngày kế hoạch này được Bộ GTVT phê duyệt.
Trong quá trình khai thác giai đoạn 1, Cục hàng không Việt Nam sẽ theo dõi, đánh giá thực tiễn. Nếu 4 tuần thí điểm đầu tiên thực hiện thông suốt, giai đoạn 2 sẽ được triển khai.
Cục hàng không Việt Nam lưu ý đối với giai đoạn hai, các hãng hàng không chỉ được mở bán cho các hành khách “có xác nhận lưu trú tại khu vực không áp dụng giãn cách xã hội” theo Chỉ thị 16 tối thiểu 14 ngày trước khi di chuyển, trên các chuyến bay có ngày khởi hành trong vòng 4 tuần kể từ ngày bắt đầu giai đoạn 2. Sau 4 tuần thí điểm vận chuyển đối tượng hành khách này, các hãng hàng không triển khai mở bán vé bình thường nếu không được thông báo khác.
Cục hàng không Việt Nam cho biết kế hoạch này sau khi Bộ GTVT phê duyệt sẽ được áp dụng ngay và thay thế các công văn điều hành bay trước đó của Cục Hàng không Việt Nam. Vì vậy các hãng hàng không Việt Nam cần rà soát nguồn lực (tàu bay, tổ bay, năng lực bảo dưỡng, sửa chữa…) đảm bảo tổ chức thực hiện các đường bay theo kế hoạch phê duyệt.