Đề xuất đầu tư 37.600 tỷ đồng làm cao tốc Quy Nhơn - Pleiku

Thứ Năm, 23/05/2024 13:51  | Chí Dũng

|

(CATP) Ngày 22/5, Ủy ban nhân dân (UBND) 2 tỉnh Bình Định, Gia Lai đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về đề xuất phương án đầu tư dự án (DA) đường bộ cao tốc Quy Nhơn (Bình Định) - Pleiku (Gia Lai).

Theo UBND 2 tỉnh, để kết nối giữa Bình Định - Gia Lai chỉ có Quốc lộ (QL) 19. Tuy nhiên, QL này hiện còn nhiều điểm lưu thông khó khăn, di chuyển từ Bình Định lên Pleiku mất 3 - 4 tiếng đồng hồ. Việc đầu tư cao tốc Quy Nhơn - Pleiku là cần thiết, giúp rút ngắn thời gian di chuyển, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của 2 tỉnh Bình Định - Gia Lai nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải miền Trung nói chung. Vì thế, UBND 2 tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho phép thực hiện tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku theo hình thức đầu tư công.

Phương án đưa ra đối với cao tốc Quy Nhơn - Pleiku có chiều dài 143,2km, trong đó đoạn qua Gia Lai 85,6km, Bình Định 57,6km. Điểm đầu tại nút giao QL19B - Đường tỉnh 639 (thuộc thị trấn Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định); điểm cuối tại nút giao đường Hồ Chí Minh (thuộc TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai). Quy mô hoàn chỉnh 4 làn xe, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 37.600 tỷ đồng. Thời gian chuẩn bị là giai đoạn 2024-2025, hoàn thành xây dựng cơ bản trước năm 2030. Bộ Giao thông vận tải (GTVT) là cơ quan chủ quản thực hiện DA, còn UBND 2 tỉnh tiến hành công tác giải phóng mặt bằng.

Báo Công an TPHCM (số ra ngày 26/02/2024) đã có loạt bài "Khát vọng 5.000km cao tốc", đến nay Bắc Tây Nguyên gồm 2 tỉnh Gia Lai, Kon Tum chưa có ki-lô-mét đường cao tốc nào. Là 2 tỉnh không có đường biển, đường sắt, Gia Lai - Kon Tum gần như phụ thuộc vào đường bộ để phát triển kinh tế - xã hội. Hiểu được điều đó, chính quyền 2 tỉnh này đang rốt ráo đề xuất mở các tuyến cao tốc để phá thế "độc đạo" của các tỉnh miền núi giáp với Lào, Campuchia.

Quốc lộ 19 nối Quy Nhơn - Pleiku đang quá tải

Một trong những mạng lưới giao thông được kỳ vọng nhất của Bắc Tây Nguyên là tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku. Đây không chỉ là tiền đề phát huy lợi thế vị trí địa lý kinh tế các tỉnh Gia Lai, Bình Định và Kon Tum, cao tốc này hình thành sẽ là tuyến ngang kết nối các cao tốc dọc (cao tốc Bắc - Nam), góp phần hoàn chỉnh mạng lưới cao tốc Việt Nam. Tuyến này cũng tạo trục cao tốc thông qua hệ thống cảng biển của khu vực duyên hải miền Trung, kết nối biển Đông với khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, vươn xa hơn là kết nối các nước Thái Lan, Myanmar.

Ông Đoàn Hữu Dũng - Giám đốc Sở GTVT Gia Lai - cho biết, với quan điểm giao thông đi trước mở đường cho phát triển, tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các công trình có tính lan tỏa, bảo đảm mục tiêu kết nối nhanh, mạnh, thời gian tới tỉnh sẽ tập trung xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc như tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku. Cũng theo ông Dũng, Sở GTVT Gia Lai sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan của tỉnh Bình Định và sở, ngành, địa phương tham mưu cho UBND tỉnh Gia Lai làm việc với các Bộ GTVT, Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính cùng các cơ quan liên quan để được hướng dẫn những nội dung liên quan đến phương án đầu tư DA đường cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.

Bình luận (0)

Lên đầu trang