Thống nhất đề nghị cấm tuyệt đối nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện giao thông

Thứ Tư, 22/05/2024 18:08  | Thanh Hòa

|

(CAO) Đây là quan điểm của đa số đại biểu Quốc hội khi cho ý kiến về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ.

Chiều nay 22/05, theo chương trình phiên họp, Quốc hội thảo luận tại hội trường, cho ý kiến về dự thảo Luật TTATGT đường bộ.

Tại phiên thảo luận, vấn đề nhận được nhiều ý kiến tham gia góp ý của các đại biểu Quốc hội vẫn là việc cấm hành vi điều khiển phương tiện giao thông trong máu có nồng độ cồn.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật TTATGT đường bộ tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, về quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia GTĐB mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, đa số ĐBQH nhất trí với dự thảo Luật; một số ĐBQH đề nghị đưa ra mức giới hạn thấp nhất về nồng độ cồn trong máu và hơi thở đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới

“Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phân tích cụ thể, rõ ràng ưu điểm, hạn chế của mỗi phương án để báo cáo Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách và gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan có liên quan. Hầu hết các ý kiến đều nhất trí và có góp ý cụ thể đối với Phương án quy định cấm “điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với dự thảo Luật và hầu hết các ý kiến trên nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân, bảo vệ nguồn lực cho xã hội, bảo vệ tuổi thọ của giống nòi. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định này tại khoản 2 Điều 10 dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý”- Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhấn mạnh.

Bày tỏ cơ bản thống nhất cao với dự thảo Luật và báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, việc quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn sẽ khả thi hơn so với quy định cho phép nồng độ cồn ở ngưỡng nhất định. Với quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn thì người dân không uống rượu bia trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Nếu quy định có ngưỡng nhất định thì người dân khó xác định uống bao nhiêu, nhất là khi uống vào khó làm chủ bản thân và bị vượt ngưỡng. Hơn nữa, quy định này đã dần đi vào cuộc sống, nhiều người dân đã từng bước hình thành thói quen “đã uống rượu bia thì không lái xe”. Do vậy, đại biểu bày tỏ thống nhất với quy định của dự thảo Luật.

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi

Cũng nhất trí với dự thảo Luật trình Kỳ họp, đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) quan tâm, trao đổi thêm về Khoản 2, Điều 10, quy định nghiêm cấm hành vi “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Đại biểu cơ bản nhất trí với quy định trên, nhằm mục đích phòng ngừa, làm giảm tai nạn giao thông, giảm những rủi ro, thiệt hại tiềm tàng do việc sử dụng rượu, bia gây ra đối với tính mạng, sức khỏe, tài sản của chính người điều khiển, người tham gia giao thông, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của các gia đình và toàn xã hội.

Đại biểu Tuấn cũng đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung Khoản 2, Điều 10 của dự thảo Luật về hành vi bị nghiêm cấm như sau: “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; trừ trường hợp trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn do bị bệnh dẫn đến tăng chuyển hoá nồng độ cồn nội sinh”.

Đồng thời, cần bổ sung quy định trong Luật về việc giao cho Chính phủ quy định chi tiết trường hợp cần xác định và cách thức xác định nồng độ cồn nội sinh đối với người bị bệnh khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; nhằm tránh việc xử lý oan sai đối với các trường hợp này.

Làm rõ thêm về vấn đề nồng độ cồn, giải trình tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, theo báo cáo của Bộ Công an thì từ tháng 6/2022 đến tháng 12/2023 số người chết, bị thương vì tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến rượu bia chiếm 20% tổng số người chết, bị thương vì tai nạn giao thông đường bộ. Trong số đó, 80% là lỗi do người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu, bia gây ra.

Quang cảnh kỳ họp

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cũng dẫn thêm các số liệu báo cáo mới nhất của Bộ Y tế về các thương vong, chấn thương, tỉ lệ nạn nhân chấn thương sọ não vì tai nạn giao thông đường bộ...

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, đại đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, cơ quan hữu quan nghiên cứu kỹ lưỡng, tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm chuyên sâu, khảo sát thực tiễn, thu thập thêm nhiều thông tin hữu ích phục vụ việc tiếp thu, chỉnh lý, giải trình các nội dung của dự án Luật.

Các nội dung dự thảo luật đã kết tinh được công sức và trí tuệ của cả hệ thống chính trị và người dân; các ý kiến cơ bản nhất trí về bố cục, nội dung cụ thể của dự thảo luật tiếp thu, chỉnh lý và Báo cáo tiếp thu giải trình chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về quy định nghiêm cấm hành vi “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, đa số đại biểu thống nhất và đề nghị có quy định cụ thể hơn về đo, kết quả đo và xét nghiệm nồng độ cồn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang