Từ thỏa thuận bị "bỏ quên" đến thực trạng hỗn loạn trong KDC
Theo phản ánh từ người dân Khu phố 9 (KP9), P.Cát Lái (trước đây là tổ 46, KP3), nhiều năm trước, TCT Tân Cảng Sài Gòn đã có thỏa thuận với chính quyền địa phương và cộng đồng. Theo đó, TCT Tân Cảng Sài Gòn được "mượn" một số tuyến đường nội bộ KDC (cụ thể là từ đường 35CL rẽ vào đường 71CL, rồi vào đường 57CL) cho xe vận tải loại nhỏ (dưới 2,5 tấn) lưu thông để vào cổng C nhận hàng rời. Đây được xem là giải pháp tạm thời trong lúc TCT Tân Cảng Sài Gòn xây dựng đường chuyên dụng riêng, và các bên thống nhất xe tải tuyệt đối không đi vào các đường dân sinh khác.
Tuy nhiên, thỏa thuận này từ lâu đã không được tôn trọng. "Hiện nay, không chỉ xe nhỏ mà cả xe tải trọng lớn, xe siêu tải, siêu trọng vẫn ngang nhiên đi vào hầu hết các tuyến đường trong KDC như đường 43CL, 46CL, 49CL, 51CL, 55CL, 70CL, 66CL... với tốc độ cao. Có những hôm xe đông đến mức người đi bộ còn không có lối đi", anh T., một người dân lâu năm tại KDC Cát Lái chia sẻ.

Giao thông hỗn loạn, nguy hiểm luôn rình rập
Theo anh T., xe container thì đậu đầy đường 57, đoạn từ cổng Lữ đoàn Hải quân 125 đến cổng trường đại học, tràn lan ra các đường trong khu 50ha tái định cư Cát Lái. "Có người điều khiển xe ra vào hàng ngày, tình trạng này kéo dài tháng này qua tháng khác, nhiều năm rồi. Tôi đã phản ánh nhiều lần tới KP, chi bộ, phường, Công an phường nhưng đến nay lượng xe ra vào càng nhiều hơn, tiếng xe container gầm rú suốt ngày đêm, quay đầu làm đường xá xuống cấp", anh T. giải thích thêm.
Nỗi khổ không dừng lại ở đó. Trên tuyến đường 55, người dân phản ánh ngày nào xe tải cũng nối đuôi nhau chạy ầm ầm rất nguy hiểm. Các vựa pallet thì ngang nhiên xếp gỗ, pallet kín vỉa hè, tràn cả xuống lòng đường khiến việc đi lại của người dân vô cùng khó khăn. Tình trạng xả rác bừa bãi từ các hoạt động này cũng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. "Đã nhiều lần có lực lượng chức năng xuống nhắc nhở nhưng rồi đâu lại hoàn đó. Thiết nghĩ các hộ kinh doanh pallet này quá coi thường người dân và chính quyền địa phương, coi thường pháp luật ", một người dân bức xúc. Chưa kể, tình trạng tài xế xe tải, xe container sinh hoạt, phóng uế, tiểu tiện bừa bãi ngay trong KDC cũng gây mất vệ sinh và mỹ quan đô thị.
Hồi chuông cảnh báo khẩn thiết
Sự bất an thường trực đó đã lên đến đỉnh điểm vào khoảng 13 giờ 30 phút ngày 14/5. Tại ngã tư đường 43 và đường 69 trong KDC Cát Lái, xe tải mang BKS 50H-155.45 do tài xế Lê Văn Lâm (59 tuổi, ngụ Biên Hòa, Đồng Nai) điều khiển đã xảy ra va chạm với xe máy BKS 59N2-204.27. Hậu quả, người điều khiển xe máy là một người đàn ông nước ngoài (giáo viên dạy tiếng Anh tại một trường học gần đó) đã tử vong tại chỗ. Theo tài xế xe tải, khi xe đang lưu thông trên đường 43, xe máy từ hướng đường 69 đã lao vào thành xe. Khu vực KDC Cát Lái được thiết kế theo dạng ô bàn cờ với nhiều giao lộ, đường sá lại thường vắng vẻ do mật độ dân cư chưa quá đông, khiến tài xế tham gia giao thông đôi khi chủ quan, thiếu quan sát khi qua ngã tư.
Vụ tai nạn này như "giọt nước làm tràn ly", đẩy sự bức xúc của người dân lên đến đỉnh điểm. "KP đã rất nhiều lần kiến nghị, phản ánh nhưng sự việc không có chuyển biến. Vì quyền lợi chính đáng, hợp pháp của bà con, cộng đồng dân cư, KP sẽ soạn thảo văn bản kèm theo chữ ký của các chi hội đoàn thể, các trường học, nhà chùa và toàn thể bà con nhân dân, cùng những tư liệu hình ảnh để kiến nghị TCT Tân Cảng Sài Gòn thực hiện đúng cam kết, có biện pháp xử lý các xe chạy vào KDC", nội dung kêu cứu của người dân nêu rõ.
Đại diện KDC cũng cho biết, nếu TCT Tân Cảng Sài Gòn không có biện pháp khắc phục thỏa đáng, sẽ tiếp tục gửi kiến nghị lên Bộ Tư lệnh Hải quân và Bộ Quốc phòng - cơ quan chủ quản của TCT Tân Cảng Sài Gòn. "Tôi mong bà con KP chúng ta hãy cùng nhau phản ánh lên các cấp chính quyền có thẩm quyền giúp đỡ chứ như thế này khổ quá", một người dân tha thiết kêu gọi.

Vụ tai nạn làm một giáo viên nước ngoài tử vong tại KDC Cát Lái
Nỗi ám ảnh từ "ma trận" xe container và những giải pháp còn dang dở
Thực trạng xe tải nặng, xe container gây mất an toàn giao thông tại các tuyến đường xung quanh cảng Cát Lái - cảng container lớn nhất Việt Nam, nơi chiếm hơn 70% lượng container xuất nhập khẩu cả nước - không phải là vấn đề mới. Hàng ngày, có hàng nghìn lượt xe container lưu thông trên các trục đường chính như Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định, Võ Chí Công... Đây là những tuyến đường huyết mạch, nhưng cũng là nơi thường xuyên xảy ra ùn tắc kéo dài, tạo áp lực khổng lồ lên hạ tầng và an toàn giao thông.
Cảnh tượng hàng dài xe container "chôn chân" nhiều giờ liền, nhích từng chút một đã trở nên quá quen thuộc, đặc biệt vào các giờ cao điểm hoặc những ngày lượng hàng hóa thông quan qua cảng tăng đột biến. Người dân và các phương tiện nhỏ hơn, đặc biệt là xe máy, phải len lỏi giữa dòng xe khổng lồ này, đối mặt với nguy cơ tai nạn thường trực. Đã có không ít vụ tai nạn thương tâm liên quan đến xe container xảy ra trên các tuyến đường này, gây thương vong và thiệt hại tài sản nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, tình trạng xe container đậu đỗ tràn lan trên các tuyến đường, thậm chí "né" vào các KDC để chờ giờ vào cảng cũng đã được báo chí ghi nhận từ nhiều năm. Gần 10 năm nay, người dân các KDC gần cảng, trong đó có KDC Cát Lái (khi đó thuộc Q2), đã nhiều lần "kêu cứu" vì tiếng ồn từ động cơ xe gầm rú suốt ngày đêm, khói bụi mù mịt từ các phương tiện vận tải, đường sá bị cày nát, xuống cấp nhanh chóng và nguy cơ tai nạn luôn rình rập mỗi khi ra đường. Hình ảnh những chiếc xe container cồng kềnh di chuyển, quay đầu trong những con đường nội bộ nhỏ hẹp của khu dân cư, hay đậu đỗ chiếm hết phần đường đi đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân.
Trước áp lực đó, TPHCM và các cơ quan chức năng cũng đã triển khai một số giải pháp. Nổi bật là việc đầu tư xây dựng và từng bước hoàn thiện nút giao thông Mỹ Thủy, một công trình trọng điểm với kỳ vọng giải quyết điểm nghẽn giao thông lớn nhất ở cửa ngõ phía Đông thành phố. Các kế hoạch phân luồng, điều tiết giao thông, tăng cường xử lý vi phạm dừng đỗ sai quy định cũng được thực hiện.
Phía TCT Tân Cảng Sài Gòn cũng đã có những động thái phối hợp nhất định, các cam kết về việc sử dụng đường tạm và kế hoạch xây dựng các tuyến đường chuyên dụng để giảm tải cho các tuyến đường hiện hữu. Đã có những kiến nghị, đề xuất về việc xây dựng các tuyến đường kết nối trực tiếp cảng Cát Lái - Phú Hữu với các tuyến cao tốc và đường Vành đai 3, nhằm tách biệt hoàn toàn luồng xe vận tải hàng hóa ra khỏi các khu đô thị, KDC.

Các xe tải, container đậu kín tuyến đường nội bộ KDC Cát Lái cả ngày lẫn đêm
Tuy nhiên, vụ tai nạn ngày 14/5 và những bức xúc chưa được giải quyết triệt để của người dân KDC Cát Lái hiện nay cho thấy các giải pháp đã triển khai có thể chưa thực sự giải quyết được gốc rễ vấn đề, hoặc việc thực thi các cam kết, quy hoạch chưa đủ nghiêm túc và quyết liệt. Có thể hạ tầng chưa theo kịp tốc độ phát triển của cảng, hoặc việc quản lý luồng xe ra vào các cổng phụ, việc giám sát tuân thủ lộ trình của các phương tiện vận tải vẫn còn nhiều bất cập.
An toàn tính mạng và một môi trường sống an ninh, trong lành là quyền lợi chính đáng và cơ bản của người dân. Đã đến lúc TCT Tân Cảng Sài Gòn và các cơ quan quản lý Nhà nước của TPHCM, TP.Thủ Đức cần có những hành động cụ thể, quyết liệt và hiệu quả hơn nữa. Không chỉ là những giải pháp tình thế, mà cần có những chiến lược dài hạn, đồng bộ từ quy hoạch hạ tầng, tổ chức giao thông đến việc giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm. Việc chấn chỉnh dứt điểm tình trạng xe tải "tung hoành" trong KDC Cát Lái, trả lại sự bình yên và an toàn cho cộng đồng là một yêu cầu cấp bách, không thể trì hoãn.