(CATP) Thế giới không ngừng sáng tạo theo thời gian, nhưng có những điều trước khi được công nhận đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực trong cuộc sống, đó có thể là chiếc còi "tử thần" trong các lễ hiến tế thời cổ, là tiếng vang bí ẩn trong lòng Thái Bình Dương được phát hiện lần đầu tiên gần rãnh Mariana hoặc những tảng băng chuyển màu đen với tốc độ kỷ lục ở Greenland... Tất cả tạo nên sự bí ẩn kéo dài thu hút các nhà khoa học nỗ lực khám phá.
Được tìm thấy trong những ngôi mộ cổ từ thế kỷ XIII - XVI của người Aztec ở Mexico, với kích thước tương đối nhỏ, làm bằng đất sét, thường mang hình sọ người, ban đầu các nhà khảo cổ học cho rằng đó chỉ là vật trang trí theo tín ngưỡng dân gian nên không chú ý, cho đến nghiên cứu mới đây do các chuyên gia của Đại học Zurich (Thụy Sĩ) công bố trên Tạp chí Communications Psychology cho thấy âm thanh từ còi "tử thần" Aztec cổ xưa ảnh hưởng lớn đến não của người nghe, gây ám ảnh tâm lý... đã thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu lịch sử và giới khoa học.
Âm thanh chết chóc
Theo các chuyên gia nghiên cứu, thiết kế của loại còi này cho phép nhiều luồng không khí va chạm vào nhau, tạo ra âm thanh chói tai, giống tiếng hét của hàng ngàn người, tương tự "những cơn gió sắc bén" của địa phủ Mictlan, số khác lại nghĩ tiếng còi đại diện cho thần gió Ehecatl của người Aztec, được tạo ra người từ xương người chết, vì thế còn được gọi là còi "tử thần". Âm thanh của tiếng còi này được ví như tiếng khóc than của những oan hồn hay nỗi thống khổ của người bị thiêu sống trên giàn lửa...
Loại còi "tử thần" được tìm thấy trong các ngôi mộ của nạn nhân hiến tế
Ban đầu, khả năng những chiếc còi xuất phát từ thời cổ đại này từng được cho là dùng trong chiến trận để tấn công tâm lý khiến quân địch khiếp hãi, buông vũ khí ngay trước khi bước vào cuộc chiến. Cho đến khi chúng thường được tìm thấy cạnh hài cốt các nạn nhân hiến tế cho thấy có thể những chiếc còi ám ảnh này cũng được phục vụ cho nghi lễ tôn giáo và các buổi hiến tế nhiều hơn. Để hiểu thêm về nguyên lý hoạt động của còi "tử thần", nhóm nghiên cứu đã chọn các tình nguyện viên là người Châu Âu để ghi lại phản ứng tâm lý của họ khi nghe "tiếng hét tử thần" và phát hiện não bộ của tất cả đều cảm thấy giật mình một cách ám ảnh, khả năng dẫn đến kích hoạt xu hướng phản ứng khẩn cấp. Theo các chuyên gia nghiên cứu, còi "tử thần" có thể gây khiếp hãi cho cả những người chứng kiến lễ hiến tế.
Ẩn số qua hàng ngàn năm
Ngoài âm thanh chết chóc như tiếng con người gào thét trong đau đớn, tiếng hú của ma quỷ, vẻ ngoài của những chiếc còi này cũng khiến người trông thấy phải rùng mình, nổi gai ốc bởi bên cạnh vẻ thô nháp, xù xì, chúng còn được tạo theo hình dạng những chiếc sọ người.
Chuyên gia Roberto Velazques Cabrera từng tái tạo lại các nhạc cụ cổ xưa của tổ tiên ông vốn là người da đỏ cho biết, quá trình nghiên cứu, ông thấy những công cụ này có thể chỉ dành cho các pháp sư hay người lãnh đạo nhóm hoặc bộ lạc. Đặc biệt, âm thanh thê lương sẽ được thổi lên ngay trước khi nạn nhân bị hiến tế để "hướng dẫn linh hồn người chết về với thế giới bên kia".
Ngoài ra, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy nhiều loại công cụ tạo âm thanh đặc biệt khác của người Aztec, được làm từ nhiều loại vật liệu khác nhau: vỏ ốc, lông gà, da ếch, bã mía... Mỗi loại phục vụ cho mục đích riêng: còi đất sét thường được các thợ săn dụ những con mồi, trong khi kèn vỏ ốc dùng thổi khai màn các buổi lễ quan trọng. Thậm chí, theo các nhà nghiên cứu, người Aztec còn biết sử dụng âm thanh từ các loại còi để chữa bệnh... Qua đó cho thấy còn nhiều bí ẩn của các nền văn minh cổ xưa dù trải qua cả ngàn năm vẫn giữ nguyên ẩn số của mình.
Aztec là đế chế thuộc Mexico với nhiều bản sắc văn hóa đặc biệt, ám ảnh nhất là trong các nghi lễ hiến tế. Vào thời cực thịnh, văn hóa Aztec thể hiện rõ truyền thống tôn giáo, thần thoại đa dạng và còi "tử thần" cũng được xem là "loại bùa thể hiện quyền năng đặc biệt" trong nền văn minh của người da đỏ Aztec ở Mexico.
(Còn tiếp...)
NGUYỄN XUÂN (Theo Toutiao, Communications Psychology)