TP.Thủ Đức: Nỗi ám ảnh ngập lụt khi trời mưa

Thứ Ba, 11/06/2024 14:58  | Song Ngân

|

(CATP) Chưa bao giờ người dân TP.Thủ Đức, TPHCM phải lo ngại mỗi khi trời đổ mưa như hiện nay. Mặc dù chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp khắc phục, thế nhưng mới chỉ sau vài cơn mưa lớn đầu mùa đã khiến nhiều nơi ngập nước cục bộ, các tuyến đường biến thành "sông", người dân phải ra sức "chống đỡ”. Nỗi khổ ngập nước trên địa bàn này đối với người dân không biết đến bao giờ mới được giải thoát.

Thấy mưa là lo lắng

Mới đây nhất là vào trưa 07/6, cơn mưa lớn bắt đầu vào khoảng 11 giờ 50 phút, chỉ sau một giờ đã làm cho khu vực xung quanh chợ Thủ Đức bị ngập sâu, nắp cống bung, nước tràn ngược lên mặt đường khiến các phương tiện qua lại trên địa bàn này gặp rất nhiều khó khăn, nhiều xe ôtô chết máy. Cũng như những lần mưa trước, 2 con đường xung quanh chợ Thủ Đức là Lê Văn Ninh và Kha Vạn Cân cũng không thoát khỏi cảnh ngập sâu, nước chảy xiết, nhiều hố ga, nắp cống trên 2 con đường này bị bung nắp, nước dưới cống cuồn cuộn trào lên làm ngập đường. Lực lượng chức năng đã có mặt lập rào chắn, thay đổi hướng lưu thông không cho phương tiện qua đoạn đường này để bảo đảm an toàn. Một số người chạy xe máy lên vỉa hè gác chống ngồi chờ nước rút mới tiếp tục hành trình.

Theo quan sát của phóng viên, mỗi khi trời mưa lớn thì hầu hết các tiểu thương tại chợ Thủ Đức đều tranh thủ đóng cửa, kê cao đồ đạc, che chắn để ngăn nước ngập tràn vào làm hư hỏng đồ đạc. Họ phải tạm dừng mọi hoạt động kinh doanh ngồi chờ nước rút mới có thể tiếp tục buôn bán. Khi cơn mưa dừng rơi thì khoảng 30 - 40 phút sau hệ thống cống thoát nước mới phát huy hiệu quả, mặt đường mới thông thoáng trở lại. Tuy nhiên, ở khu vực các tuyến đường nhánh gần chợ Thủ Đức, như: Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Trương Văn Ngư... cũng trong tình trạng ngập nặng, kéo dài hơn do hệ thống cống thoát nước rút chậm. Mực nước ở đây cũng lên đến đầu gối hoặc quá nửa bánh xe khiến cho nhiều người đi lại hết sức khó khăn, phải nhờ sự hỗ trợ của lực lượng chức năng đến phân luồng, moi rác ở các miệng cống và hỗ trợ đưa xe người dân qua vùng nguy hiểm.

Nỗi ám ảnh của tiểu thương chợ Thủ Đức vì luôn phải đối đầu với ngập nước

Theo báo cáo của chính quyền địa phương, hiện nay trên địa bàn TP.Thủ Đức có tổng cộng 24 điểm ngập và 13 điểm theo dõi ngập. Trong đó, Dự án xây dựng cải tạo rạch Thủ Đức kết hợp chỉnh trang đô thị là điều kiện tiên quyết để thoát nước cho khu vực chợ Thủ Đức và vùng lân cận. Đối với 13 điểm ngập và 12 điểm theo dõi ngập do UBND TP.Thủ Đức quản lý, giải quyết thì đã có 8 điểm ngập được ghi vốn trong năm 2024 để thực hiện giải pháp công trình chống ngập; 3 điểm ngập chưa được ghi vốn đầu tư công trình; một điểm ngập cần duy tu, nạo vét hệ thống cống thoát nước và một điểm ngập phải chờ các dự án liên quan hoàn thành để đấu nối hoàn chỉnh.

Giải pháp nào chống ngập hiệu quả?

Theo báo cáo của UBND TP.Thủ Đức, riêng đối với khu vực chợ Thủ Đức, cần kết hợp dự án xây dựng hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân, dự án cải tạo hệ thống thoát nước khu vực chợ Thủ Đức (Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Hồ Thị Tư...), xây dựng cống rạch Cầu Ngang (giải quyết nút cổ chai), triển khai dự án xây dựng cải tạo rạch Thủ Đức kết hợp chỉnh trang đô thị. Cần có một số hồ điều tiết để điều hòa lưu lượng nước khi mưa lớn. Cần hạn chế dồn nước về hạ lưu trong thời gian ngắn, gây ngập cục bộ và quá tải cho hệ thống thoát nước khu vực hạ lưu. Trong đó, dự án xây dựng cải tạo rạch Thủ Đức kết hợp chỉnh trang đô thị là điều kiện tiên quyết để thoát nước cho khu vực này. Tuy nhiên, TP.Thủ Đức cũng thừa nhận còn khó khăn khi nguồn kinh phí để đầu tư mới hoặc nâng cấp các dự án hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế, chưa bảo đảm giải quyết hết công suất khi trời mưa lớn kéo dài nhiều giờ. Bên cạnh đó công tác bồi thường giải phóng mặt bằng gặp vướng mắc, khó khăn dẫn đến chậm tiến độ, kế hoạch, công tác thi công kéo dài.

Rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi, làm tắc cống thoát nước là một trong những nguyên nhân gây ngập

Đánh giá chung về tình hình quy hoạch thoát nước hiện tại, theo Sở Xây dựng TPHCM nhận định, quy hoạch cũ đã không còn phù hợp và cần nghiên cứu điều chỉnh. Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước của TPHCM đang thực hiện theo quyết định số 752 của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2001. Theo quyết định này thì hệ thống thoát nước của TPHCM chịu được mưa lớn trong 3 giờ liên tục với khoảng 95,91mm đối với kênh rạch, 85,36mm với cống cấp 2 và 75,88mm với cống cấp 3 và triều cường 1,32m. Do biến đổi khí hậu nên tần suất mưa lớn tăng và lượng mưa cũng cực đoan hơn. Từ năm 2008 đến nay, biến đổi khí hậu làm xuất hiện các đợt triều cường cao, có thời điểm đạt 1,8m. Cũng theo Sở này cho biết, hiện tại quy hoạch chia TPHCM thành 6 vùng thoát nước mưa và 9 lưu vực thoát nước thải. Từ quy hoạch này, TPHCM đã tập trung cải tạo các kênh rạch và trục thoát nước chính, xây dựng phát triển hệ thống thoát nước. Các thông số đầu vào tính toán hệ thống thoát nước chưa lường trước được các yếu tố ảnh hưởng của biến đổi khí hậu hiện nay. Phạm vi quy hoạch tổng thể thoát nước của TPHCM chỉ chiếm 28,38% tổng diện tích, bao gồm khu vực nội thành hiện hữu 106,41km2 và khu vực lân cận 457,11km2.

Trở lại rốn ngập TP.Thủ Đức, sau khi tiếp nhận nhiều phản ánh của người dân về tính hiệu quả của hệ thống thoát nước ở đường Võ Văn Ngân sau những trận mưa đầu mùa, đặc biệt là cơn mưa diễn ra vào chiều 15/5 vừa qua, ông Mai Hữu Quyết - Phó chủ tịch UBND TP.Thủ Đức đã thông tin về tình hình mưa, ngập nước trên địa bàn TP.Thủ Đức và đánh giá tính hiệu quả của dự án xây dựng hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân và chợ Thủ Đức. Theo ông Quyết, trong cơn mưa ngày 15/5, nhiều tuyến đường xung quanh chợ Thủ Đức xảy ra tình trạng ngập. Có nơi ngập từ 0,3m đến 0,45m và sâu nhất là đường Dương Văn Cam có thời điểm ngập 0,6m. Chợ Thủ Đức là khu vực vùng trũng, thấp hơn ngã tư Thủ Đức và đường Phạm Văn Đồng khoảng 2 - 3m. Bên cạnh đó các tuyến đường nối vào chợ Thủ Đức từ các P.Linh Tây, Linh Xuân rất dốc nên khi mưa lớn sẽ tạo thành dòng chảy xiết về chợ Thủ Đức, gây tình trạng ngập, vấn đề này không phải bây giờ mới có mà đã xảy ra từ nhiều năm trước mỗi khi có mưa to. Trong khi đó hệ thống thoát nước cho khu vực này qua rạch Cầu Ngang rất nhỏ, không đủ công suất khi lượng nước dồn về quá lớn.

Rốn ngập trên đường Đỗ Xuân Hợp xảy ra trong cơn mưa chiều 07/6

Trước thực trạng trên, TP.Thủ Đức đã đề ra 5 công trình giải quyết ngập, gồm: Hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân, đường Dương Văn Cam, đường Đặng Thị Rành, đường Hồ Văn Tư và đường Kha Vạn Cân. Ngoài đường Võ Văn Ngân thì 4 tuyến đường còn lại ngập sâu do chưa có hệ thống thoát nước. Đồng thời, TP.Thủ Đức cũng đề ra dự án mở rộng rạch Cầu Ngang từ 5m lên 9m, rạch Thủ Đức và dự án điều tiết triều cường ra vào rạch Thủ Đức. Trong 5 dự án thì hiện nay mới xong dự án hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân, nên tổng thể khu vực chợ Thủ Đức khi có mưa lớn cùng triều cường thì vẫn ngập, ông Quyết nhìn nhận.

Đánh giá tính hiệu quả của hệ thống chống ngập đường Võ Văn Ngân, Phó chủ tịch UBND TP.Thủ Đức cho rằng, dự án này đã mang lại hiệu quả bước đầu. Trước đây, khu vực đường Võ Văn Ngân có 2 điểm ngập tại khu vực nhà thờ và nhà thiếu nhi, nhưng những cơn mưa vừa qua, hai nơi này không còn là điểm ngập đáng quan ngại nữa.

Ông Lưu Văn Tấn - Giám đốc Trung tâm Phát triển quản lý hạ tầng TP.Thủ Đức cho biết, việc một số nắp cống trên đường Võ Văn Ngân bị bung lên là do áp lực nước dồn về quá nhanh, phía hạ lưu không thoát kịp nên dẫn đến lưu tốc lớn, thổi bung nắp cống. Đến nay, hệ thống thoát nước này chưa được bàn giao, chủ đầu tư còn khắc phục một số tồn tại, khắc phục việc bung nắp cống trong thời gian tới.

Lực lượng chức năng xuất hiện vớt rác khơi thông dòng chảy

Theo tìm hiểu của phóng viên, tình trạng ngập nước trên địa bàn TP.Thủ Đức xảy ra thời gian gần đây trên diện rộng, ở một số tuyến đường, khu vực ngập nặng, như: đường Quốc Hương (P.Thảo Điền), đường Dương Đình Hội và đường Đỗ Xuân Hợp (P.Phước Long B), đường Nguyễn Xiển (P.Long Thạnh Mỹ và Long Bình) và một số tuyến đường ở P.Hiệp Bình Chánh và P.Tam Bình cũng không ngoại lệ. Ngoài việc quan tâm của chính quyền địa phương để đầu tư một số dự án, nạo vét dòng chảy thì quan trọng vẫn là ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi vì đó cũng là một trong những nguyên nhân gây ngập lụt do tắc đường thoát nước ở cống, rãnh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang