(CATP) Mới đầu mùa mưa nhưng tại Đồng bằng Sông Cửu Long liên tục xảy ra sạt lở bờ sông, bờ kênh gây ảnh hưởng đến nhà dân, các tuyến đường giao thông, trường học. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tình trạng sạt lở sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới.
Đường sá, nhà cửa tan hoang
Theo UBND huyện U Minh Thượng (Kiên Giang), tình trạng sạt lở đường giao thông ở hai xã An Minh Bắc và Minh Thuận vẫn tiếp tục diễn ra. Đến nay, địa phương ghi nhận có khoảng 454 điểm sạt lở, sụp lún đường giao thông, với tổng chiều dài gần 11,5km. Đặc biệt, Tỉnh lộ 965 có đoạn sạt lở theo phương thẳng đứng, sâu; có đoạn đứt gần hết mặt đường, lấn sát vào mé nhà dân; 42 căn nhà dân bị ảnh hưởng, sụt lún xuống kênh, ước tính tổng thiệt hại hơn 220 tỷ đồng. Ông Dương Quốc Khởi (Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh Thượng) cho biết, mưa xuống làm đất mềm nên những đoạn đường bị rạn nứt có nguy cơ sạt lở cao. Địa phương đã vận động 116 hộ dân di dời đến nơi an toàn, ban đêm không còn ngủ ở những ngôi nhà có nguy cơ sạt lở nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản.
Theo ghi nhận, Tỉnh lộ 965 dài khoảng 60km, có nhiều đoạn bị hư hỏng, chia cắt do sụp lún hơn nửa mặt đường. Đường qua ấp Kinh Năm, xã An Minh Bắc bị sụp lún đoạn dài 100m khiến giao thông bị cản trở, nguy hiểm rình rập. Ngồi thất thần trong căn nhà tạm mới dựng vì căn nhà trị giá hàng trăm triệu đồng trong tích tắc sạt lở xuống kênh, bà Phạm Thị Ngọt (56 tuổi, ngụ xã An Minh Bắc) kể: Khoảng 6 giờ sáng cách nay 2 tháng, khi vừa thức dậy, gia đình bà phát hiện có một vết nứt trước mặt đường, căn nhà bắt đầu nghiêng. Nghi sắp xảy ra chuyện chẳng lành, vợ chồng bà cùng 6 người con chạy ra ngoài. Trong tích tắc, căn nhà bị lún, nghiêng dần rồi sạt lở xuống kênh. "Vợ chồng tôi tích cóp được khoảng 700 triệu cất căn nhà mới được hơn một năm thì xảy ra sự cố. Gia đình đã tháo vật dụng từ căn nhà sập, dựng nhà tạm để ở. Tôi sống ở đây đã lâu nhưng chưa từng thấy tình trạng sạt lở kinh hoàng như thế này" - Bà Ngọt nói.
Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân di dời tài sản
Cách đó không xa là căn nhà của chị Đặng Thị Triều mới xây hơn 100 triệu đồng cũng sạt lở xuống kênh. Chị Triều bộc bạch: "Địa phương đã cấm ôtô lưu thông trên Tỉnh lộ 965 do tình hình sạt lở phức tạp. Nhà tôi bán tạp hóa, xe cộ không lưu thông qua khu vực này nên gặp nhiều khó khăn. Nhiều cửa hàng xăng dầu trên tuyến này cũng đóng cửa. Mong địa phương sớm có hướng khắc phục để bà con đi lại thuận tiện, ổn định cuộc sống".
UBND huyện U Minh Thượng chủ động khắc phục thiên tai bằng cách động viên người dân có nhà ở điểm có nguy cơ sạt lở di dời đồ đạc. Các đoạn đường sạt lở, sụp lún thì địa phương mở 45 đường tạm, cắm 30 biển cảnh báo, giăng dây và tạm thời cấm ôtô lưu thông. Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang yêu cầu UBND huyện U Minh Thượng phải lo chu đáo cho người dân bị ảnh hưởng có chỗ ăn, ở an toàn. Địa phương và các đơn vị liên quan cần thuê tư vấn đánh giá, khảo sát lại địa chất để có phương án khắc phục đường giao thông, giúp người dân đi lại và vận chuyển hàng hóa.
Tại tỉnh Vĩnh Long, mới đây 2 đoạn bờ sông thuộc xã Tân An Luông (H.Vũng Liêm) và xã Tân Long Hội (H.Mang Thít) sạt lở khiến nhiều nhà dân, tài sản bị thiệt hại. Rạng sáng 07/5, tại gần cầu Gò Ân (xã Tân An Luông) xảy ra sạt lở bờ sông Măng Thít dài khoảng 60m, khiến 2 căn nhà tiền chế, bờ kè và một số tài sản của 4 hộ dân chìm xuống sông. Nguy cơ sạt lở toàn tuyến khoảng 100m. Khoảng 1 giờ ngày 06/6, tại xã Tân Long Hội cũng xảy ra sạt lở tại ấp Tân Phong 1, thuộc dự án công trình đê bao Sông Măng với chiều dài 38m, rộng 6m, sâu 3m, ảnh hưởng 2 căn nhà và mặt đường bằng đal.
Tuyến đường ở huyện U Minh Thượng bị sạt lở nghiêm trọng
Tại TP.Cần Thơ, lúc 7 giờ ngày 31/5, vụ sạt lở khoảng 70m, ăn sâu vào bờ 8m khiến một phần phía sau của 10 căn nhà (P.Long Hòa, Q.Bình Thủy) chìm xuống sông. Do khu vực sạt lở xuất hiện thêm nhiều vết nứt nguy hiểm nên chính quyền địa phương hỗ trợ các hộ dân di dời tài sản, đồng thời căng dây, cắm biển cảnh báo nguy hiểm.
Sạt lở đe dọa trường học
Trường Mầm non Sơn Ca 2 (P1, TX.Giá Rai, Bạc Liêu) có diện tích hơn 5.000m2, tổng mức đầu tư hơn 38 tỷ đồng, đang xây dựng gần hoàn thiện nhưng khu vực phía sau trường đã xuất hiện sạt lở nghiêm trọng. Đất, đá bị nứt, gãy nhiều điểm, có nguy cơ sạt, trượt xuống sông bất cứ lúc nào. Ông Lâm Vĩnh (ngụ địa phương) cho biết, sau trận mưa lớn thì khu vực phía sau trường xuất hiện các điểm sạt lở. Có những hộ dân ở đây đã bỏ nhà đi nơi khác. Sạt lở bờ sông cũng làm rạn nứt sân trường, cống... Để bảo đảm tiến độ công trình, Ban Quản lý dự án (BQLDA) đầu tư xây dựng TX.Giá Rai đã cho làm kè cọc dừa để hạn chế sạt lở, nhưng không ăn thua.
Căn nhà của bà Phạm Thị Ngọt bị sạt lở xuống kênh
Đại diện BQLDA đầu tư xây dựng TX.Giá Rai cho biết, điểm Trường Mầm non Sơn Ca 2 đang được xây dựng để tiến tới xây dựng trường chuẩn quốc gia. Dự án gồm 12 phòng học, khu phòng hành chính quản trị, nhà xe..., thi công trong 18 tháng và sẽ hoàn thành cuối tháng 6/2024. Theo ông Phạm Văn Tới (Phó Trưởng phòng Kinh tế TX.Giá Rai), sau khi xảy ra sự cố, chủ đầu tư đã thuê đơn vị tư vấn khảo sát tình trạng sạt lở phía sau trường. Sau khi có kết quả, sẽ trình phương án khắc phục, báo cáo UBND thị xã xin chủ trương của tỉnh cho làm bờ kè chống sạt lở.