Họp bàn quản lý xe công nông

Thứ Tư, 28/06/2017 20:16  | Chí Dũng

|

(CAO) Đi dọc các tuyến đường tại Tây Nguyên không khó để chứng kiến những chiếc xe công nông nhiều không: không đăng ký, không còi, không đèn, không xi nhan, không bằng lái,...

Mở đầu Hội thảo công tác quản lý xe máy kéo nhỏ phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên được tổ chức tại Gia Lai vào chiều ngày 26-6, ông Nguyễn Hữu Quế - GĐ Sở GT&VT Gia Lai ví von: “Những chiếc xe công nông chạy trên các cung đường như một đặc sản Tây Nguyên”.

Hình ảnh dễ bắt gặp trên các quốc lộ ở Tây Nguyên

Các tham luận tại hội thảo chỉ ra rằng, đối với 1 địa bàn có diện tích cây công nghiệp lớn như Tây Nguyên thì xe kéo nhỏ là lực lượng vận tải hết sức quan trọng, chưa có phương tiện hữu hiệu nào có thể thay thế. Tuy nhiên, trong thời gian qua, với loại phương tiện “nhiều không” này luôn là mối nguy hiểm khi nó lưu thông trên các cung đường.

Điển hình như vụ tai nạn ngày 27-11-2015, chiếc xe công nông do anh Rơ Châm Hrung (SN 1988, trú làng Brép, xã Ia Phí, huyện Chư Pah, Gia Lai) điều khiển lưu thông trên QL14 chở theo 15 người đã va chạm với xe tải. Hậu quả, 5 người tử vong, 9 người nhập viện cấp cứu. Cách đó không lâu cũng tại Gia Lai, chiếc xe công nông chở đến 25 người đang trên đường đi TP.Pleiku thì bị lật, khiến 25 người bị thương;…

Còn tại Đắk Lắk liên quan đến xe công nông, năm 2016, có 28 vụ tai nạn làm chết 19 người; 5 tháng đầu năm 2017, xảy ra 21 vụ làm chết 18 người. Các tỉnh khác tại Tây Nguyên tình hình tại nạn liên quan đến xe công nông cũng không khả quan hơn.

Ông Tăng Xuân Kiên - Trưởng phòng Quản lý phương tiện và Người lái (Sở GT&VT Gia Lai) nêu ra bất cập: Việc cấm phương tiện loại này lưu thông trong thị trấn, thị xã, thành phố, trên các trục đường chính còn bất cập, vì từ nhà vào nương rẫy và ngược lại phải đi trên các tuyến đường bị cấm, trong khi chưa xây dựng được các tuyến đường gom dành cho phương tiện loại này.

Vụ tai nạn xe công nông tại Gia Lai làm 5 người tử vong

Ông Nguyễn Văn Gia – P.GĐ Sở GT&VT Lâm Đồng nêu ra các giải pháp, quy định phạm vi và thời gian hoạt động để vừa đảm bảo được an toàn giao thông vừa đảm bảo nhu cầu sản xuất, đời sống của nhân dân. Ngoài ra, các đơn vị cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền và giáo dục tới các hộ dân sử dụng phương tiện.

Ngay trong hội thảo, một trong những đề xuất của các đại biểu lên Bộ GT&VT nhận được nhiều sự đồng thuận đó là: Gắn phản quang vào các phương tiện xe kéo nhỏ. Việc làm này đảm bảo chi phí thấp, dễ thực hiện, giảm được tình trạng tai nạn về đêm.

Bình luận (0)

Lên đầu trang