(CAO) Khoảng 18 giờ chiều 20-3, UBND tỉnh Đồng Nai đã có buổi họp khẩn cấp để thông tin cho báo đài về vụ việc cầu Ghềnh bị sà lan tông sập vào trưa cùng ngày.
Tại văn phòng UBND tỉnh Đồng Nai, đồng chí Đinh Quốc Thái đã chủ trì cuộc họp khẩn về vụ việc liên quan đến chiếc cầu Ghềnh hơn trăm năm tuổi ở Đồng Nai bị sà lan tông sập hai nhánh. Tại cuộc họp khẩn có đại diện nhiều Ban ngành địa phương và trung ương dự và chỉ đạo biện pháp khắc phục vụ việc.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông và Nguyễn Hồng Trường cũng đã có mặt tại Đồng Nai và tổ chức cuộc họp với UBND tỉnh Đồng Nai và các ban ngành liên quan của tỉnh để tìm ra giải pháp khắc phục sự cố xảy ra.
UBND tỉnh Đồng Nai đã có buổi họp khẩn cấp để thông tin cho báo đài về vụ việc cầu Ghềnh bị sà lan tông sập
Theo Cảnh sát PCCC tỉnh, tại thời điểm xảy ra tai nạn, có 2 người đã chủ động nhảy xuống và được người dân vớt lên an toàn. Các phương tiện tham gia giao thông khi xảy ra tai nạn đều đã được đưa lên bờ và bàn giao cho công an địa phương để trao trả cho người dân.
Một số người dân cho biết, họ không thấy nạn nhân nào đi phía trước đó.
Đồng chí Bùi Hữu Danh, Phó giám đốc Công an tỉnh xác định, hiện Công an tỉnh đang phối hợp với Cục điều tra C45 - Bộ Công an để điều tra làm rõ sự việc.
Theo đại tá Danh, cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa xác định có người nào bị chết sau vụ việc này.
Riêng hai tài công sà lan hiện đã bỏ đi khỏi hiện trường nhưng cơ quan công an cũng đã xác minh được danh tính.
Qua điều tra ban đầu cơ quan công an xác định, hai người điều khiển đầu máy là hai chú cháu và hai người này đã nhảy khỏi sà lan lúc sự cố xảy ra, sau đó bắt xe về miền Tây.
Theo đại tá Danh, sau khi đã thống nhất giữa các cơ quan liên quan, Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án để điều tra về hành vi vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy theo Điều 212 Bộ luật Hình sự.
Đồng chí Trần Văn Vĩnh, Ủy viên Ban TVTU, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết, hiện Bộ GTVT đã thành lập tổ công tác đặc biệt. Trước sự cố đó, tỉnh cũng đã có chỉ đạo Sở GTVT phối hợp với đường sắt Việt Nam để vận chuyển hành khách từ Ga Biên Hòa, riêng hàng hóa thì sẽ trung chuyển từ gà Hố Nai.
Riêng việc trục vớt sà lan cũng cần phải thực hiện khẩn trương, không để xảy ra tình trạng sà lan trôi dạt, gây sự cố tràn dầu, ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường thủy khu vực.
Đối với hệ thống điện, nước và cáp viễn thông đã nhanh chóng được khắc phục kịp thời.
Dự kiến sớm nhất sau hai ngày sẽ trục vớt sà lan lên bờ, toàn bộ kinh phí sẽ do Tổng công ty đường sắt đảm nhiệm.
Tuyến đường sắt Bắc – Nam nối cầu Ghềnh đi ga Biên Hòa sẽ được sửa chữa sớm nhất trong vòng 5 tháng tới.