TPHCM: Những cây cầu "lỗi nhịp"

Thứ Bảy, 11/12/2021 14:04  | Hải Văn

|

(CATP) Hàng loạt cây cầu khang trang, hiện đại, trị giá hàng trăm tỷ đồng tại TPHCM chưa hẹn ngày nối nhịp không chỉ khiến giao thông (GT) ùn tắc, gián đoạn mà còn gây lãng phí lớn tiền của Nhà nước khiến người dân bức xúc.

Cầu xây xong "trùm mền"?

Là dự án (DA) đóng vai trò quan trọng trong việc khai thông tuyến đường thủy nối sông Sài Gòn và sông Đồng Nai qua ngã ba Rạch Chiếc, cầu Nam Lý (TP.Thủ Đức) được Sở Giao thông công chánh TPHCM phê duyệt từ năm 2004, dài 448,9m, vốn đầu tư 857 tỷ đồng, khởi công tháng 10-2016 do Khu quản lý giao thông đô thị số 2 làm chủ đầu tư, dự kiến bàn giao vào quý 2/2018. Khi hoàn thành, cầu được kỳ vọng gỡ nút thắt cho cầu Cống đập Rạch Chiếc - vốn nhỏ hẹp và xuống cấp, giúp kết nối GT các vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu vận tải, lưu thông của người dân.

Đã quá hạn hơn 3 năm, cầu Nam Lý vẫn chưa hoàn thành

Đặt mục tiêu là vậy, nhưng đến nay đã quá hạn hơn 3 năm, cầu Nam Lý mới thi công được 39% khối lượng và chịu cảnh "trùm mền" cùng mưa nắng, hiện trường còn lại là những khối trụ bê-tông, dầm cốt to tướng chình ình trên đường Đỗ Xuân Hợp và những nhịp cầu dang dở chưa hẹn ngày nối lại. Hàng chục khối sắt thép lộ ra ngoài đã hoen rỉ, nhiều hạng mục xuống cấp do bị bỏ hoang nhiều năm. Dưới chân cầu có cả chục đống xà bần, rác rưởi, gạch đá nằm ngổn ngang, nhếch nhác, nắng bụi, mưa sình. Xung quanh chân cầu có nhiều "lô cốt" méo mó, xiêu vẹo, gây cản trở GT nghiêm trọng. Trong khi đường tạm dưới chân cầu mới được rải đá qua loa, không vạch kẻ thì ngay chân cầu Nam Lý đường bị bóp nhỏ lại chỉ đủ cho 2 làn xe, vì thế việc lưu thông qua đây gặp không ít khó khăn, dễ xảy ra tai nạn.

Chưa kịp mừng, người dân đôi bờ sông Tắc đã hụt hẫng vì cầu Long Đại chưa hẹn ngày nối nhịp

Ông Vũ Văn Bình (ngụ TP.Thủ Đức) bức xúc: "Khi làm cầu Nam Lý, đơn vị thi công rào chắn, nắn đường, phân luồng xe cộ làm cho tuyến Đỗ Xuân Hợp và cống Nam Lý bị "thắt cổ chai". Cầu ngưng thi công đã lâu, nhưng đường sá chưa được lập lại khiến GT ùn ứ, kẹt xe thường xuyên, nhất là vào giờ cao điểm. Cầu xây kiểu "đánh trống bỏ dùi" đang trở thành cái gai trong mắt nhiều người".

Khởi công từ tháng 12-2017, dự kiến hoàn thành cuối năm 2019, nhưng đến nay đã trễ hẹn tới 2 năm, cầu Tăng Long trên đường Lã Xuân Oai bắc qua rạch Trau Trảu (TP.Thủ Đức) cũng phải chịu cảnh "trơ gan cùng tuế nguyệt"! Cầu dài 231m, tổng chiều dài toàn tuyến 790m, đáp ứng 4 làn xe, có lề bộ hành hai bên, tổng mức đầu tư 450 tỷ đồng, bên dưới có đường dân sinh, đáp ứng đầy đủ GT cả thủy lẫn bộ, nhưng cầu thi công được hơn 30% tổng khối lượng công trình thì ngưng khiến người dân vô cùng khổ sở.

Anh Nguyễn Xuân Tùng, công nhân trong Khu Công nghệ cao (TP.Thủ Đức) cho biết, từ ngày cầu Tăng Long mới động thổ, hàng ngày anh phải lưu thông qua cây cầu sắt dựng tạm để đi làm. Cầu nhỏ hẹp, trong khi phải gồng gánh hàng trăm chiếc xe ben, xe bồn, ôtô tải... khiến những tấm sắt lót bị bung, cong vênh. Vào giờ cao điểm, xe cộ ùn ứ thành cục, GT tắc nghẽn...

Hoàn thành tới 70% khối lượng công trình, nhưng cầu Tân Kỳ - Tân Quý phải chịu cảnh "đắp chiếu"

Theo kế hoạch, đến tháng 3-2019 cầu Long Đại bắc qua sông Tắc được nối nhịp kết nối đôi bờ của 2 phường Long Bình - Long Phước (TP.Thủ Đức). Với tổng chiều dài cầu và đường 765m, trong đó phần cầu bằng bê-tông cốt thép dài 493,3m, tổng mức đầu tư 353 tỉ đồng, cầu Long Đại hoàn thành giúp nối dài tuyến GT qua đường Vành đai 3 nối với cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, tạo thuận lợi cho luồng xe ra vào trung tâm TPHCM và phá thế độc đạo ở cù lao Long Phước, giúp địa phương phát triển. Giữ vai trò quan trọng là vậy nhưng công trình này đã dừng thi công từ cuối năm 2018 và bị "đắp chiếu" từ đó đến nay!

Người dân sống gần cầu phản ánh, từ trước đến nay họ thường qua lại bằng đò. Ngày bắt đầu xây cầu Long Đại, rất nhiều người đã nghỉ việc ở nhà chứng kiến lễ động thổ, nhưng đến nay đã lỗi hẹn thêm 2 năm mà cầu vẫn chưa xong khiến bao người mỏi mòn trông. Cầu xây dựng dang dở, không chỉ người dân đi lại khó khăn mà còn kìm hãm sự phát triển của địa phương. Nhiều nhà đầu tư đau đầu vì "cơn sốt" đất xung quanh nơi này tăng lên hàng ngày.

Người dân trông mong cầu sớm hoàn thành

Đã hoàn thành tới 70% khối lượng công trình, nhưng cầu Tân Kỳ - Tân Quý bắc qua kênh Tham Lương - Bến Cát (Q.Tân Bình) bỗng dưng "đứng hình". Cây cầu này được khởi công đầu năm 2018, dài 83m, rộng 16m, vốn đầu tư 312 tỷ đồng, sau đó nâng lên 668 tỷ đồng, dự kiến cuối năm 2018 hoàn thành, giúp giảm kẹt xe và thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực phía Tây thành phố. Nhưng hơn 3 năm nay, cây cầu gần như bỏ hoang. Công trình không còn máy móc thiết bị và công nhân xây dựng, rào chắn xung quanh rỉ sét, xiêu vẹo; bê-tông, trụ cầu phơi giữa nắng mưa ngả màu bạc phếch. Các cầu dẫn bộ hành trong tình trạng rêu mốc bám đầy, trong khi cầu chính "trùm mền", người dân buộc phải đi qua 2 cây cầu sắt ọp ẹp, nhỏ hẹp bắc tạm hai bên khiến GT thường xuyên tắc nghẽn.

Cách đó không xa, cầu Bà Hom mới nằm trên Tỉnh lộ 10 (P.Tân Tạo, Q.Bình Tân) cũng được xây nửa vời rồi "ngâm" giữa chừng khiến người dân bức xúc. Cầu mới có tổng chiều dài đường và cầu 425m, trong đó cầu dài 93m, rộng 18m, thiết kế 4 làn xe, khởi công tháng 9-2018, dự kiến thi công trong 210 ngày, để thay cầu cũ dựng từ trước năm 1975 đã xuống cấp. Cầu Bà Hom mới hoàn thành không chỉ giúp kết nối GT đi các tỉnh lân cận, mà còn giảm kẹt xe trên Tỉnh lộ 10, nhất vào giờ cao điểm. Hiện cầu này đã được quây tôn rào chắn xung quanh, đơn vị thi công đã rút hết máy móc, công nhân từ lâu. Hàng chục dầm bê-tông phơi giữa mưa nắng, sắt thép rỉ sét. Hai bên cầu Bà Hom mới là những chiếc cầu tạm bằng sắt nhỏ hẹp, ọp ẹp; khi trời mưa, mặt cầu tạm trơn trượt, rất dễ xảy ra tai nạn và kẹt xe.

Nằm trên tuyến huyết mạch Lê Văn Lương, cầu Long Kiểng bắc qua sông Phước Kiểng, nối hai xã Phước Kiểng - Nhơn Đức (huyện Nhà Bè) được khởi công từ tháng 8-2018. Cầu Long Kiểng hoàn thành, không chỉ giúp giải quyết dứt điểm "nút thắt cổ chai" của cầu cũ mà còn giúp GT từ TPHCM đi các tỉnh miền Tây thông suốt. Cầu dài 318m, rộng 15m, vốn đầu tư 557 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành đầu năm 2020, nhưng từ cuối năm 2019 cầu xây được 7 trụ thì ngưng và "trùm mền" từ đó đến nay! Cầu mới "đứng hình", hàng ngày bà con phải nơm nớp đi qua chiếc cầu cũ ọp ẹp như răng rụng. Mặt cầu hẹp, mỗi khi có xe lớn chạy qua lại rung lên bần bật, kẹt xe xảy ra triền miên, người dân rất khổ sở.

Theo nhiều chuyên gia đô thị, một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều chiếc cầu trăm tỉ đồng ở TPHCM "đắp chiếu" là do làm "ngược quy trình". Bởi theo luật định, khi xây dựng công trình công cộng, người ta phải bồi thường, giải phóng mặt bằng xong mới thi công, nhưng nhiều công trình "trùm mền" tại TPHCM hiện nay thì làm ngược lại: thi công trước, đền bù giải phóng mặt bằng sau. Khi không thỏa thuận đền bù được cho người dân, công trình lập tức bị ách tắc do không có mặt bằng, dẫn đến bị "ngâm" năm này qua tháng khác.

Người dân rất mong TP sớm nối lại việc thi công những chiếc cầu đang xây dang dở, góp phần giảm ùn tắc GT, thuận tiện cho việc đi lại.

Bình luận (0)

Lên đầu trang