Những con đường "hành dân" bền bỉ ở TPHCM

Thứ Hai, 15/11/2021 10:16  | Hải Văn

|

(CATP) Nhiều con đường ở TPHCM đang xuống cấp trầm trọng, nắng bụi, mưa lầy, mặt đường đầy "ổ gà”, "ổ trâu" hễ mưa là ngập khiến người dân bị "hành" ra bã mỗi khi có dịp đi qua.

Đường... nát

Là một trong những trục đường xuyên tâm quan trọng của quận 8, đường Tạ Quang Bửu đang bị xuống cấp, ngập nước nhiều chỗ. Xấu nhất là đoạn giao với đường Phạm Hùng (P4Q8) với chiều dài trên dưới 200m. Không chỉ hư hỏng nặng, đoạn đường này bị "thắt cổ chai" với bề ngang chỉ hẹp bằng nửa những đoạn khác.

Tại đây lại có một khu chợ "chồm hổm" nhóm họp nhộn nhịp ngày hai buổi khiến tình trạng kẹt xe xảy ra triền miên. Mỗi lần chợ nhóm họp, nước thải, rác rưởi của nhiều người bán hàng xả ra khiến đoạn đường càng thêm nhếch nhác.

Người đi đường khổ sở với những "ổ gà”, "ổ trâu" trên đường Lương Ngọc Quyến

Nhiều năm nay, dự án Chống ngập bến Phú Định (P16Q8) thi công kiểu "rùa bò” đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc lưu thông của người dân trên đường Phú Định. Qua khảo sát cho thấy tuyến đường này đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Mặt đường nát như tấm áo rách, sình lầy nhão nhoẹt, mỗi khi có xe lớn chạy qua, nước bẩn văng tung tóe ra hai bên khiến người đi đường bị một phen khổ sở.

Trên đường đầy "ổ trâu", "ổ voi", ao tù, hố sâu, có chỗ sâu cả gang tay. Để né những chiếc hố này, người đi xe máy phải leo lề rồi cặp sát vào nhà dân khiến vỉa hè hư hỏng nặng. Mép đường giáp với kênh Lò Gốm có đầy rác rưởi, xà bần, ống cống nằm ngổn ngang.

Rãnh thoát nước được đào bới nhộm nhoạm, miệng hố ga đang thi công lỡ dở gây cản trở giao thông và tạo thành những chiếc bẫy rất nguy hiểm. Nhiều chỗ trên đường bị rào chắn, bóp nghẹt lại chỉ bằng một lối mòn, nhiều xe cộ va quẹt nhau.

Đối diện phía bên kia kênh Lò Gốm, đường Mễ Cốc cũng đang xuống cấp, hư hỏng nặng, mặt đường bong tróc, nhiều "ổ gà”, "ổ trâu". Tuyến đường này có cốt nền khá thấp nên thường xuyên bị ngập nước, trở thành nỗi ám ảnh cho người dân.

Chị Nguyễn Thu Hiền (ngụ Q8) phản ánh: "Hễ mưa nặng hạt con đường biến "thành sông", người dân lội bì bõm. Nhiều hôm mưa lớn kết hợp với triều cường, có chỗ nước ngập cao tận đầu gối làm xe cộ bị chết máy. Mỗi khi có xe lớn chạy nhanh, nước văng tung tóe ra hai bên tạo những con sóng lớn khiến người đi xe máy bị ướt nhẹp".

Đường Tạ Quang Bửu xuống cấp gây ách tắc giao thông

Được khởi công vào tháng 4-2021, hệ thống thoát nước trên đường Trịnh Quang Nghị (giáp ranh giữa quận 8 và huyện Bình Chánh) - đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến đình An Tài dự kiến hoàn thành sau 360 ngày. Hiện đoạn đường trên đang bị hạ cốt nền và đào bới dang dở. Mặt đường đầy hố, "ổ gà”, "ổ trâu", đá dăm, bê tông, sình lầy, bụi bặm. Trên đường còn có nhiều khối bê-tông, ống cống nằm ngổn ngang, nhiều "lô cốt" nằm chình ình giữa đường gây cản trở giao thông.

Cần sớm nâng cấp, sửa chữa

Với chiều dài gần 2,5km, đường Lương Định Của đóng vai trò là "mạch máu giao thông" nối 3 khu vực quan trọng bậc nhất của TPHCM gồm: Nam Rạch Chiếc, Thủ Thiêm và trung tâm Q1. Tháng 4-2015, chủ đầu tư khởi công nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của từ 8m lên 30m cho 6 làn xe, mức đầu tư hơn 800 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành sau 2 năm. Tuy nhiên, trải qua sau hơn 6 năm cho đến nay tuyến đường này vẫn bị thi công kiểu nửa vời.

Hai bên đường có hàng chục khối bê-tông, ống cống, xà bần, rác rưởi nhếch nhác, cỏ mọc um tùm, dây điện thả lòng thòng, rối rắm. Tuyến đường được thi công kiểu "da beo", nhiều chỗ đã hoàn thiện, nhưng nhiều chỗ còn dang dở, gạch đá ngổn ngang, nắng bụi, mưa sình. Có đoạn bị "thắt cổ chai", gây kẹt xe thường xuyên.

Trên đường, xuất hiện nhiều "lô cốt" cản địa. Một số đoạn, đơn vị thi công dùng tôn cũ, lưới B40 để làm con lươn phân luồng một cách qua loa đại khái, nhiều khối bê-tông làm dãy phân cách cũ kỹ, xiêu vẹo, người đi đường không cẩn thận có thể va chạm với những khối bê tông này bất cứ lúc nào. Một số nắp hố ga bị sứt mẻ, trồi cao hơn mặt đường, tạo thành những chiếc "bẫy" nguy hiểm.

Bất kể nắng hay mưa, đường Trịnh Thị Dối luôn bị ngập

Xuống cấp nhất là đoạn từ số 66 Lương Định Của (phường An Khánh) đến đường Trần Não. Tại đoạn đường trên, cốt nền đường thấp trũng, hệ thống thoát nước chưa có hoặc có nhưng bị tắc nghẽn, trên đường xuất hiện nhiều cái "ao" to tướng, tình trạng ngập úng xảy ra thường xuyên. Chỉ cần một trận mưa nặng hạt là có thể ngập tới đầu gối, xe cộ chết máy. Mặt đường chi chít "ổ gà”, "ổ trâu", trên đường xuất hiện những vũng nước to tướng. Mỗi lần có xe lớn chạy qua, nước văng tung lóe ra hai bên khiến người đi xe máy, xe đạp bị một phen tắm nước bùn.

Được biết, lúc đầu dự án này được giao cho Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 (thuộc Sở GTVT TPHCM) làm chủ đầu tư. Từ tháng 5-2019, dự án được giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố (trực thuộc UBND TPHCM). Từ đó đến nay, dự án chưa có dấu hiệu khả quan khiến người dân rất khổ sở.

Mặt đường TL19 nát như tương

Với chiều dài gần 2,5km, đường Đường Lương Định Của đóng vai trò là "huyết mạch giao thông" nối 3 khu vực quan trọng bậc nhất của TPHCM gồm: Nam Rạch Chiếc, Thủ Thiêm và trung tâm Q1. Tháng 4-2015, chủ đầu tư khởi công nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của từ 8m lên 30m cho 6 làn xe, mức đầu tư hơn 800 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành sau 2 năm. Tuy nhiên, trải qua sau hơn 6 năm cho đến nay tuyến đường này vẫn bị thi công kiểu nửa vời.

Được biết, lúc đầu dự án này được giao cho Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 (thuộc Sở GTVT TPHCM) làm chủ đầu tư. Từ tháng 5-2019, dự án được giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố (trực thuộc UBND TPHCM). Từ đó đến nay, dự án chưa có dấu hiệu khả quan khiến người dân rất khổ sở.

Mặc dù đã được chỉnh trang nâng cấp, nhưng đường Lương Ngọc Quyến (P13, Q.Bình Thạnh) vẫn chưa được sửa chữa hết. Mặt đường từ giao lộ Lương Ngọc Quyến - Đặng Thùy Trâm cho đến đường Bình Lợi bị xuống cấp, bong tróc loang lổ. Mưa lớn là ngập nước, những chiếc hố này chẳng khác nào những chiếc bẫy khiến người đi xe máy té hoài.

Tại mép đường giáp với hành lang bảo vệ đường tàu có rất nhiều xà bần, rác rưởi và cọc bê-tông, hàng rào chắn đường sắt bị xuống cấp, xiêu vẹo. Có cọc lòi cả cốt thép ra ngoài lởm chởm hoặc tạo thành những chiếc móc rất nguy hiểm.

Mỗi khi lưu thông qua các tuyến đường Vườn Lài nối dài và TL27 (P.Thạnh Lộc, Q12), người dân lại bị một phen "tra tấn" bởi mặt đường quá xấu, nhiều chỗ nát như tương, Mặt đường có hàng chục "ổ trâu", "ổ voi", trở thành "điểm đen" về giao thông. Trên đường xuất hiện nhiều "vũng trâu nằm", rộng hàng chục mét, sâu hoắm, nắng bụi, mưa sình lầy.

Hàng ngày, 2 tuyến đường này có nhiều xe ben, xe tải chở đất đá lưu thông qua lại càng làm cho con đường xuống cấp trầm trọng. Mỗi lần những "hung thần" này chạy qua cuốn theo bụi bẩn phả vào người đi đường và nhà dân; trời mưa thì sình, bùn bắn tứ tung, người đi xe máy phải tấp sát lề đường để né tránh. Giao nhau với đường TL27 là đường TL19 cũng đang hư hỏng, xuống cấp nặng khiến việc đi lại của người dân rất khổ sở. Mặt đường chi chít ổ gà”, "ổ trâu", có đoạn tạo thành hố sâu choán hết lối đi, nắng bụi, mưa sình.

Những "ao nước" "hành dân" trên đường Vườn Lài nối dài và đường Phạm Thị Dây

Bất kể trời nắng hay mưa, một đoạn dài gần 200m kéo từ quán ẩm thực Phong Vân đến bãi xe của Công ty Vạn Thiên Phát trên đường Trịnh Thị Dối (huyện Hóc Môn) đều bị ngập nước. Thời gian trước, con đường này có hàng chục "ổ trâu", "ổ voi", có chỗ sâu cả gang tay nằm chình ình giữa đường như những chiếc bẫy nguy hiểm. Thời gian gần đây, người ta đã lấp những "ổ gà”, "ổ trâu" này, nhưng tình trạng ngập nước ở đoạn đường trên diễn ra quanh năm. Mặt đường có một lớp rong rêu phủ lên trên rất trơn trượt, lơ mơ là té như chơi.

Tương tự, đường Phạm Thị Giây (xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn) cũng bị ngập nước thường xuyên. Nhiều chỗ nước ứ động thành "ao" chảy tràn vào nhà dân, Mặt đường bị bong tróc, lở lói nham nhở, nhiều "ổ trâu", "ổ voi", bùn đất lầy lội. Đoạn ngập nhất là từ trước mặt Công ty cổ phần Sơn Hà cho đến kho đồ gỗ Hóc Môn. Mỗi lần lưu thông qua đoạn đường này, xe cộ dằn lên, dập xuống rất vất vả.

Người dân mong muốn Thành phố sớm xóa bỏ những con đường "hành dân" này để bà con bớt khổ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang