7 năm mở rộng chưa xong 2,5km
Đi hết "con đường nhà giàu" Trần Não (P.An Khánh, TP.Thủ Đức) tới góc giao lộ với Lương Định Của là tới "khúc đường đau khổ". Đường Lương Định Của là tuyến đường quan trọng tại quận 2 (cũ) và của cả TPHCM, bởi con đường này sau khi được mở rộng sẽ kết nối giữa đại lộ Đông - Tây và cầu Thủ Thiêm để vào trung tâm thành phố. Còn đường Trần Não kết nối từ đại lộ Đông - Tây để ra cầu Sài Gòn và xa lộ Hà Nội.
Dự án nâng cấp, cải tạo đường Lương Định Của có tổng mức đầu tư 826 tỷ đồng, được khởi công xây dựng từ tháng 4-2015, hoàn thành được 60% thì tạm ngưng và mới được tái khởi động vào trung tuần tháng 5-2022. Dự án có chiều dài 2,5km, từ ngã tư Trần Não - Mai Chí Thọ đến đường Nguyễn Thị Định, mở rộng từ 8m hiện hữu lên 30m với 6 làn xe, bị ngừng lại do vướng mặt bằng.
Vào trung tuần tháng 5 vừa qua, chủ đầu tư đoạn từ nút giao Trần Não đến đường Nguyễn Hoàng (khoảng 2km) hứa hẹn hoàn thành thi công trước ngày 31-12-2022. Nay chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là đến hẹn, nhưng công trình khó lòng hoàn thành.
Riêng đoạn từ Nguyễn Hoàng đến nút giao An Phú (khoảng 500m) sẽ được thực hiện đồng bộ với việc thi công nút giao An Phú trong thời gian tới. Tuy chưa thể hoàn thành trong năm nay, nhưng đoạn này sẽ được sửa chữa, hoàn thiện mặt đường để bảo đảm an toàn giao thông. Lời hứa hẹn của chủ đầu tư, đơn vị thi công là vậy. Nhưng thực tế thì ngược lại. Mặt đường chi chít ổ voi, ổ gà, nước đọng gây nguy hiểm cho người đi đường. Làn đường hướng ra cao tốc liên tục kẹt xe kéo dài khiến người qua đây ai nấy đều ngán ngẩm.
Đường Lương Định Của
Theo ghi nhận, chủ đầu tư đã lắp rào chắn phân ra hai làn đường để thi công, một bên đã được nâng cấp và trải nhựa, bên còn lại thì chi chít những ao tù, nước đọng. Ban đầu, dự án được giao cho Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 (thuộc Sở GTVT TPHCM) làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, từ tháng 5-2019, dự án được chuyển giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố (trực thuộc UBND TPHCM). Kể từ đó đến nay, dự án vẫn chưa có dấu hiệu gì khả quan hơn.
Trong thời gian chờ bàn giao mặt bằng để thi công, chủ đầu tư sẽ thực hiện công tác dặm vá mặt đường. Do đoạn đường hẹp, để tránh ùn tắc giao thông, Sở GTVT yêu cầu chủ đầu tư phải bố trí đầy đủ các biển báo, cử người điều tiết giao thông và chỉ được nới rộng hàng rào khi không xảy ra ùn tắc. Ngoài ra, Sở GTVT yêu cầu chủ đầu tư sửa chữa mặt đường hoặc thi công một phần cấp phối đá dăm, nhằm bảo đảm giao thông, do đường hiện hữu phía trái đang xuống cấp nghiêm trọng.
Chị Trần Thị Mai Trinh (45 tuổi, người dân địa phương) bức xức: "Chỉ có một đoạn đường ngắn mà nhiều năm qua, nắng thì bụi bay đến nghẹt thở, còn mùa mưa thì té ngã, tai nạn liên tục. Tội nhất là những đứa trẻ đi học, áo trắng vướng bụi mịt mù”.
Dự án chậm tiến độ trên đường Lương Định Của
Nhiều tuyến đường cùng chung số phận
Bên cạnh trung tâm Khu đô thị mới Thủ Thiêm, đường Tố Hữu cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Người dân đi từ đường Lương Định Của khi rẽ sang đường Tố Hữu phải đi thật chậm để không bị té ngã. Một số người dân trong khu vực cho biết, do đường Lương Định Của đang thi công nên khi các xe di chuyển sang đường Tố Hữu đã kéo theo bùn đất, đá dăm... mỗi khi mưa xuống là cả đoạn đường này trở thành cái bẫy khiến hàng loạt xe trơn trợt, ngã nhào.
Nằm cạnh đường Lương Định Của, đường Nguyễn Hoàng (P.An Phú) cũng có "số phận" hẩm hiu. Dài chừng 1,5km, nhưng đây là con đường huyết mạch khi "chia lửa" với đường Song Hành, đại lộ Mai Chí Thọ, Trần Não... vào các chung cư, khu đô thị gần đó. Phía siêu thị Metro (đường Song Hành), con đường này còn có bảng tên, nhưng ở phía ngược lại giao cắt với đường Lương Định Của thì hoàn toàn không có bảng tên. Mặt đường rộng chừng 4m nhưng lưu lượng xe qua đây rất lớn. Do không được quan tâm, chăm sóc nên con đường tan nát, lồi lõm, chi chít ổ voi, ổ gà, có đoạn cây cỏ mọc um tùm cả hai bên. Nhiều vụ tai nạn giao thông, té ngã đã xảy ra mà chẳng thấy cơ quan chức năng đoái hoài.
Đường số 11 (khu Miếu Nổi), Q.Phú Nhuận
Cách đường Nguyễn Hoàng không xa là đường Nguyễn Văn Hưởng (P.Thảo Điền), liên tục ngập úng sau những cơn mưa. Vì đường trũng từ lâu, nhà cao tầng mọc san sát xung quanh sông Sài Gòn, không có đường rút nên "con đường nhà giàu" này liên tục úng, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân xung quanh.
Từ đường Song Hành Xa lộ Hà Nội rẽ vào đường Võ Văn Ngân, đến cổng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (thuộc P.Linh Chiểu), đoạn đường ngắn này bị xuống cấp nghiêm trọng, có nhiều hố trải dài, đất đá trồi lên thành đống, trở thành mối nguy hiểm chực chờ người đi đường.
Cũng thuộc địa bàn TP.Thủ Đức, người dân sống cạnh đường Đỗ Xuân Hợp, đoạn gần cầu Nam Lý (P.Phước Long B) nhiều năm qua phải "than trời" khi đường thì nhỏ mà mức độ giao thông quá lớn, mặt đường xuống cấp nghiêm trọng. Thời gian qua, dự án Global City mọc lên, chủ đầu tư cho vây tôn xung quanh đường và nâng cao nền bên trong đã khiến dòng chảy bị thu hẹp, gây kẹt xe, ngập úng.
Cỏ dại trên đường Nguyễn Hoàng
Tại Q.Phú Nhuận, đường số 11 (khu Miếu Nổi), giáp ranh với đường Vũ Huy Tấn và đường Trường Sa (P3, Q.Bình Thạnh) suốt nhiều năm qua cũng "oằn mình" gánh lượng xe cộ lưu thông rất lớn khiến mặt đường tan nát. Khi người dân phản ứng thì đơn vị liên quan vá víu thủ công, tạm bợ, sau đó thì... tiếp tục nát như tương. Cứ "ông" cấp nước đào lên hôm trước, thì thời gian sau lại có "ông" truyền hình cáp đào tiếp để lắp đặt hệ thống ngầm. Kết quả là mặt đường chẳng khác nào tấm áo vá chằng, vá đụp, nước chảy lênh láng sau một cơn mưa rào. Tai nạn giao thông do đó mà chực chờ như một ẩn họa.
Thường xuyên tập thể dục qua đây, anh Nguyễn Thành Dũng (50 tuổi, ngụ tại địa phương) tặc lưỡi: "Con đường này có lượng giao thông rất lớn, song do không quan tâm đúng mức nên nó hư hỏng liên tục. Xe máy qua đây phải tránh ổ gà, ổ voi nên ngã sóng xoài, va quẹt liên tục!".
Không chỉ có các con đường mà nhiều đoạn đường, tuyến đường trên địa bàn thành phố đã và đang hư hỏng nặng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nhân dân. Đề nghị cơ quan chức năng sớm lưu tâm, xử lý.