Thi công... nửa vời
Nằm giữa 2 dự án đình đám gồm: dự án 87 héc-ta của Công ty cổ phần đầu tư Thủ Thiêm và dự án 131 héc-ta của Công ty TNHHMTV và Kinh doanh nhà thành phố, đường Nguyễn Hoàng (P.An Phú, TP.Thủ Đức) dài 1,2km có vị trí rất quan trọng trong việc liên kết giao thông từ Xa lộ Hà Nội, cầu vượt Cát Lái đến đường Lương Định Của, Đại lộ Mai Chí Thọ, cầu Thủ Thiêm... và ngược lại.
Ngoài việc kết nối giao thông khu vực, tuyến đường này còn là tuyến huyết mạch của các bệnh viện, trường học, siêu thị, công viên, khu dân cư sầm uất như: Bệnh viện quốc tế Mỹ, siêu thị Big C An Phú, siêu thị Metro An Phú, công viên Thanh Niên, khu đô thị An Phú, Trung tâm thương mại căn hộ Cantavil An Phú... và giảm kẹt xe trong khu vực. Có vai trò quan trọng là vậy, nhưng nhiều năm nay đường Nguyễn Hoàng chưa được hoàn thiện.
Hiện tuyến đường này mới được nâng cấp một nửa tại phần đường thuộc dự án 131 héc ta, phần còn lại thuộc dự án 87 héc-ta vẫn còn dang dở. Phần đường chưa nâng cấp có nhiều "ổ gà”, "ổ trâu", gờ, mép lồi lõm, nhiều chỗ chưa được giải phóng mặt bằng, cỏ mọc um tùm lan ra giữa tim đường.
Mặt đường một số đoạn mới được rải đá qua loa, nhiều đoạn vẫn còn là đường đất, nắng bụi, mưa sình, người dân chủ yếu lưu thông trên phần đã nâng cấp, phần chưa nâng cấp gần như bị "thất nghiệp". Được biết, nguyên nhân khiến phần đường thuộc dự án 87 héc-ta chưa được sửa chữa do chủ đầu tư đạt được thỏa thuận đền bù, tái định cư cho người dân.
Đường Trần Bạch Đằng chưa được khép kín
Là một trong những tuyến huyết mạch của TP.Thủ Đức, đường Lương Định Của đóng vai trò "mạch máu" kết nối giao thông từ Đại lộ Mai Chí Thọ với trung tâm thành phố và ngược lại. Tuyến đường dài gần 2,5km, được khởi công vào tháng 4-2015, được nâng cấp, mở rộng từ 8m lên 30m cho 6 làn xe, mức đầu tư hơn 800 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành sau 2 năm. Tuy nhiên, trải qua sau hơn 6 năm xây dựng, đến nay đường Lương Định Của mới hoàn thành 60%, số còn lại vẫn ì ạch, dang dở.
Hai bên đường có hàng chục khối bê-tông, ống cống, xà bần, rác rưởi nhếch nhác, gạch đá ngổn ngang. Trên đường có một số "lô cốt" cản địa, có đoạn "thắt cổ chai" gây kẹt xe thường xuyên. Nhiều đoạn, đơn vị thi công dùng tôn cũ, lưới B40 để làm con lươn phân luồng một cách qua loa đại khái, nhiều khối bê-tông làm dãy phân cách cũ kỹ, sứt bể, xiêu vẹo, có thể gây họa cho người đi đường bất cứ lúc nào. Một số nắp hố ga bị sứt mẻ, trồi cao hơn mặt đường, tạo thành những chiếc "bẫy" nguy hiểm.
Bầy hầy nhất là đoạn từ số 66 Lương Định Của, phường An Khánh đến đường Trần Não. Tại đây, cốt nền đường thấp trũng, trên đường xuất hiện nhiều cái "ao" to tướng, nước động đục ngầu, người đi xe máy qua đây phải cố gắng chạy thật chậm mới lách qua được hố trũng. Chỉ cần một trận mưa nặng hạt là có thể ngập tới đầu gối, xe cộ chết máy.
Gần 20 năm nay, dự án nâng cấp, mở rộng đường Tạ Quang Bửu - đoạn đi qua phường 4, quận 8 vẫn nằm trên giấy
Tại ngã tư Lương Định Của - Trần Não, đơn vị thi công đổ đất nâng nền khiến một nửa con đường cao như một con dốc, nửa còn lại chưa nâng cấp thì thấp chủm, ngập nước thường xuyên. Đơn vị thi công đã rút hết máy móc, công nhân từ lâu, hiện trường còn lại là hàng chục khối bê-tông cốt thép, ống cống nằm ngổn ngang phơi mình giữa nắng mưa và hàng trăm mét đường ống nhựa bị chôn vùi trong những đám cỏ dại. Đoạn từ ngã tư Lương Định Của - Trần Não đến chân cầu Thủ Thiêm thì nhỏ hẹp, xuống cấp, mặt đường ngập thường xuyên, hai bên đường có gần chục vựa thu mua ve chai, phế liệu hoạt động, xà bần, rác rưởi đổ từng đống, gây ô nhiễm môi trường.
Anh Trần Xuân Tùng (ngụ TP.Thủ Đức) ngao ngán: "Mỗi lần lưu thông trên đường Lương Định Của, người đi đường phải căng mắt ra quan sát. Mặt đường gồ ghề, lơ mơ lạc tay lái là té ngã dập mặt. Cuối năm ngoái, có nngười đàn ông nọ cố đi qua đoạn đường bị ngập vấp phải "ổ gà”, té xuống ống cống thoát nước. Mỗi lần có xe lớn chạy qua, nước văng tung lóe ra hai bên khiến người đi xe máy, xe đạp bị một phen tắm nước bùn khổ sở".
Hàng chục khối bê-tông, ống cống, ống thoát nước ngổn ngang trên đường Lương Định Của
Là một trong những tuyến vòng cung quan trọng nhất ở khu đô thị Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức), nhưng đường Trần Bạch Đằng vẫn thi công dang dở. Tại đoạn từ cầu Thủ Thiêm về gần đến "cửa ngõ” khu biệt thự Lan Anh được thi công rộng rãi, thông thoáng. Tuy nhiên, ở đoạn đường này có nhiều hố ga đã mất nắp tạo thành những "hố tử thần" rất nguy hiểm. Nhiều bồn cây không được chăm sóc khiến cỏ dại mọc um tùm, cây xanh đô thị chết queo. Đoạn trước "cửa ngõ” khu biệt thự Lan Anh còn vướng nhiều hộ dân chưa được di dời.
Để kết nối với đoạn bên kia, người ta mở một lối nhỏ tạo thành "đường cong mềm mại". Đoạn đường cong này cũng không được hoàn thiện, nhiều chỗ vẫn là đường đất, nắng bụi mưa sình. Đoạn từ những hộ dân chưa được di dời hướng đường Trần Não bị thị công ngắt quãng. Trên đường, có một cây cầu đồ sộ mới được thi công vài nhịp, số còn lại chưa biết ngày nào hoàn thành. Đoạn đường liên kết với cây cầu này đã được san ủi, mở lối, nhưng chưa rõ ngày thi công, giao thông bị "đứng hình".
Đường huyết mạch bị... đứt mạch
Được quy hoạch từ năm 2007 với tổng vốn đầu tư toàn tuyến 12.540 tỉ đồng, đường Vành đai 2 có vai trò rất quan trọng trong việc điều phối giao thông và hạn chế xe cộ vào nội thành. Tuyến đường này dài hơn 64km, quy mô 6-10 làn xe, bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh (H.Bình Chánh) qua cầu Phú Mỹ (quận 7), ngã tư Bình Thái và nút giao thông Gò Dưa (TP.Thủ Đức), điểm cuối ra Quốc lộ 1A và chạy vòng về Nguyễn Văn Linh tạo thành một vòng quanh thành phố. Khi được khép kín, đường Vành đai 2 tạo thành trục liên kết các tuyến giao thông quan trọng khác như: Xa lộ Hà Nội, Phạm Văn Đồng, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 13... Đến nay, tuyến đường huyết mạch này đã hoàn thành 50km, 14km còn lại gồm: đoạn từ Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội, dài 3,5km; từ Xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng, dài 2,8km; từ Quốc lộ 1A đến đường Nguyễn Văn Linh dài 5,3km và đoạn từ Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa dài 2,8km bị... đứt mạch.
Khảo sát tại đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa cho thấy, hiện dự án này "án binh bất động". Chủ đầu tư đã rút công nhân, nhiều thiết bị máy móc bị "trùm mền". Hàng trăm chiếc cọc bê-tông cốt thép, ống cống, dầm cốt bê tông nằm ngổn ngang trần mình giữa nắng mưa. Nhiều chiếc cầu trơ cả khung sắt, mố cầu xây dựng nửa vời khiến bê-tông thoái hóa, sắt thép rỉ sét, cỏ mọc um tùm và trở thành nơi "nuôi" muỗi và côn trùng. Được biết, dự án này do Công ty cổ phần Văn Phú Bắc Ái làm chủ đầu tư theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng (hợp đồng BT), tổng mức đầu tư hơn 2.765 tỷ đồng, gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng. Dự án thi công được 44% khối lượng thì phải dừng do vướng bàn giao mặt bằng và chậm thanh toán cho nhà đầu tư. Theo chủ đầu tư, dự án dừng thi công trong 2 năm đã phát sinh hơn 230 tỉ đồng tiền lãi.
Mới đây, trong đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đến năm 2030, TPHCM đã đưa dự án đường vành đai 2, 3, 4 đứng "đầu bảng" các dự án cần ưu tiên triển khai trong thời gian tới. Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, nếu dự án không sớm được khởi động lại, không chỉ lãng phí tiền của Nhà nước, phát sinh lãi suất mà đường Vành Đai 2 có nguy cơ biến thành đường "Vành đai khuyết".
Nút giao thông từ Phạm Văn Đồng đến Gò Dưa thuộc đường Vành đai 2 "đắp chiếu"
Nhằm giảm tải áp lực giao thông cho tuyến đường Phạm Thế Hiển, phục vụ cho nhu cầu đi lại của người dân, năm 2002, UBND quận 8 chủ trương đầu tư xây dựng đường Tạ Quang Bửu trở thành trục giao thông xương sống. Tuy nhiên, sau gần 20 năm, nhiều hạng mục của tuyến đường này vẫn chưa được hoàn tất, nhất là đoạn từ ngã tư Tạ Quang Bửu - Phạm Hùng đến đường 751, dài hơn 200m đi qua phường 4 vẫn nằm yên trên giấy khiến người dân bức xúc.
Do không được nâng cấp, mở rộng, đoạn đường trên không chỉ bị xuống cấp, hư hỏng nặng mà còn bị "thắt cổ chai" với bề ngang chỉ hẹp bằng một nửa những đoạn khác. Khu vực này lại có một khu chợ "chồm hổm" nhóm họp nhộn nhịp ngày hai buổi khiến tình trạng kẹt xe xảy ra triền miên. Mỗi lần chợ nhóm họp, nước thải, rác rưởi của nhiều người bán hàng xả ra khiến đoạn đường càng thêm nhếch nhác, ô nhiễm. Anh Nguyễn Đình Trọng (nhà trên đường Tạ Quang Bửu) bức xúc: "Đường sá thì ao tù, nước đọng. Mặt đường bị bong tróc, lồi lõm nham nhở. Mỗi lần lưu thông qua đoạn đường này, xe cộ bị nhồi lên dập xuống như cực hình. Vào giờ cao điểm, tôi phải luồn lách vào các con hẻm mới tránh được cảnh kẹt xe. Đoạn đường này xuống cấp đã nhiều năm nhưng không hiểu vì sao lại không được nâng cấp sửa chữa?".
Mới đây, làm việc với Quận ủy quận 8, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM yêu cầu quận 8 cần chủ động nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách tìm lối ra, thúc đẩy tiến độ các dự án trên địa bàn quận thay vì chờ tiền, chờ nhà đầu tư, trong đó có việc hoàn thiện đường Tạ Quang Bửu, sớm tháo gỡ ách tắc giao thông cho tuyến đường này.