TPHCM: Đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm

Thứ Bảy, 18/12/2021 20:31

|

(CATP) Nhiều công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố vừa đẩy nhanh tiến độ thi công, vừa bảo đảm phòng, chống dịch trong giai đoạn "bình thường mới" để kịp hoàn thành đúng kế hoạch, giải quyết nhu cầu hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông tại nhiều khu vực dân cư trọng điểm.

Để bảo đảm tiến độ công trình hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7), đơn vị thi công đang tập trung thi công tại hạng mục hầm hở H10 (thuộc gói thầu HC2) hướng từ khu chế xuất Tân Thuận, quận 7 về huyện Bình Chánh. Kết quả, đã thi công được 14 trong số 18 đốt hầm hở. Ngoài ra, công trình đang trong giai đoạn thi công các hạng mục đốt hầm kín K0T, trạm bơm của hầm chui HC2 và công tác chuẩn bị tổ chức thi công hầm chui HC1...

Còn tại công trường mở rộng, nâng cấp đường Đặng Thúc Vịnh (Tỉnh lộ 9, huyện Hóc Môn), công nhân vẫn đang tất bật làm việc, tập trung thi công lắp đặt hệ thống thoát nước, bó vỉa ở các đoạn vỉa hè đã thi công xong. Tương tự, một số dự án trọng điểm như công trình xây dựng cầu Bưng (nối quận Bình Tân và quận Tân Phú), cầu Hang Ngoài (quận Gò Vấp), cầu Mỹ Thủy 3, cầu Thủ Thiêm 2 (TP.Thủ Đức)... đang được các đơn vị và nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu sớm hoàn thành công trình nhằm đáp ứng nhu cầu về hạ tầng giao thông đi lại mà thành phố đặt ra.

Được biết, đến nay có 45 công trình thuộc 22 dự án giao thông trọng điểm chính thức thi công trở lại với khoảng 850 công nhân, giám sát, kỹ sư tham gia, đạt từ 60 - 80% yêu cầu lao động. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM cũng dự kiến một số khó khăn, vướng mắc cần tập trung giải quyết để ổn định và đẩy nhanh tiến độ thi công tại các công trường như di chuyển của lực lượng lao động, vận chuyển vật tư, nguyên liệu, bê-tông, cấu kiện đúc sẵn... từ các tỉnh về TPHCM, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các công trường...

Công nhân tại công trường nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7)

Để thúc đẩy các công trình trọng điểm về đích đúng tiến độ, đơn vị đặt mục tiêu hoàn thành 11 gói thầu trước ngày 31-12, như dự án nâng cấp, cải tạo đường và kênh Nước Đen (đoạn từ giáp cống hộp hiện hữu đến kênh Tham Lương), quận Bình Tân; dự án xây dựng cầu vượt trước Bến xe Miền Đông mới trên đường Xa lộ Hà Nội (Gói thầu cầu vượt số 3, dự án mở rộng, nâng cấp đường Trần Văn Mười (Quốc lộ 22 - Phan Văn Hớn) - gói thầu xây lắp 2, 3, 4. Đồng thời, có 2 gói thầu, dự án sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2022 là dự án xây dựng mới cầu Bưng - nhánh 1; sửa chữa và nâng cấp đường Đặng Thúc Vịnh, huyện Hóc Môn.

Tuyến đường Lê Văn Lương, từ đại lộ Nguyễn Văn Linh (quận 7) đến giáp ranh huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An) có 4 cây cầu sắt gồm Rạch Đĩa, cầu Long Kiểng, Rạch Tôm và cầu Rạch Dơi. Đây là 4 cây cầu có tuổi thọ lâu đời và tình trạng xuống cấp đáng báo động, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Trước tình trạng trên, TPHCM có chủ trương xây mới 4 cây cầu nhưng hiện nay dự án chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân. Cụ thể 2 dự án xây mới cầu Rạch Đĩa và Long Kiểng đang thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Dự án xây cầu Rạch Đĩa (nối quận 7 với huyện Nhà Bè) mới có phần cầu chính dài 329m, rộng 10,5m, đường dẫn hai đầu cầu dài 196m, cầu đạt tải trọng 30 tấn. Kinh phí đầu tư dự kiến khoảng 700 tỷ đồng. Huyện Nhà Bè đang tiến hành các bước thẩm định và khảo sát lại đơn giá để trình duyệt.

Còn dự án cầu Long Kiểng (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) được UBND TPHCM phê duyệt từ năm 2001 tổng mức đầu tư 557 tỷ đồng. Gần 20 năm từ ngày phê duyệt dự án, đến nay nhà thầu đã hoàn thành kết cấu từ trụ T1 đến T8. Tuy nhiên, do chưa đủ mặt bằng nên từ tháng 12-2019, nhà thầu tạm ngưng thi công, chủ đầu tư cam kết sẽ hoàn thành 18 tháng nếu có đủ mặt bằng.

Hai dự án còn lại là cầu Rạch Dơi và cầu Rạch Tôm cũng đang được các sở ngành xem xét về hướng tuyến và chủ trương đầu tư. Cầu Rạch Dơi (nối xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, TPHCM với xã Long Hậu, huyện Long Hòa, tỉnh Long An) dài 418m, rộng 15m, có khoang thông thuyền rộng 50m, cao 6m nhằm bảo đảm cho các loại tàu thuyền lớn lưu thông.

Nói về cầu Long Kiểng chờ đợi 20 năm nay, UBND huyện Nhà Bè cho biết, chậm trễ là do vướng mặt bằng ở khâu tái định cư, huyện đang chủ động thực hiện chỉ đạo của TP để sớm ban hành quyết định thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư từng hộ dân. Để sớm đưa dự án về đích, UBND huyện Nhà Bè mong được sự phối hợp, đồng thuận của các hộ dân để phấn đấu bàn giao mặt bằng trong tháng 12-2021 cho chủ đầu tư.

Bình luận (0)

Lên đầu trang