Dự án xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư gần 6.694 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc là 200 triệu USD (khoảng 4.167 tỷ đồng) cùng với vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Điểm đầu của dự án thuộc quận Thốt Nốt TP Cần Thơ và kết thúc tại huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang với tổng chiều dài 53,34km. Dự án được xây dựng với quy mô tương đương đường cấp III đồng bằng, rộng 11m gồm 2 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h.
Cầu Hoà Trung đưa vào sử dụng giúp huyện Đầm Dơi không còn cảnh chờ phà
Trong giai đoạn hoàn chỉnh sẽ đầu tư mở rộng 33m với quy mô đường cao tốc 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h. Dự án do do Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư, tổng thầu là các công ty của Hàn Quốc (công ty Liên danh LOTTE - HALLA - HANSHIN và công ty Liên danh KUMHO - HYUNDAI của Hàn Quốc). Dự kiến thời gian thi công và hoàn thành dự án là 30 tháng.
Cùng ngày, tại xã Vĩnh Trạch Đông, TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, TNHH Xây dựng – Thương mại – Du lịch Công Lý (gọi tắt là Công ty Công Lý) tổ chức lễ khánh thành Nhà máy Điện gió Bạc Liêu có công suất là 99,2 MW, sản xuất khoảng 320 triệu KWh/năm.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vui mừng vì tuyến đường Hồ Chí Minh thông xe đến mũi Cà Mau
Tổng mức đầu tư của dự án trên 5.200 tỷ đồng, trên diện đất 1.300ha. Tính từ trụ turbine gió đầu tiên được hòa vào lưới điện quốc gia tháng 5-2013, đến thời điểm khánh thành dự án đã hòa vào lưới điện quốc gia 130 triệu KWh điện, doanh thu từ bán điện 150 tỷ đồng, đóng góp ngân sách 15 tỷ đồng.
Ông Tô Hoài Dân, Tổng giám đốc Công ty Công Lý cho biết, sau thành công của dự án với việc hòa điện thành công 62 turbine gió, công ty đang chuẩn bị đầu tư giai đoạn tiếp theo với 71 trụ turbine gió loại 2MW với tổng công suất 142MW, tổng mức đầu tư dự kiến 8.850 tỷ đồng, thời gian thực hiện 36 tháng, dự kiến cuối năm 2018 sẽ hoàn thành đưa vào vận hành.
Các vị đại biểu thực hiện nghi thức thông xe đường Hồ Chí Minh đến mũi Cà Mau và cầu Hoà Trung
Dự án tiếp theo này nằm tiếp giáp với Nhà máy điện gió Bạc Liêu hiện hữu. Trong thời gian tới, Công ty Công Lý sẽ đầu tư nhà máy năng lượng mặt trời dưới chân dự án điện gió hiện hữu theo chủ trương năng lượng sạch của Chính phủ. Trước thành tích đạt được của công ty, ông Tô Hoài Dân được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng nhì.
Trước đó ngày 16-1, Bộ GTVT tiến hành khánh thành cầu Hoà Trung và đường Hồ Chí Minh, đoạn từ Năm Căn đến Đất Mũi. Tháng 4-2015, Bộ GTVT khởi công cầu Hoà Trung với tổng chiều dài hơn 1,2 km; trong đó, phần cầu chính và đường dẫn đầu cầu dài khoảng 626m, chiều dài đường nối khoảng 660m.
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 383 tỷ đồng. Đến nay, cầu Hoà Trung được hoàn thành trong niềm vui của người dân. Từ tháng 5-2009, Bộ GTVT khởi công đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn-Đất Mũi có tổng chiều dài hơn 58,7 km đi qua 2 huyện Năm Căn và Ngọc Hiển với mức đầu tư gần 4.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ nên trong thời điểm cắt giảm đầu tư công, dự án bị trì hoãn. Trong niềm vui của người dân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng không giấu xúc động: “Hai dự án đường hoàn thành có ý nghĩa lịch sử hết sức to lớn, tạo thành trục giao thông huyết mạch xuyên suốt tỉnh Cà Mau và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Người dân đi lại không phải qua đò xoá thế biệt lập huyện Đầm Dơi và mũi Cà Mau tạo tiền đề phát triển kinh tế, xã hội ở vùng cuối cùng cực Nam tổ quốc. Tuyến đường Hồ Chí Minh từ Năm Căn về Đất Mũi không chỉ chính thức nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh từ Pắc Bó (Cao Bằng) đến Mũi Cà Mau mà còn nối liền một dải Quốc lộ 1, thông suốt đến vùng đất thiêng liêng tận cùng đất nước”.
Thủ tướng cũng đến dự Lễ động thổ Dự án Nhà máy điện gió khu du lịch Khai Long (thuộc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển) do Công ty Công Lý làm chủ đầu tư.
Các vị đại biểu thực hiện nghi thức lễ động thổ Nhà máy điện gió Khai Long
Ông Tô Hoài Dân, Tổng giám đốc Công ty Công Lý cho biết, dự án đầu tư xây dựng Nhà máy điện gió Khu du lịch Khai Long - Cà Mau giai đoạn I, có quy mô đầu tư với tổng diện tích đất và mặt biển là 2.165ha, công suất thiết kế 100MW, được lắp đặt 50 Tua bin gió, mỗi Tua bin có công suất 2 MW, các turbine gió sử dụng công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới do các tập đoàn Hoa Kỳ cung cấp.
Ông Tô Hoài Dân, Tổng giám đốc Công ty Công Lý vừa được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì
Hạng mục Hạ tầng cơ sở chính của dự án gồm: Móng trụ turbine trên biển, hệ thống trạm và đường tải điện, Hệ thống mương cáp điện, Nhà văn phòng, nhà điều hành, Nhà phân phối và điều khiển, Hệ thống thông tin liên lạc, Hệ thống điều khiển và hệ thống bảo vệ, Hệ thống xử lý nước thải cho toàn dự án,...
Phát thảo công trình cột cờ Hà Nội tại Đất Mũi
Tổng vốn đầu tư dự án giai đoạn I là 6.583 tỷ đồng. Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao hiệu quả của dự án đã làm thay đổi diện mạo của tỉnh Cà Mau nói chung và huyện Ngọc Hiển nói riêng, thu hút được du khách bốn phương về Khai Long du lịch, vui chơi và nghỉ dưỡng quanh năm.
Đoàn công tác Thủ tướng thực hiện nghi thức lễ động thổ xây dựng công trình cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau
Qua đó, dự án tạo ra công ăn việc làm cho hàng ngàn người lao động ở địa phương, góp phần tích cực vào sự ổn định an sinh xã hội và phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Đoàn công tác của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng tham gia lễ động thổ công trình xây dựng Biểu tượng Cột cờ Hà Nội tại Đất Mũi nằm trong quần thể các công trình Dự án Khu công viên văn hóa-du lịch Mũi Cà Mau, diện tích 160 ha, tại ấp Mũi, xã Đất Mũi.
Các vị đại biểu đến nơi xây dựng biểu tượng Cột cờ Hà Nội
Công trình mô phỏng kiến trúc Cột cờ Hà Nội cổ xưa, xây dựng kiên cố, bền vững, kỹ thuật cao, chất liệu chống chọi thời tiết của Mũi Cà Mau. Dự án Biểu tượng Cột cờ Hà Nội có khái toán ban đầu 140 tỷ đồng, từ nguồn vốn của thành phố Hà Nội và các nguồn huy động.