(CATP) Được quy hoạch cách đây 16 năm, nhưng đường Vành đai 2 đang thi công dang dở, nhiều hạng mục "đắp chiếu", gây lãng phí lớn. TPHCM đặt mục tiêu khép kín tuyến đường này trong năm 2025.
Đường Vành đai 2 có tổng chiều dài toàn tuyến hơn 64km, quy mô 6 - 10 làn xe, vốn đầu tư 12.540 tỷ đồng, được quy hoạch từ năm 2007. Đây là tuyến đường đô thị cấp 1 có vai trò rất quan trọng trong việc điều phối giao thông và hạn chế xe cộ vào nội thành TPHCM.
Tuyến đường bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh (H.Bình Chánh) qua cầu Phú Mỹ (Q7), ngã tư Bình Thái và nút giao thông Gò Dưa (TP.Thủ Đức), điểm cuối ra Quốc lộ 1A và chạy vòng về Nguyễn Văn Linh, tạo thành một vòng quanh thành phố. Khi được khép kín, đường Vành đai 2 tạo thành trục liên kết các tuyến giao thông quan trọng khác như: Xa lộ Hà Nội, Phạm Văn Đồng, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 13...
Đến nay, tuyến đường huyết mạch này đã hoàn thành 50km, 14km còn lại gồm 2 phân đoạn chưa được khép kín: đoạn từ Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội dài 3,5km; từ Xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng dài 2,8km; từ Quốc lộ 1A đến đường Nguyễn Văn Linh dài 5,3km và đoạn từ Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa dài 2,8km.
Khảo sát tại đường Vành Đai 2, đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa cho thấy, hiện dự án này đang "ngủ đông" với hàng loạt hạng mục nằm chỏng chơ giữa trời. Chủ đầu tư đã rút công nhân khỏi công trường, hàng chục loại thiết bị máy bị "trùm mền" phơi sương, nhà điều hành đóng cửa im ỉm. Nhiều loại máy móc như trạm trộn bê-tông, xe tải, xe múc nằm "án binh bất động" và bị hư hỏng nặng, nhiều loại không thể hoạt động.
Hàng trăm chiếc cọc bê-tông cốt thép, ống cống, dầm cốt bê-tông nằm ngổn ngang, trần mình giữa nắng mưa. Nhiều chiếc cầu trơ cả khung sắt, mố cầu xây dựng nửa vời khiến bê-tông thoái hóa, sắt thép rỉ sét, cỏ mọc um tùm, trở thành nơi "nuôi" muỗi mòng, côn trùng. Nhiều đoạn được được san ủi dang dở, chưa được san lấp mặt bằng, trở thành nơi chăn thả trâu bò và chỗ đổ rác rưởi, nhìn nhếch nhác.
Sau 16 năm quy hoạch, đường Vành đai 2 vẫn chưa được khép kín
Được biết, đoạn này do Công ty cổ phần Văn Phú Bắc Ái làm chủ đầu tư theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng (hợp đồng BT), tổng mức đầu tư hơn 2.765 tỷ đồng, gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng. Dự án thi công được 44% khối lượng thì phải dừng do vướng bàn giao mặt bằng và chậm thanh toán cho nhà đầu tư.
Theo chủ đầu tư, dự án dừng thi công trong 2 năm đã phát sinh hơn 230 tỷ đồng tiền lãi. Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, nếu dự án không sớm được khởi động lại, không chỉ lãng phí tiền của Nhà nước, phát sinh lãi suất, mà đường Vành Đai 2 còn có nguy cơ biến thành đường "Vành đai khuyết".
Máy móc, vật liệu xây dựng đường Vành đai 2 "đắp chiếu", gây lãng phí lớn
Cùng với các tuyến Vành đai 3, Vành đai 4, TPHCM cũng đang nỗ lực ưu tiên triển khai dự án Vành đai 2 trong thời gian tới. Từ đầu năm 2022, TPHCM đặt mục tiêu tái khởi động 2,7km đường Vành đai 2 - đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa sau 2 năm dừng thi công và cân đối ngân sách để khép kín 11km còn lại. TP.Thủ Đức đã hoàn tất bồi thường, bàn giao mặt bằng 334/468 hộ bị ảnh hưởng với diện tích hơn 15,6 héc-ta đất cho dự án.
Tháng 7-2022, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, thành phố dự kiến sẽ bố trí thanh toán cho chủ đầu tư dự án trên 4 khu đất trung tâm thành phố. Thành phố đặt mục tiêu hoàn tất khép kín đường Vành đai 2 trong năm 2025.