Kỷ niệm 65 năm ngày thành lập lực lượng Cảnh sát kinh tế (10/8/1956 - 10/8/2021):

Cảnh sát kinh tế Công an TPHCM: 39 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành

Thứ Năm, 12/08/2021 14:34  | Ngọc Anh

|

(CATP) Được thành lập đầu năm 1982, Phòng Cảnh sát kinh tế (CSKT) - Công an TPHCM (CATP) luôn là đơn vị mũi nhọn, đi đầu trong cuộc chiến phòng chống (PC) các loại tội phạm kinh tế (KT). 

Trải qua 39 năm xây dựng (XD), chiến đấu và trưởng thành (1982 - 2021), cán bộ chiến sĩ của phòng luôn nêu cao tinh thần "chủ động, nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả", ra sức rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, đoàn kết, thống nhất vượt mọi khó khăn, thử thách, góp phần XD lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và niềm tin yêu của người dân thành phố (TP) mang tên Bác.

HOÀN THÀNH XUẤT SẮC NHIỆM VỤ ĐƯỢC GIAO

Những năm đầu sau giải phóng, tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) TPHCM còn nhiều rối ren. Với sự chỉ đạo xuyên suốt từ Bộ Công an (CA), Ban giám đốc CATP, Phòng CSKT - CATP đã tham mưu cho lãnh đạo các cấp đề ra nhiều chủ trương, chính sách phục vụ công tác phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm, tội phạm; đồng thời phát hiện, điều tra, khám phá nhiều vụ án KT lớn, tập trung vào tội buôn lậu, kinh doanh trái phép, đầu cơ..., góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Năm 1986, cả nước bước vào công cuộc đổi mới, tình hình tội phạm KT vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp theo chiều hướng mới, có phần nghiêm trọng. Tại TPHCM, xác định tội phạm tham ô, buôn lậu là đối tượng cần tập trung đấu tranh, trấn áp, Phòng CSKT đã phối hợp với các lực lượng đồng loạt mở chiến dịch tấn công, thu được nhiều kết quả khả quan, từng bước ổn định KT-XH, củng cố lòng tin của người dân. Nhiều vụ án do phòng triệt phá trong thời kỳ này để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người dân.

Trong đó có vụ buôn lậu xảy ra tại Tân Cảng II: Năm 1987, Liên hiệp thủy sản Hải Phòng ký hợp đồng (HĐ) thuê 1 khu vực Tân Cảng (do Bộ tư lệnh Hải quân quản lý) làm nơi đậu, sửa chữa tàu viễn dương. Quá trình hoạt động, một số cán bộ của cơ quan này luân phiên được bố trí đi nước ngoài đã mua hàng hóa vượt số lượng cho phép, không khai báo hải quan, rồi móc nối với đối tượng ngoài xã hội đưa đi tiêu thụ. Ngày 15-5-1987, Phòng CSKT đã bắt giữ 7 đối tượng liên quan.

Theo đó, từ cuối năm 1986 đến tháng 5-1987, các đối tượng đã buôn lậu số hàng hóa trị giá 105 lượng vàng, thu lợi bất chính tương đương 8 lượng vàng, đã chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát đề nghị truy tố trước pháp luật 7 đối tượng, đề nghị xử lý kỷ luật 57 thủy thủ tiếp tay vận chuyển hàng lậu.

Triệt phá đường dây sản xuất găng tay y tế giả

Vụ Phạm Huy Phước cùng đồng bọn can tội "tham ô tài sản XHCN" xảy ra tại Công ty sản xuất kinh doanh dịch vụ - cung ứng xuất nhập khẩu Tân Bình (gọi tắt Tamexco): Quá trình điều hành, Phạm Huy Phước để xảy ra nhiều sai phạm khiến đến đầu năm 1994, Tamexco còn nợ Vietcombank và Firstvina Bank hơn 20 triệu USD; tồn kho hàng hóa nhập khẩu kém chất lượng, không tiêu thụ được trị giá trên 119 tỷ đồng...

Nhằm che đậy những việc làm trái pháp luật, Phạm Huy Phước quyết định đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (BĐS), ký kết hợp đồng (HĐ) chuyển nhượng đất và cả HĐ xây dựng nâng khống giá trị lên nhiều lần với một số doanh nghiệp (DN), sau đó Phước móc nối với cán bộ ngành ngân hàng (NH), thế chấp các BĐS và HĐ kinh tế khống trên vay lượng lớn tiền của NH rồi chiếm đoạt. Ngày 2-10-1995, CATP đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Huy Phước và đồng bọn. Ngày 16-12-1996, Viện KSND TPHCM đưa các bị can ra truy tố trước pháp luật, Phạm Huy Phước bị tuyên án tử hình.

VƯỢT MỌI KHÓ KHĂN, ĐÁP ỨNG YÊU CẦU TỪNG THỜI KỲ PHÁT TRIỂN CỦA THÀNH PHỐ

Năm 2004 đánh dấu bước chuyển đổi quan trọng của lực lượng CSKT, đó là triển khai thực hiện Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004 và các văn bản hướng dẫn của bộ về chuyển đổi mô hình cơ quan CSĐT quy định trong pháp lệnh. Ngày 29-12-2005, Giám đốc CATP ký ban hành Quyết định về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Phòng CSKT (lúc này đổi tên thành Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - CATP). Hoạt động theo mô hình mới, phòng đã phát huy triệt để sức mạnh, tiếp tục phát hiện, điều tra khám phá nhiều vụ án KT lớn, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành và người dân đánh giá cao.

Có thể nói Phòng CSKT - CATP là đơn vị đi đầu trong phát hiện, xử lý tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng, tội phạm lừa đảo trong kinh doanh BĐS, tội phạm nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao... Một số vụ án lớn trong thời gian này như: Vụ Phạm Thị Tuyết Lan cùng đồng bọn phạm nhiều tội, trong đó có lừa đảo chiếm đoạt tài sản (LĐCĐTS) xảy ra tại Công ty địa ốc Gò Môn và UBND quận Gò Vấp. Trong vụ án này, rất nhiều cán bộ đứng đầu Q.Gò Vấp phải ra trước tòa lãnh án cùng Tuyết Lan, gồm: Nguyễn Văn Tính - nguyên Bí thư Quận ủy Q.Gò Vấp, Trần Kim Long - nguyên Chủ tịch UBND Q.Gò Vấp, Dương Công Hiệp - nguyên Phó phòng quản lý đô thị Q.Gò Vấp...

Vụ án Tề Trí Dũng và đồng phạm can tội "Vi phạm quy định về quản lý nhà nước gây thất thoát, lãng phí", "Tham ô tài sản" xảy ra tại Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (SADECO). Năm 2015, Tề Trí Dũng - Tổng giám đốc Công ty IPC, Chủ tịch HĐQT Công ty SADECO cùng đồng phạm đã chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc phát hành, bán trái pháp luật 9 triệu cổ phiếu của SADECO cho Công ty Nguyễn Kim với giá thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực, gây thiệt hại cho Nhà nước và các cổ đông khác hơn 1.103 tỷ đồng; ngoài ra còn tham ô, chiếm đoạt hơn 5,7 tỷ đồng của Công ty SADECO. Phòng CSKT - CATP đã khởi tố, kết luận điều tra, đề nghị truy tố 20 bị can về tội danh trên, thu hồi toàn bộ số tiền thiệt hại cho Nhà nước.

UBND TPHCM và CATP thưởng nóng cho Phòng CSKT

Năm 2014, trên địa bàn TPHCM xuất hiện tình hình tội phạm LĐCĐTS do một nhóm người Đài Loan - Trung Quốc cầm đầu, cấu kết với những đối tượng trong nước hoạt động xuyên quốc gia với thủ đoạn: sử dụng thiết bị công nghệ viễn thông kết nối vào đường truyền điện thoại, giả danh nhân viên công ty điện thoại gọi đến các thuê bao cố định của người dân thông báo nợ cước điện thoại đồng thời thông báo khách hàng sử dụng số thuê bao này liên quan đến 1 vụ án do công an đang điều tra..., yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân và tài khoản (TK), buộc khách hàng rút và chuyển tiền vào TK của chúng để xác định xem có liên quan đến vụ án không. Nhận được tiền, nhóm đối tượng rút hết và chiếm đoạt. Các băng nhóm lừa đảo đã thực hiện trót lọt nhiều vụ tại Việt Nam với tổng số tiền hàng trăm tỷ đồng. Nhưng chỉ trong thời gian ngắn, Phòng CSKT - CATP đã khám phá nhiều đường dây lừa đảo, khởi tố điều tra, bắt tạm giam trên 70 đối tượng, trong đó có 24 người Đài Loan - Trung Quốc, thu giữ và phong tỏa hơn 500 TK, thẻ tín dụng NH, thu hồi cho người dân hơn 15 tỷ.

Trong lĩnh vực kinh doanh BĐS, từ năm 2019 đến nay, Phòng CSKT - CATP đã phát hiện, tiếp nhận thụ lý 98 vụ việc liên quan; khởi tố 26 vụ án 50 bị can về các tội LĐCĐTS, Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt TS, với tổng số tiền bị chiếm đoạt hơn 4.100 tỷ đồng của hơn 5.042 bị hại; đã kê biên, thu hồi tiền, TS được khoảng 2.188 tỷ đồng. Điển hình như vụ Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm can tội LĐCĐTS, "rửa tiền" xảy ra tại Công ty CP địa ốc ALIBABA. Luyện và 22 đồng phạm đã thành lập 22 pháp nhân, "vẽ" ra 58 dự án BĐS tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, tự phân lô, tách thửa trái pháp luật bán cho 3.924 bị hại, qua đó chiếm đoạt hơn 2.373 tỷ đồng. Quá trình điều tra, Phòng CSKT - CATP đã tạm giữ, phong tỏa hơn 56 tỷ đồng tiền mặt; 650 thửa đất, với tổng diện tích hơn 447ha; 23 ôtô, xe máy các loại; 257 miếng kim loại màu vàng... Tổng giá trị tài sản tạm giữ, kê biên, phong tỏa khoảng hơn 1.500 tỷ đồng, tương đương 63,2% thiệt hại trong vụ án.

Năm 2020, dịch Covid-19 xuất hiện, diễn biến ngày càng phức tạp. Nhiều đối tượng lợi dụng sự khan hiếm một số vật tư y tế thiết yếu phục vụ PC dịch, nhất là găng tay y tế để lừa đảo, sản xuất, buôn bán hàng giả nhằm trục lợi. Phòng CSKT - CATP đã tăng cường nắm tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ vi phạm, tội phạm phát sinh. Kết quả, từ giữa năm 2020 đến nay đã phát hiện, xử lý 71 vụ việc liên quan; khởi tố 14 vụ án 8 bị can về các tội LĐCĐTS, sản xuất, buôn bán hàng giả, với số tiền bị chiếm đoạt trong các vụ án, vụ việc hơn 700 tỷ đồng.

Với những chiến công đạt được, Phòng CSKT - CATP đã được tặng thưởng nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ thi đua, Bằng khen của Bộ Công an, UBNDTP. Phòng Cảnh sát kinh tế được tặng Huân chương Chiến công hạng 3 (năm 1995), Đội Hướng dẫn và điều tra án của phòng (Đội 7, nay là Đội 8) được vinh dự tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng 3 (năm 2007).

Bình luận (0)

Lên đầu trang