Xã hội ngày càng phát triển, đòi hỏi người phụ nữ không những “giỏi việc nước, đảm việc nhà” mà còn ngày càng phải năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.
Giữa lúc dịch Covid-19 bùng phát mạnh, mọi người đều ngần ngại khi ra đường, thì lại có một người phụ nữ tuổi trung niên bất chấp hiểm nguy, hàng ngày đi lại như con thoi giữa những điểm tiếp nhận hàng cứu trợ và khu vực bị phong tỏa để cung cấp nhu yếu phẩm, lương thực cho đồng đội và người dân. Chính cái tâm, cái tình của chị đã khiến tôi vừa trân trọng, vừa cảm phục.
Thượng tá Cao Thị Hồng Tươi cùng đồng đội vận chuyển lương thực, nhu yếu phẩm do Công an các tỉnh hỗ trợ để chuyển đến cho người dân, các đơn vị có nhu cầu
Chị là Thượng tá Cao Thị Hồng Tươi, Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an TPHCM. Tôi quen biết chị khi cùng tham gia các hoạt động do Hội Phụ nữ CATP tổ chức. Bao giờ cũng vậy, chị xông xáo, nhiệt huyết và đầy trách nhiệm. Ai đã một lần gặp chị hay làm việc cùng chị, đều có chung một cảm nhận, chị luôn là người truyền lửa, đam mê với công việc, tận tâm, tận lực cống hiến.
Từ khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công việc cuốn trôi, thỉnh thoảng chị nhắn tin hỏi thăm sức khỏe và tình hình chống dịch của gia đình tôi chứ chúng tôi không gặp nhau. Mãi đến khi được đơn vị phân công theo đoàn công tác nhận hàng hỗ trợ của Công an các tỉnh, thành và bà con nhân dân toàn quốc gửi thì tôi gặp lại chị.
Đứng trên thùng xe tải, giữa đống hàng hóa chất đầy, dù đeo khẩu trang và kính chống giọt bắn, chị vẫn hô hào anh em bốc xếp hàng hóa lên xe tải nhỏ. Tay chị thoăn thoắt chuyền những thùng hàng, chiếc áo An ninh ướt đẫm mồ hôi, tóc dính bết vào khuôn mặt, thỉnh thoảng tôi thấy chị dừng lại thở dốc, rảo mắt xung quanh quan sát, tiếng cười của chị xua tan sự mệt mỏi.
Chị Cao Thị Hồng Tươi trao những gói xôi do mình nấu cho anh em làm nhiệm vụ trên đường
Giữa tiết trời nắng gắt của thành phố, những chiếc xe tải nhỏ chở đầy ắp lương thực, thực phẩm chia nhau tỏa đi các đơn vị tuyến đầu chống dịch. Tôi theo chị ngồi trên xe hướng về Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ CATP ở TP.Thủ Đức, nơi cách ly tập trung dành cho CBCS trong quá trình công tác bị lây nhiễm Covid-19. Khoảng cách hơn chục km đã giúp tôi có thời gian trò chuyện cùng chị.
“Dịch đang bùng phát mạnh như thế này, chị không sợ nhiễm bệnh sao?”, tôi hỏi.
“Có chứ, nhưng đồng chí, đồng đội từ Công an các tỉnh, thành và bà con khắp nơi đã chắt chiu từng hạt gạo, củ khoai, buồng chuối, mớ rau cải xanh… gửi về miền Nam hỗ trợ, nếu mình không vận chuyển ngay, giao tận tay cho bà con, cho đồng đội mình thì sẽ hư hỏng hết em ạ. Có những món quà, người dân và những CBCS Công an các tỉnh tự tay lựa chọn thực phẩm, dành thời gian, công sức để nấu chín, đóng gói cẩn thận để gửi vào TPHCM, đó không chỉ là vật chất, mà còn là tình cảm, là tấm lòng của mọi người nữa. Chị có vất vả một chút cũng là để sẻ chia, chung tay gánh vác cùng cộng đồng và trân trọng tình cảm mà mọi người đã yêu thương dành cho lực lượng Công an”.
Đưa tay gạt những giọt mồ hôi trên khuôn mặt, chị nói tiếp: “Em biết rồi đấy, anh em mình là lực lượng trên tuyến đầu chống dịch, nguy cơ lây nhiễm rất cao, công việc vất vả, thiếu thốn lương thực, thực phẩm, trang thiết bị y tế nhưng vẫn phải tuần tra, chốt chặn hàng ngày trên các tuyến đường, rồi phải thường xuyên bám sát cơ sở, rà soát, sàng lọc từng người dân, họ còn khó khăn vất vả trăm bề. Còn người dân, dịch bệnh thế này không có việc làm, không có thu nhập, lương thực, thực phẩm đều không có, thậm chí khẩu trang cũng không có để đeo, nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao. Thương lắm!”.
Thượng tá Cao Thị Hồng Tươi, Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an TPHCM luôn có mặt trên mọi mặt trận
Cuộc nói chuyện của chúng tôi gián đoạn vì điện thoại của chị liên tục đổ chuông. Chị bận trao đổi với các điểm giao nhận hàng cứu trợ, Công an các quận, huyện để nắm bắt số lượng lương thực, rau củ, nhu yếu phẩm cần thiết cho bếp ăn tập thể phục vụ CBCS, phục vụ bà con trong khu phong tỏa. Rồi chị cắm cúi ghi chép tỉ mỉ, không có giây phút nào thảnh thơi.
Từ đầu mùa dịch đến nay, hàng trăm tấn hàng được chuyển đến Báo Công an TPHCM mỗi ngày (địa điểm CATP đặt để tiếp nhận hàng hóa hỗ trợ). Để kịp thời tiếp nhận, vận chuyển hàng, chị Hồng Tươi đã phải dậy từ sáng sớm cùng đồng đội đến các điểm tiếp nhận hàng, hoặc ra tận Bến xe Miền Đông để đón những chuyến xe tải từ các tỉnh tập kết về, sau đó chuyển hàng sang xe tải nhỏ chở vào thành phố, phân chia số lượng theo danh sách đã được lãnh đạo CATP phê duyệt và tỏa đi khắp nơi, chia đều cho bếp ăn của Công an quận, huyện và bà con nhân dân trong khu vực phong tỏa trên địa bàn.
Bên cạnh đó, một phần chị lập danh sách mời Công an các quận, huyện đến điểm tiếp nhận để chở về, giảm tải cho tuyến trên. Do phần lớn hàng hóa là rau củ, nông sản nên cần phải giao nhận trong ngày, chị Hồng Tươi phải chạy như con thoi thì mới có thể giải quyết hết số hàng tiếp nhận. Chỉ với chiếc khẩu trang N95, kính chống giọt bắn và chai xịt khuẩn, chị tự bảo vệ mình trước dịch bệnh Covid-19.
Chị tâm niệm: Khi lực lượng CATP còn được nhân dân mọi miền Tổ quốc yêu thương thì chị còn nỗ lực cố gắng, cố làm và làm cho tốt để những bữa cơm của đồng đội mình và bà con có thêm chút rau xanh.
Kết thúc một ngày dài, dường như mọi người đều mệt mỏi rã rời, nhưng chị vẫn cố giữ nụ cười trên môi, trong ánh mắt chị chứa chan niềm hạnh phúc. Ngày mai và những ngày tiếp theo chị sẽ còn đón những chuyến hàng nghĩa tình, dù có bận đến thế nào, mệt mỏi đến thế nào chị vẫn sẽ tiếp tục dậy sớm, nấu những nồi xôi, cẩn thận chia nhỏ ra từng hộp mang theo để trao tận tay đồng đội và những bác tài xế từ các tỉnh, thành vận chuyển lương thực, thực phẩm về cho TPHCM.
Niềm vui ấy có lẽ không chỉ đến từ việc chị đã hoàn thành nhiệm vụ mà lãnh đạo tin tưởng giao phó, mà còn vì chị đã trân trọng những món quà, trân trọng nghĩa tình của đồng đội mình và nhân dân cả nước yêu thương trao tặng.
Vẳng bên tai tôi câu hát “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”. Chị Hồng Tươi không phải là không sợ gian khổ, không muốn chọn cho mình phần việc nhẹ nhàng, nhưng giữa mùa dịch Covid-19 này, quên mình vì đồng đội, xả thân vì nhân dân, bất chấp hiểm nguy, ngược xuôi để những bữa cơm của đồng đội mình có thêm rau xanh, bà con nhân dân có thêm sức khoẻ để vượt qua đại dịch Covid-19 là điều mà chị thấy mình cần làm và lựa chọn, bởi chị là người chiến sĩ Công an nhân dân, là người con gái của quê hương Củ Chi Đất Thép Thành Đồng anh hùng và chị muốn sống xứng với truyền thống của quê hương mình.