Vì nhân dân, Công an TPHCM quyết xông pha tuyến đầu chống dịch:

Tình chiến sĩ - nhân dân trong mùa đại dịch

Chủ Nhật, 08/08/2021 14:58

|

(CATP) Trước tình hình dịch Covid-19 hết sức phức tạp, Công an TPHCM là đơn vị chủ công trong công tác kiểm soát, xử lý các tình huống vi phạm ra đường sau 18 giờ đến 6 giờ hôm sau không có lý do chính đáng. Trong quá trình làm nhiệm vụ, hầu hết người dân đều chấp hành nghiêm, nhưng vẫn có một số tình huống ngoại lệ và được lực lượng linh động xử lý để giúp đỡ họ trong trường hợp cần thiết.

Nhiệt tình giúp đỡ

Sáng 6-8, Tổ công tác Công an H.Nhà Bè do đồng chí Bùi Văn Khanh - Phó đội trưởng Đội CSGT-TT - Công an huyện Nhà Bè làm Tổ trưởng, thực hiện nhiệm vụ xử lý các trường hợp vi phạm các quy định về giãn cách xã hội, đã kiểm tra giấy tờ tùy thân của một cụ ông cao tuổi đang đi bộ. Cụ tên Nguyễn Chí Sắc (SN 1934, ngụ tổ 10 Đặng Nhữ Lâm, TT.Nhà Bè), đang trên đường đến Bệnh viện H.Nhà Bè (đường Lê Văn Lương, xã Phước Kiển) để tiêm vắc-xin phòng Covid-19 theo lịch hẹn.

Qua trao đổi, Tổ công tác được biết cụ đã đi bộ hơn 3km và không có xe buýt nên việc đón phương tiện tới bệnh viện rất khó khăn. Lập tức đồng chí Bùi Văn Khanh đã trưng dụng ôtô đặc chủng, chuyên dụng của Tổ và phân công đồng chí cán bộ trong Tổ công tác hỗ trợ đưa cụ Sắc đến tận bệnh viện huyện. Khi nhận được sự giúp đỡ, cụ Sắc rất xúc động, vui mừng và cám ơn các chiến sĩ công an.

Sau khi trò chuyện, lực lượng CSGT đã đưa cụ Sắc tới bệnh viện

Khoảng 19 giờ ngày 3-8, trong lúc làm nhiệm vụ ở chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 trên tuyến Quốc lộ 22 (huyện Củ Chi), giáp ranh với tỉnh Tây Ninh, tổ công tác gồm đại úy Huỳnh Quốc Đại (cán bộ Đội CSGT Tân Sơn Nhất) và đại úy Nguyễn Hoài Phong (cán bộ Trạm CSGT Tây Bắc cùng thuộc Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC08), Công an TPHCM) phát hiện 2 phụ nữ đi bộ dắt xe máy. Tổ công tác đã hỏi thăm thì được biết cả hai là mẹ con (ngụ H.Gò Dầu, Tây Ninh). Trong lúc đưa mẹ là bà Lê Thị Ri (SN 1957) chạy thận ở một bệnh viện tại TPHCM, không may xe máy do người con điều khiển đã bị thủng lốp. Do không có chỗ vá xe và vắng người nên cả hai phải dắt bộ.

Trước hoàn cảnh của mẹ con bà Ri, tổ công tác đã dùng ôtô đặc chủng chở cả hai cùng xe máy về chốt kiểm soát phòng, chống dịch Cổng chào Suối Sâu (phường An Tịnh, TX.Trảng Bàng, Tây Ninh). Tại đây, tổ công tác đã trao đổi với lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt hỗ trợ đưa hai mẹ con bà Ri về nhà. Hai mẹ con bà Lê Thị Ri đã gửi lời cảm ơn đến Tổ công tác tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch trên Quốc lộ 22.

Việc giúp đỡ người dân đặc biệt là người cao tuổi, bệnh nhân, phụ nữ, trẻ em... trong hoàn cảnh khó khăn không chỉ là trách nhiệm, bổn phận của người chiến sĩ Công an với nhân dân mà còn thể hiện nghĩa cử cao đẹp của tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn của dân tộc ta. Việc làm có ý nghĩa động viên tinh thần cộng đồng trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng, góp phần tô đẹp thêm hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân vì nhân dân phục vụ.

Anh Chinh được công an đưa về nhà để gặp anh trai lần cuối

Tấm lòng của anh CSGT

4 người dân tộc Hre là Đinh Văn Mớ (SN 1977), Đinh Văn Dương (SN 1981), Đinh Văn Năng (SN 1992), Đinh Văn Sua (SN 1991, ngụ huyện An Lão, Bình Định) vào xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn) làm thuê cho xưởng ép tấm bạt Từ khi TPHCM thực hiện giãn cách xã hội, các anh mất việc không còn gạo, hết tiền để ăn uống tiêu xài, chỉ ăn mì tôm qua ngày.

Trước tình cảnh khó khăn, các anh liên hệ với Hội đồng hương An Lão tại TPHCM. Nhận được điện thoại, anh Nguyễn Ngọc Sáng - Chủ tịch Hội đồng hương An Lão - liền tức tốc cho người mang gạo, mì trứng gấp lên cho các anh ở nhà trọ tại Thới Tam Thôn, gửi tặng 1 triệu đồng ngay để chi tiêu đợi đến ngày về quê. Sau đó, Hội đồng hương liên hệ để cho các anh về quê trên chuyến bay 0 đồng do UNBD tỉnh Bình Định và Hội đồng hương Bình Định tại TPHCM tổ chức vào ngày 4-8. Đây là chuyến bay thứ 5 tổ chức đưa người khó khăn hoặc khám chữa bệnh bị mắc kẹt lại thành phố về quê.

Để làm thủ tục, các anh cũng đã đi xét nghiệm Covid-19 và đều âm tính, đảm bảo đủ điều kiện đi lại. Các anh em trong Hội đồng hương An Lão đang tính toán phương tiện để đưa các anh ra sân bay Tân Sơn Nhất làm thủ tục về quê. Sáng 3-8, thấy không còn tiền, các anh trả phòng trọ rồi khăn gói đồ đạc cuốc bộ ra sân bay. Nhưng các anh cũng không biết sân bay ở đâu, cứ đi rồi hỏi đường trong khi tiếng Việt không rành. Đi bộ một đoạn trên đường Tô Ký gặp chốt kiểm soát của CAQ12 thì bị giữ lại kiểm tra.

Công an đưa xe máy của 2 mẹ con đi chạy thận lên xe ôtô đặc chủng

Gặp ngay ca trực của thượng úy Phan Trọng Nhân - Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, CAQ12, kiểm tra các anh không có giấy tờ tùy thân, chỉ có giấy xét nghiệm Covid-19. Qua tìm hiểu thông tin, thượng úy Nhân biết những người này được về quê vào chuyến bay ngày mai nhưng họ không có tiền thuê xe nên đi bộ ra sân bay. Nhưng họ không có giấy tờ gì làm sao về quê? Thượng úy Nhân liền liên hệ với Hội đồng hương An Lão gọi điện về quê để gởi gấp giấy tờ vào bằng xe tải chở hàng hỗ trợ TP. Làm việc đến trưa mà các anh chưa hề ăn uống gì, thượng úy Nhân rờ túi còn 200 ngàn đồng, rồi các bác cựu chiến binh, bảo vệ dân phố đang trực góp 250 ngàn đồng nữa. Thượng úy Nhân chạy đi mua xôi, nước, trái cây, khẩu trang... cho các anh dùng bữa. Sau đó, thượng úy Nhân dùng xe chở các anh về lại nhà trọ xin cho họ ở lại một đêm nữa để sáng mai mới về, vì giờ này không thể vào sân bay tá túc được.

Về nhà, thượng úy Nhân kể lại câu chuyện ca trực hôm nay gặp những hoàn cảnh khó khăn cho mẹ mình nghe. Người mẹ rất xúc động rồi cùng Nhân gom tiền, vận động thêm được 4 triệu đồng. Ngày hôm sau không phải ca trực, thượng úy Nhân báo cáo lãnh đạo Đội đồng ý cho anh tiếp tục làm việc để hỗ trợ những anh này ra sân bay về quê. Sáng sớm, thượng úy Nhân dậy sớm canh xe tải chở hàng vào lấy giấy tờ đưa cho họ, đồng thời trao số tiền cho các anh làm lộ phí đi đường.

Đại úy Nghĩa đã dành suất ăn tối của mình cho cháu bé lang thang

Những người hùng thầm lặng

Thời gian qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp, gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân trên địa bàn TPHCM. Tuy nhiên, cũng chính trong hoàn cảnh khó khăn đó lại xuất hiện rất nhiều những việc làm tử tế, những tấm gương người tốt, việc tốt, qua đó đã phát huy được truyền thống tương thân tương ái của nhân dân Việt Nam chúng ta. Là lực lượng trực tiếp tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, bên cạnh việc nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, lực lượng CSGT vẫn luôn đồng hành và hỗ trợ những người dân gặp hoàn cảnh khó khăn khi tham gia giao thông trên đường.

Điển hình, khoảng 22 giờ ngày 30-7, Tổ công tác 363 Công an TP.Thủ Đức tuần tra trên đường Kha Vạn Cân, phát hiện một thanh niên chạy xe máy với tốc độ rất nhanh. Ngay lập tức, tổ công tác liền đuổi theo, yêu cầu nam thanh niên dừng xe kiểm tra hành chính và nêu lý do ra đường. Qua làm việc, anh Dương Tống Trường Chinh (SN 1978, ngụ trú TP.Thủ Đức) rơm rớm nước mắt giải thích mới nhận được thông tin anh trai qua đời tại nhà riêng trên đường Tân Lập (phường Hiệp Phú, TP.Thủ Đức) nên vội vàng chạy về để gặp mặt lần cuối. Nghe câu chuyện đau lòng này, đại úy Nguyễn Duy Tiến, cán bộ Đội CSGT - Trật tự Công an TP.Thủ Đức (tổ trưởng Tổ công tác 363) khuyên Chinh bình tĩnh, tổ sẽ hộ tống anh qua các chốt kiểm soát để sớm về gặp mặt người anh quá cố. Khi đưa tới nhà, tổ công tác đã thăm hỏi, gửi lời chia buồn tới gia đình anh Chinh.

Bốn người quê Bình Định được thượng úy Nhân giúp đỡ

Trong tối cùng ngày và rạng sáng 31-7, Tổ công tác 363 đã tuần tra khắp các tuyến đường trên địa bàn TP.Thủ Đức nhưng không thấy trường hợp nào vi phạm khi ra đường không có lý do. Khi đang làm nhiệm vụ, tổ công tác đã kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn 3 trường hợp chở người nhà đến các bệnh viện cấp cứu trong đêm.

Đến tối 31-7, trong khi đang thực hiện nhiệm vụ trực chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 tại giao lộ Nguyễn Văn Linh - Quốc lộ 1 (huyện Bình Chánh) cùng với đồng đội, đại úy Phan Thành Nghĩa (cán bộ Trạm CSGT Tân Túc thuộc Phòng PC08, Công an TPHCM) phát hiện một bé trai đang đi lang thang xin thức ăn, liền đến hỏi thăm mới biết cháu bé đang đói vì cả ngày chưa có gì bỏ bụng. Thương cảm hoàn ảnh của cháu bé, đại úy Nghĩa đã nhường phần ăn tối của mình cho cháu bé, đồng thời báo cáo Ban chỉ huy đơn vị được sử dụng xe cá nhân của mình đưa cháu về nhà và nhanh chóng trở lại chốt để tiếp tục nhiệm vụ.

Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM, Công an TPHCM là đơn vị chủ công trên tuyến đầu phòng chống dịch ở trên địa bàn. Hình ảnh những người cán bộ chiến sĩ Công an TPHCM trực tiếp khuân vác từ bao gạo hay thức ăn, đồ uống... đến tận các con hẻm của nhà dân hay những cán bộ túc trực 24/24 tại những chốt chặn kiểm soát phòng chống dịch bệnh luôn tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh rất cao. Thế nhưng các cán bộ chiến sĩ của lực lượng Công an TPHCM vẫn không ngại khó khăn, nguy hiểm đề hoàn thành nhiệm vụ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang