(CAO) Xưa nay, khi nói đến những việc như xây cầu, làm đường người ta thường nghỉ đó là những công việc của những bậc mày râu, nhưng ở TP.Sa Đéc, Đồng Tháp có một người phụ nữ tuổi đã gần 70, tay yếu chân mềm nhưng lại “mê” đi xây cầu và chính bà là “mẹ đẻ” của hơn 135 cây cầu nông thôn ở tỉnh Đồng Tháp.
Người phụ nữ mà chúng tôi muốn nhắc đến đó là bà Tống Thanh Mai, người dân địa phương hay gọi với tên trìu mến là cô Tám Mai, ngụ P.An Hòa, TP.Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp.
Bà Mai cho biết ý tưởng xây cầu từ thiện bắt đầu nhen nhóm trong bà từ năm 1989, trong một lần đi công tác nhìn thấy nhiều học sinh tiểu học phải đội nắng chờ đò qua sông và những cây cầu tre lắc lẻo cản bước học sinh đến lớp khiến bà cảm thấy xuyến xao từ đó đã đã bắt tay vào việc xây cầu nông thôn.
Chiếc cầu đầu tiên được bà xây dựng với kinh phí khoảng 500 triệu đồng là do bà tự bỏ tiền túi số tiền mà 2 vợ chồng dành dụm từ lâu để bắc cầu. Thấy được việc làm ý nghĩa của bà, nhiều bà bè, đồng đội cũ và các nhà hảo tâm bắt đầu ủng hộ việc làm ý nghĩa, cũng từ đó mà những cây cầu mới liên tiếp được mọc lên ở khắp các vùng nông thôn của tỉnh Đồng Tháp.
Bà Mai tâm sự: “Điều mong ước của tôi là thấy quê hương mình ngày càng khởi sắc, giao thông ngày càng thuận lợi để bà con đi lại được dễ dàng hơn, kinh tế địa phương ngày càng phát triển”.
Bà Mai đôn đốc anh em trong đội xây cầu đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa vào sử dụng phục vụ bà con
Vốn là một tỉnh có nhiều kênh rạch, sông nước, nông thôn còn nghèo như Đồng Tháp thì việc có được những cây cầy bê tông vững chắc chính là niềm vui và ao ước của nhiều người dân. Những chiếc cầu được dựng xây đã thắp lên niềm vui cho biết bao người.
Ông Trương Văn Giúp (ngụ xã Tân Khánh Đông, TP. Sa Đéc) chia sẻ: “Nhờ chị Tám Mai và các mạnh thường quân mà có được cây cầu bê tông như vầy, tôi và người dân ở đây rất là mừng, ngày xưa cây cầu ván rất khó đi, bây giờ được cây cầy xi măng đi lại thuận tiện, giao lưu hàng hóa cũng dễ dàng nên bà con rất phẩn khởi”.
Thấy việc làm thiện nguyện đầy ý nghĩa của bà mà ngày càng có nhiều người ủng hộ, người có tiền thì góp của, người không có tiền thì góp công. Hiện bà Mai đã có hẳn một đội thi công cầu đường từ thiện có hàng chục người tình nguyện xây cầu. Ngoài TP.Sa Đéc bà còn vận động xây cầu ở Lai Vung, Lấp Vò, Châu Thành…
Được trực tiếp cùng bà Mai và đội thi công cầu đường xây dựng nên những chiếc cầu mới, ông Võ Văn Tư, thành viên của đội xây dựng cầu đường không giấu được niềm vui: “Là người dân trực tiếp tham gia làm cầu tôi cũng rất phấn khởi vì mình đã góp phần mang lại niềm vui cho mọi người, thấy người dân đi lại thuận lợi con em được đi học thuận tiện thì bao nhiêu mệt nhọc đều tan biến hết, anh em chúng tôi sẽ cùng với chị Tám Mai tiếp tục làm nữa làm hoài khi nào hết cầu mới thôi”.
Bà Mai (thứ 4 từ trái qua) tham gia khởi công xây dựng cầu nông thôn
Tuy tuổi đã cao nhưng với bà Tám Mai dường như lửa đam mê làm từ thiện vẫn chưa hề tắt, khi thấy nơi nào còn cầu tre, ván tạm bợ là bà lại đi vận động tiền bắt cầu, khi thiếu tiền thì bà sẵn sáng bỏ tiền túi ra để làm.
Mặc dù nghỉ hưu từ năm 2005, nhưng hiện tại, ngoài việc tích cực đi vận động kinh phí xây dựng cầu đường, bà Mai còn đảm nhiệm vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Khoa học kỹ thuật cầu đường TP.Sa Đéc để chăm lo công tác xây dựng cầu đường ở địa phương.
Bà Tám Mai tâm sự: “Quê hương mình giờ cũng đã được đổi mới, khang trang hơn ngày xưa nhiều nhưng không phải vậy mà mình thấy thỏa mãn. Ngày nào mình còn sức khỏe là mình còn làm, mong sao các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân tiếp tục đồng hành để chúng tôi tiếp tục xây dựng thêm những chiếc cầu mới cho quê hương Đồng Tháp chúng ta ngày càng thêm khang trang, không còn cảnh cầu cây lắc lẻo”.
TP.Sa Đéc là địa phương đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp được Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đó không chỉ là niềm vui của chính quyền và người dân mà còn là niềm hạnh phúc của những người như bà Mai, bởi trong thành quả đó có sự đóng góp của những người giàu lòng nhân ái như bà.
Ông Lê Văn Giàu, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú Đông, TP.Sa Đéc nhận xét: “Cô Tám Mai là người rất hết lòng với công tác từ thiện, trong công tác vận động kinh phí xây cầu cô luôn công khai, minh bạc về tài chính và chính cô cũng là chỗ dựa, động viên và vận động anh em từ đó mà tổ xây dựng cầu đường từ thiện ngày càng có đông người tham gia.
Không chỉ riêng xã Tân Phú Đông mà các địa phương lân cận được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đều có sự đóng góp tích cực của cô Tám Mai. Nhờ cô Tám mà những cây cầu bằng bê tông liên tục được xây dựng giúp các địa phương phát triển hạ tầng giao thông, người dân đi lại thuận lợi, kinh tế phát triển hơn trước”.
Hơn 135 chiếc cầu bê tông được dựng xây là biết bao thời gian và công sức mà hơn 30 năm qua cô Tám Mai đã làm. Điều khiến người ta cảm phục ở cô không chỉ ở cái tâm mà là sự tận tụy và sự tâm huyết của cô với quê hương bởi công việc mà cô đang làm không được ai trả công nhưng cô vẫn xem đó là niềm vui bởi với cô niềm vui chính là được thấy mọi người được đi lại trên những chiếc cầu khang trang và vững chắc.