Về đơn vị 2 lần được phong Anh hùng lực lượng vũ trang

Thứ Ba, 02/05/2017 11:17

|

(CAO) Trại giam Gia Trung (thuộc Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp - Bộ Công an) là một trong 10 Trại giam được thành lập từ ngay sau ngày Giải phóng, thống nhất đất nước (ngày 2-1-1976), có nhiệm vụ quản lý, giam giữ, giáo dục và cải tạo các loại tội phạm hình sự; có thời điểm quản giữ đến 3.500 phạm nhân.

Hiện, Trại có 1 Trung tâm chỉ huy, 4 phân trại giam (quy mô giam giữ 2.500 phạm nhân); 1 Trung tâm Ayun (để quản lý, phân loại, giáo dục những người có hành vi gây nguy hại cho an ninh quốc gia tại các tính Tây Nguyên. Quy mô giam giữ 800 đối tượng). Tổng số cán bộ chiến sỹ của đơn vị có 568 đồng chí. Lãnh đạo Trại gồm 1 Giám thị và 8 Phó giám thị.

Ban Giám thị Trại giam Gia Trung đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND

Trung tá Đào Ngọc Sỹ - Phó Giám thị Trại cho biết, Trại đóng quân trên địa bàn giáp gianh 4 xã H’Ra, Ayun, Đak Taley, Đak Jota thuộc huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai, có tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 60% dân số; xung quanh đơn vị có 13 bản làng người dân tộc Bana và dân tộc Tày sinh sống. Từ năm 2010 trở về trước, Trại giam Gia Trung thuộc Trại giam loại I được giao quản lý, giáo dục số phạm nhân có mức án từ 15 năm đến chung thân và số phạm nhân có nhiều tiền án, tiền sự. Đây là một khó khăn rất lớn, trách nhiệm nặng nề đối với tập thể cán bộ chiến sỹ (CBCS) của đơn vị.

Đến nay, Luật thi hành án hình sự không còn quy định loại trại nhưng Trại giam Gia Trung vẫn được giao giam giữ quản lý các loại phạm nhân, trong đó số có án dài, phạm các tội đặc biệt nghiêm trọng. Ngoài ra đơn vị có tiếp nhận số đối tượng chống phá quyết liệt, thường xuyên vi phạm nội quy kỷ luật từ các Trại giam khác bóc tách chuyển đến. Từ năm 2012, đơn vị được giao nhận số đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia là người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, mức án phạt tù còn dưới 6 tháng để quản lý, giáo dục và bàn giao cho công an và chính quyền địa phương quản lý, thi hành án phạt quản chế theo quy định của Bộ luật hình sự.

Đại diện lãnh đạo Bộ Công an gắn Huy hiệu lên lá cờ truyền thống của đơn vị Trại giam Gia Trung

Phần lớn số phạm nhân này thân nhân gia đình không quan tâm thăm gặp hoặc vợ (chồng) ly hôn, gia đình từ bỏ nên diễn biến tư tưởng hết sức phức tạp, luôn tìm mọi cách để chống, phá, trốn, vi phạm nội quy, vi phạm pháp luật. Trong số những đối tượng Trại giam Gia Trung đã và đang quản lý, cải tạo, giam giữ có các đối tượng thuộc loại “nổi tiếng”, cộm cán, như: Lũng “đầu bò”, Tin “Pales”, Cấn Thị Thêu…

Có những thời điểm, Trại quản lý từ 3.200 đến 3.500 phạm nhân, như trong giai đoạn từ năm 2005 đến 2014. Trong đó, số lượng phạm nhân thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm tỷ lệ trên 63%; trên 1.000 phạm nhân có tiền án, tiền sự; trong đó có những phạm nhân có đến trên 10 tiền án và gần 100 phạm nhân bị nhiễm HIV/AIDS. Hầu hết phạm nhân khi vào trại đều có diễn biên hết sức phức tạp, thủ đoạn chống phá tinh vi, xảo quyệt, manh động, liễu lĩnh.

Nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả công tác quản lý, giam giữ, giáo dục cải tạo phạm nhân, Đảng ủy, lãnh đạo đơn vị và các cán bộ chiến sĩ, thường xuyên quan tâm làm tốt công tác giáo dục, cảm hóa với các phạm nhân bằng tinh thần trách nhiệm, nhân ái của người quản giáo. Điều kiện sinh hoạt Trại ở vùng rừng núi có khí hậu khá khắc nghiệt; có thời điểm nắng hạn kéo dài, có khi mưa lũ, tố, lốc, lụt, dịch bệnh… CBCS Trại luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm khắc phục khó khăn, gian khổ.

Trại giam Gia Trung nhiều năm liền được đánh giá là một trong những đơn vị dẫn đầu, có nhiều hình thức, biện pháp sáng tạo trong công tác quản lý, giáo dục và cải tạo phạm nhân. Nhiều cách làm hay, sáng tạo đã được lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp khảo sát, đánh giá cao và tổ chức cho nhiều đơn vị trại giam trong cả nước đến tìm hiểu, học tập và vận dụng, đến nay đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Điển hình như, từ cuối năm 2011, Trại đã cho cải tiến, lắp đặt toàn bộ hệ thống đường dây điện thắp sáng từ trong nhà giam cho đến ngoài phân khu trại giam của tất cả 4 phân trại theo bản mẫu thiết kế. Hiệu quả đến nay, vừa tiết kiệm được nguồn tiêu hao năng lượng điện, phòng ngừa cháy nổ vừa ngăn chặn triệt để tình trạng phạm nhân cất giấu sử dụng ĐTDĐ, ma túy trong trại giam; nung các vật dụng làm công cụ, gây mất an toàn, trật tự và ngăn chặn được nhiều âm mưu, thủ đoạn chống, phá, trốn trại của phạm nhân.

Nhiều năm qua, đơn vị đã tổ chức hàng nghìn lớp khai thác phạm nhân, thu thập được hàng nghìn nguồn tin có giá trị phục vụ cho công tác đấu tranh triệt phá các băng ổ nhóm tội phạm; trong đó có nguồn tin liên quan đến hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy của các đối tượng, như vụ Dương Nguyễn Thụy Long, Dương Nguyễn Thụy Ngọc Hạnh, Đỗ Nguỵên Tâm, Lưu Tấn Kiệt ở TP. Pleiku, Gia Lai cấu kết với tên Trần Quyền Sáng ở TP.HCM. Kết quả, cơ quan CSĐT công an hai tỉnh, thành kết hợp lập chuyên án xác minh, điều tra, bắt được các tên Long, Sáng cùng đồng bọn, xử lý hình sự về tội mua bán, vận chuyến trái phép chất ma túy.

Đặc biệt, qua mở lớp khai thác có phạm nhân Nguyễn Văn Thắng (SN 1989, trú huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum; can tội, giết người, trốn khỏi nơi giam; án phạt tù: chung thân) đã khai nhận ngoài các vụ án trên, Thắng còn thực hiện hành vi giết người chôn xác trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Trại đã kịp thời báo cáo và cung cấp tài liệu cho cơ quan CSĐT công an tỉnh Kon Tum, tiến hành điều tra, phá án… Ngoài ra, đơn vị đã phối hợp, hỗ trợ cho lực lượng công an các cấp thực hiện nhiều đợt tấn công, truy bắt hàng trăm đối tượng theo FULRO và Tà đạo Hà Mòn. Trại cũng thường xuyên tổ chức các phong trào thi đua “ Khát vọng hoàn lương”, “Niềm tin hướng thiện”, tổ chức phạm nhân viết thư với chủ đề “Gửi lời xin lỗi”. Nhiều phạm nhân đã tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào, khuyến khích phạm nhân thi đua học tập cải tạo tiến bộ.

Mỗi năm trại tổ chức cho hàng nghìn lượt phạm nhân được học nghề, truyền nghề, như: đan lát, thợ cơ khí, thợ xây, thợ mộc, làm chén hứng mủ cao su… nhằm trang bị cho phạm nhân có một nghề thành thạo, chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc tái hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, Trại luôn quan tâm tổ chức làm tốt công tác tư vấn, định hướng, khảo sát nhu cầu học nghề và tìm kiếm việc làm của phạm nhân; liên hệ với nhiều công ty, giới thiệu những phạm nhân hết án ra trại có nhu cầu về việc làm, được các công ty, doanh nghiệp tiếp nhận…

Đến nay, đơn vị đã kết nghĩa “anh em” với 11 bản làng người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn 4 xã xung quanh đơn vị; thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động bà con không nghe theo lời xúi giục, kích động của bọn phản động, lợi dụng dân tộc, tôn giáo để xuyên tạc chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; hướng dẫn cho bà con trong việc định canh, định cư, làm ăn sinh sống, xây dựng bản làng văn hóa. Đảng uỷ, Ban Giám thị luôn tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các phân trại, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ thực hiện tốt các mặt công tác Dân vận trên địa bàn; tham gia hiến máu hỗ trợ cộng đồng; vận động xây tặng 13 ngôi nhà nhà Đại đoàn kết, 1 trường Mầm non… tạo điều kiện cho các hộ dân, thầy cô giáo và các em học sinh có môi trường học tập, sinh hoạt tốt.

Đại tá Nguyễn Đình Ba – Giám thị Trại giam Gia Trung cho biết, hơn 40 năm qua, Đảng uỷ, Ban Giám thị Trại giam Gia Trung các thời kỳ luôn tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phong trào toàn đơn vị tham gia bảo vệ An ninh Tổ quốc, thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng đơn vị trong sạch vững mạnh, gắn với việc xây dựng địa bàn có thế trận an ninh nhân dân vững chắc.

Với những thành tích xuất sắc trong việc hoàn thành những nhiệm vụ chính trị được giao, 42 năm qua, nhiều năm liền Trại giam Gia Trung là Đơn vị quyết thắng, nhận được Cờ thi đua của Bộ Công an, Chính phủ; nhận được nhiều Huân, huy chương quý giá; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, vào các năm 2006 và 2016, Trại giam Gia Trung đã 2 lần vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Bình luận (0)

Lên đầu trang