Khai thác bauxite chui ở Malaysia để lại nhiều hệ lụy môi trường

Thứ Tư, 23/12/2015 16:09

|

(CAO) Hôm 23-12, AFP đăng bài viết nhan đề “khai thác bauxite ở Malaysia mang lại thịnh vượng và cả những lo lắng”. Bài viết đã phản ánh một phần hoạt động khai thác các mỏ quặng bauxite ở nước này đem đến nỗi bất an về môi trường cho người dân.

Trong bài viết, tác giả đã đến gặp nông dân trồng cọ người Malaysia Surin Beris. Năm nay 67 tuổi, Beris tiếp phóng viên khi ông đang đứng trước mảnh đất trước đây trồng cọ, nay đã được san phẳng để những chiếc xe ủi đất xới lên “giải phóng lớp bụi đỏ gây ô nhiễm tiềm tàng cho môi trường”.

Vận may đến với Beris khi bang Pahang bất ngờ trở thành “tâm điểm” khai thác lượng bauxite dồi dào ẩn dưới lớp đất của bang này. Nhu cầu bauxite tăng cao khi ngành công nghiệp sản xuất nhôm bùng nổ tại Trung Quốc trong những năm gần đây. 

Surin Beris đã san phẳng diện tích đất nông nghiệp của mình để khai thác bauxite- Ảnh: AFP

Trước đó, Surin Beris chỉ kiếm được 2.000 ringgit (470 USD)/ tháng khi làm nông nghiệp. Nay thì gió đã đổi chiều. “Chỉ trong vòng 6 tháng tôi đã kiếm được 1 triệu ringgit. Thật tôi phải cảm ơn Thượng đế".

“Cơn sốt” bauxite xuất hiện ở Malaysia khi nước láng giềng Indonesia- một nhà xuất khẩu bauxite hàng đầu vào tháng 1- 2014 đã cấm xuất khẩu quặng thô khi Luật Than và Khoáng sản được quốc hội nước này thông qua từ năm 2009 chính thức có hiệu lực.

Do đó, hiện nay các doanh nghiệp khai khoáng tại Indonesia chỉ được xuất khẩu sau khi đã tinh luyện quặng ở các cơ sở trong nước. Quyết định này của Jakarta đã đẩy Trung Quốc vào “một cuộc khủng hoảng” do thiếu nguồn cung cấp. 

Vị trí bang Pahang- Malaysia (Màu đỏ), điểm nóng khai thác bauxite - Ảnh: Wikipedia

Ngay lập tức Malaysia đã nhảy vào. Số người khai thác khoáng sản gia tăng mạnh, trong đó có những người khai thác bất hợp pháp như Surin. Theo số liệu gần đây của chính phủ Malaysia, sản lượng bauxite của nước này tăng gấp 4 lần, đến năm 2014 đã đạt 963.000 tấn.

Không thở được vì bụi đỏ

Các nhà hoạt động cảnh báo những khu mỏ khai thác chui kim loại, đặc biệt là bauxite với những quy chuẩn an toàn bị phớt lờ sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Khai thác bauxite có thể giải phóng ra môi trường những kim loại nặng gây ung thư như strontium, caesium và các chất độc hại khác.Mỏ bauxite thường nằm ngay dưới lớp đất bề mặt, việc khai thác không chuyên nghiệp có thể làm mất đi lớp đất mặt và để lại những hố khai thác sâu hoắm.

Tại bang Pahang- nơi các khu rừng nhiệt đới bao phủ xung quanh, nay bụi đỏ từ hoạt động khai thác bauxite cuộn lên quanh các hố khai thác và dọc theo tuyến đường mà những đoàn xe tải chở bauxite về phía cảng Kuantan trông ra Biển Đông, để từ đây xuất sang Trung Quốc.

Bauxite thường nằm ngay dưới bề mặt, khai thác liên quan đến việc tước lớp đất mặt, để lại hố tiếp xúc.

Các nhà hoạt động lo sợ các kim loại nặng thải ra từ hoạt động khai thác bauxite có thể thâm nhập vào nguồn nước hoặc chuỗi thức ăn gây ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng. 

Hoạt động khai thác bauxite ở Pahang khiến khắp nơi chìm trong bụi đỏ - Ảnh: AFP

Những nhà hoạt động môi trường cho biết những con sông địa phương và các bờ biển gần khu cảng Kuantan, nước nhuộm một màu đỏ do hoạt động xả thải từ quá trình khai thác bauxite. Người dân địa phương liên tục phàn nàn về các triệu chứng của bệnh hô hấp và phát ban trên da.

AFP dẫn lời Manap Muda- trưởng làng gần Kuantan tức giận: “cháu gái 4 tuổi của tôi đang đau đớn vì không thể thở được. Chúng tôi phải hít bụi đỏ mỗi ngày”. Cô cám cảnh : “chính quyền đã nhắm mắt làm ngơ”.

Fuziah Salleh- một nghị sĩ đối lập trong quốc hội Malaysia nhận định: “ chính lỗ hổng pháp lý đã tạo điều kiện cho các chủ đất khai thác mà không cần sự cho phép của chính quyền. Nhiều người đã chiếm đất vì lợi nhuận”.

Chính quyền làm ngơ

Wan Junaidi Tuanku Jaafar- Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa cho phóng viên AFP một bản báo cáo môi trường thể hiện “nồng độ cao” của các chất hóa học độc hại được tìm thấy trong các mẫu nước lấy xét nghiệm vào tháng 8 từ sông Pengorak, gần khu vực khai thác bauxite ở Kuantan.

Tuanku Jaafar thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn: “phát hiện của chúng tôi cho thấy có nhôm, asen, thủy ngân, mangan trong nước. Hoạt động khai thác mỏ khiến chất lượng nước tồi tệ”.

Bản báo cáo môi trường ghi rõ: “dòng sông không còn thích hợp để uống, tưới tiêu, bơi lội hoặc đánh bắt cá”.

Tuy nhiên, Mohamad Soffi Abdul Razak- chủ tịch Ủy ban Môi trường của chính quyền bang Pahang đã bác bỏ những lo ngại về sức khỏe và môi trường. “Cơn sốt bauxite đang tạo ra công ăn việc làm. Pahang đang được Thượng Đế ban phước”- Abdul Razak nói với AFP.

Những đoàn xe chở bauxite ra vào tấp nập - Ảnh: AFP 

Còn Bộ trưởng Wan Junaidi thì hứa rằng trong thời gian tới chính phủ sẽ áp dụng các biện pháp bền vững hơn để ngăn chặn quá trình phóng thích các yếu tố gây nguy hiểm trong quá trình khai thác mỏ ra môi trường.

Trưởng làng Manap Muda chán nản nói với AFP: “Tôi đã khiếu nại lên chính quyền nhưng nạn tham nhũng khiến những mỏ khai thác bauxite chui vẫn tồn tại”.

"Chúng ta không nên đùa giỡn với đời sống của con người”- Manap Muda cảnh báo. Muda nhấn mạnh: “ những thiệt hại về môi trường là không thể đảo ngược”.

Bauxite là một loại quặng nhôm trầm tích có màu hồng, nâu được hình thành từ quá trình phong hóa các đá giàu nhôm hoặc tích tụ từ các quặng có trước bởi quá trình xói mòn.

Quặng bô xít phân bố chủ yếu trong vành đai xung quanh xích đạo đặc biệt trong môi trường nhiệt đới. Từ bauxite có thể tách ra alumina (Al203), nguyên liệu chính để luyện nhôm trong các lò điện phân, chiếm 95% lượng bauxite được khai thác trên thế giới.

                                                                                                                                                                                  Nguồn: Wikipedia

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang