(CATP) Chó dữ cắn chết người đã trở thành những câu chuyện đau lòng ở nhiều quốc gia. Đến nay, thảm kịch do loài này này gây ra đã và đang làm xã hội bàng hoàng, phẫn nộ. Với rất nhiều người, Pitbull, Bull Terrier, Dingo... đã trở thành nỗi kinh hoàng mỗi khi nhắc tới. Trên thực tế, những giống chó này từng gây ra rất nhiều vụ việc thương tâm, dẫn tới hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, tinh thần, cần có quy định nghiêm khắc, phù hợp để bảo vệ con người. Khi bi kịch xảy ra, nỗi đau ập đến, sự ám ảnh sẽ theo đến suốt đời.
Chịu án oan giết con nhiều năm trong tù, đến khi được trả tự do, người phụ nữ ấy đã kêu gọi Chính phủ Australia kiểm soát nghiêm ngặt loài chó hoang đã cướp đi mạng sống con gái mới 10 tuần tuổi của mình khiến suốt đời bà không thể quên được nỗi ám ảnh...
Buổi cắm trại định mệnh
Ngày 16/8/1980, Michael Chamberlain cùng vợ là Lindy và 3 con tới Ayers Rock - nơi có khối sa thạch đỏ được UNESCO công nhận di sản thế giới ở miền Trung Australia cắm trại, do khung cảnh đẹp, nhiều hồ nước...
Đến tối, một số gia đình tụ tập quanh các đống lửa, tổ chức bữa tiệc nướng ngoài trời, quanh đó các con chó hoang Dingo lượn lờ, lục lọi các đống rác và chờ được khách cắm trại ném cho những miếng xương ăn dở.
Càng về khuya, trời càng lạnh nên Lindy dắt 2 con trai 6 và 4 tuổi đồng thời bế con gái nhỏ Azaria vào lều dỗ các bé ngủ, sau đó quay ra tiếp tục cuộc vui. Vài phút sau, nghe tiếng khóc thét từ chiếc lều có 3 đứa trẻ vọng ra, Lindy vội vàng chạy đến và bàng hoàng thốt lên: "Trời ơi, chó Dingo tha mất con tôi rồi!". Lúc ấy, 2 cậu bé vẻ ngái ngủ, ngẩn người cạnh chiếc nôi trống của cô em gái.
Khi cảnh sát (CS) đến hiện trường, trong lều vẫn còn dấu máu. Hàng trăm người (cả CS, du khách lẫn dân địa phương) lia đen pin mò mẫm trong đêm với hy vọng có thể tìm thấy đứa trẻ tội nghiệp.
Theo phía CS, trong khu vực từng ghi nhận nhiều vụ tấn công của chó Dingo nhắm vào trẻ em. Đây là loài chó hoang cỡ trung bình, từ 10 - 15kg hoặc có thể hơn, vì thế khi thực nghiệm điều tra, giả thuyết cô bé nặng khoảng 5kg bị loài chó này bắt đi không đủ sức thuyết phục. Những lời kể của người mẹ được kiểm tra về độ chính xác để làm rõ nguyên nhân.
Vợ chồng Lindy - Michael đến tòa
Sự việc khiến dư luận xôn xao cho đến hơn 1 tuần sau, có du khách dạo chơi trong khu vực, khi đến khe nước thuộc Ayers Rock, anh phát hiện chiếc tã rách và bộ áo liền quần của trẻ em bị rách gần 1 tảng đá nên đã báo cơ quan điều tra.
Giám định pháp y về những vết rách trên bộ quần áo trẻ tại hiện trường được tiến hành kỹ lưỡng. Các con chó Dingo bị bắn chết ở vùng Ayers Rock cũng được mổ xẻ để tìm xương người.
Dựa trên những bức ảnh chụp bộ áo liền quần bằng tia cực tím được xác định trùng với mẫu tóc và máu của bé Azaria, một bác sĩ cáo buộc có vết rạch quanh cổ với dấu tay con người. Đến đây, mọi nghi vấn dồn về vợ chồng Michael - Lindy. Do bố của nạn nhân là mục sư nên người dân địa phương nghi hai vợ chồng đã giết con theo nghi lễ "hiến tế" liên quan đến tôn giáo. Ngày 19/9/1981, khi CS khám nhà của gia đình Michael đã "tìm thấy vết máu được lau chùi kỹ trên các vật dụng trong nhà”.
Mặc cho hai vợ chồng giải thích họ từng chở một người bị thương đi nhờ về nhà vài tháng trước, nhưng CS vẫn cáo buộc Lindy đưa con gái từ khu cắm trại về rồi sát hại cô bé trong ôtô và Michael là đồng phạm. Theo các du khách tham gia buổi cắm trại định mệnh, Lindy dắt các con vào lều ngủ và quay ra chỉ sau vài phút, không thể thực hiện vụ án mạng như cáo buộc. Ngay cả người bị thương đi nhờ xe của hai vợ chồng cũng ra tòa đối chất về vết máu tìm thấy trong nhà ân nhân, nhưng chứng cứ này không được công nhận.
Bằng chứng buộc tội không thuyết phục
Tại phòng xử án chật cứng người dự khán hôm 13/9/1982, căn cứ vào lời khai của 1 nhân chứng rằng Michael - Lindy đã rời khỏi đêm trại khá lâu, công tố viên buộc tội họ "đi chôn cất đứa trẻ tội nghiệp sau khi gây án". Giáo sư pháp y kết luận trên quần áo của Azaria chụp trong phòng thí nghiệm cũng có hình ảnh "ngón tay trỏ 4 đốt có dính máu", nhưng trên thực tế, bàn tay của hai vợ chồng không có ngón nào 4 đốt... khiến vụ tố tụng trở thành sự kiện được người dân quan tâm nhất năm trên các phương tiện truyền thông Australia.
Ngày 29/10/1982, tòa phán quyết Lindy nhận án chung thân, chồng cô được hưởng án treo. Hai lần kháng cáo sau đó của cô đều không thành. Điều đáng nói là, trong lúc người mẹ thụ án về tội giết con thì vết máu trong nhà được chứng minh chỉ là vết sơn và bằng chứng quyết định đến vào tháng 1/1986, khi CS điều tra vụ 1 thanh niên tự sát gần Ayers Rock đã tìm thấy chiếc áo khoác mất tích của Azaria gần miệng 1 hang chó Dingo.
Sau khi hàng trăm lá đơn kiến nghị được gửi đi, kêu gọi trả tự do cho Lindy, ngày 7/2/1986 Bộ trưởng Tư pháp Australia đã ký lệnh thả Lindy, yêu cầu điều tra lại vụ án.
Hơn 1 năm sau, thẩm phán đưa ra báo cáo dài gần 400 trang chỉ trích các kỹ thuật điều tra của CS và các nhân chứng trong phiên tòa. Ngày 15/9/1988, tòa phúc thẩm tuyên hủy bỏ bản án đối với Lindy và chồng cô. Bốn năm sau, chính quyền bồi thường cho người mẹ tội nghiệp 1,3 triệu AUD vì bỏ tù oan. Mãi đến đầu năm 2012, cuộc điều tra liên quan đến cái chết của bé Azaria được mở lại. Lúc này, sau khi xem xét những bằng chứng mới liên quan, CS đã chính thức kết luận chó Dingo là thủ phạm sát hại bé Azaria.
Vẫn chưa thể nguôi ngoai sau nỗi đau mất con trong khi bản thân lâm cảnh tù tội, người mẹ hy vọng cái chết của con gái mình sẽ thuyết phục người dân Australia tin rằng Dingo là một trong số loài chó nguy hiểm, cần có biện pháp ngăn chặn những hành vi hung hăng ngoài tầm kiểm soát của chúng.
(Còn tiếp...)
NGUYỄN XUÂN (Theo Toutiao, News Limited)