Ấn Độ tập trận tàu sân bay kép giữa căng thẳng gia tăng với Trung Quốc

Thứ Sáu, 16/06/2023 11:24  | Anh Duy

|

​(CAO) Hai hàng không mẫu hạm của Ấn Độ đã dẫn đầu các nhóm tàu chiến đấu của họ trong một hoạt động tập trận phối hợp ở Biển Ả Rập vào đầu tuần này, phô diễn “năng lực hàng hải đáng gờm” và khả năng triển khai sức mạnh xung quanh Ấn Độ Dương và xa hơn nữa.

Các nhà phân tích nói rằng đó là một thành tựu lớn và là thành tích mà chỉ Hải quân Mỹ mới đạt được gần đây.

“Đây không phải là một thành tích nhỏ và nhấn mạnh rằng Hải quân Ấn Độ là một trong số rất ít lực lượng trên thế giới có thể vận hành nhiều hơn một tàu sân bay” - Nick Childs, thành viên cấp cao về lực lượng hải quân và an ninh hàng hải tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế cho biết.

Hai tàu sân bay INS Vikramaditya và INS Vikrant dẫn đầu cuộc tập trận với hơn 35 máy bay cùng một loạt tàu nổi và tàu ngầm, theo thông cáo báo chí của Hải quân Ấn Độ.

“Việc thể hiện thành công các hoạt động của nhóm tác chiến hai tàu sân bay là minh chứng cho vai trò then chốt của sức mạnh không quân trên biển trong việc duy trì ưu thế trên biển” - thông cáo viết.

Ấn Độ đã có khả năng hoạt động với hai tàu sân bay khi Vikrant trị giá 3 tỷ USD, tàu sân bay đầu tiên được chế tạo trong nước của Ấn Độ, được đưa vào hoạt động tháng 9 năm ngoái, cùng với Vikramaditya, được mua từ Nga và đi vào hoạt động năm 2013.

Các nhà phân tích cho biết, trong khi cả Trung Quốc và Anh đều có nhiều hơn một tàu sân bay trong hạm đội hiện đại của họ, thì cả hai vẫn chưa thực hiện các hoạt động song hành với tàu sân bay.

Hai chiếc tàu sân bay của Ấn Độ - INS Vikramaditya và INS Vikrant tập trận chung trên Biển Ả Rập - Ảnh: Hải quân Ấn Độ

Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho biết lịch sử hải quân của Ấn Độ có thể đưa nước này vượt lên trên Trung Quốc, nước có lực lượng Hải quân lớn nhất thế giới, trong môi trường hoạt động hiện tại của tàu sân bay.

“Hải quân Ấn Độ đã có kinh nghiệm và chuyên môn hàng thập kỷ trong các hoạt động tác chiến với tàu sân bay và đây có lẽ là lợi thế chính mà họ sở hữu so với Hải quân Trung Quốc, đối thủ chính của họ trong lĩnh vực này, bất chấp bước tiến tương đối của lực lượng này trong chương trình tàu sân bay bản địa” – chuyên gia Koh nhận định.

Trung Quốc có hai hàng không mẫu hạm đang hoạt động, chiếc Liêu Ninh do Liên Xô chế tạo và chiếc Sơn Đông chế tạo trong nước, trong khi chiếc hàng không mẫu hạm thứ ba, chiếc Phúc Kiến, đã được hạ thủy nhưng chưa được đưa vào hoạt động.

Nhà phân tích Carl Schuster có trụ sở tại Hawaii, cựu thuyền trưởng Hải quân Mỹ cho biết các hoạt động của tàu sân bay kép của Ấn Độ trong tuần này cho thấy "sự trẻ hóa của Hải quân Ấn Độ".

Ấn Độ đưa vào hoạt động tàu sân bay đầu tiên vào năm 1961 và thêm chiếc thứ hai vào năm 1987. Nước này đã vận hành hai tàu sân bay trong hai lần trước đó, từ năm 1987 đến 1997 và từ năm 2013 đến 2017.

Đội hình nhóm tàu tác chiến do 2 tàu sân bay của Ấn Độ dẫn đầu - Ảnh: Hải quân Ấn Độ 

Schuster nói: “Nên nhớ rằng Hải quân Ấn Độ luôn là một lực lượng được đào tạo bài bản, kỷ luật chặt chẽ và rất thành thạo”.

Thông cáo báo chí của Hải quân Ấn Độ gọi các tàu sân bay là “sân bay nổi có chủ quyền”, đồng thời nói thêm rằng “chúng mang đến cho bạn bè của chúng tôi sự đảm bảo rằng Hải quân Ấn Độ có khả năng và sẵn sàng hỗ trợ các nhu cầu an ninh ‘tập thể’ của chúng tôi trong khu vực”.

Các lực lượng của New Delhi đã và đang đẩy mạnh hợp tác với hải quân các nước khác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm cả những nước trong quan hệ đối tác không chính thức thuộc nhóm Bộ Tứ gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc trong cuộc tập trận hải quân hàng năm Malabar.

Bình luận (0)

Lên đầu trang