(CAO) Hôm 27-4, Reuters đưa tin Mỹ sẽ điều tới Hàn Quốc một tàu ngầm tàng hình, cũng là lần đầu tiên kể từ năm 1981.
Nhưng động thái này bị các chuyên gia quân sự quốc tế hoài nghi về khả năng tàu ngầm này có khả năng tấn công mục tiêu từ khoảng cách cách xa hàng ngàn dặm, trong khi việc công khai này có thể làm tổn hại đến hiệu quả của một loại vũ khí được thiết kế để tàng hình.
Hải quân Mỹ hiện có 14 tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) lớp Ohio, với 8 chiếc đóng tại bang Washington và 6 chiếc đóng tại bang Georgia.
Các tàu ngầm có lượng choán nước hơn 18.000 tấn khi lặn và mỗi chiếc được cung cấp năng lượng bởi một lò phản ứng hạt nhân.
Hải quân cho biết một tàu ngầm lớp Ohio được thiết kế để hoạt động trên biển trung bình 77 ngày, sau đó là 35 ngày ở cảng để bảo dưỡng. Mỗi tàu ngầm có hai thủy thủ đoàn - được mệnh danh là thủy thủ đoàn "xanh" và "vàng" - và những thủy thủ này được luân chuyển trong số 155 thủy thủ đoàn để được nghỉ ngơi và huấn luyện thích hợp giữa các chuyến tuần tra.
Mỗi tàu ngầm lớp Ohio mang tối đa 20 tên lửa đạn đạo Trident II.
Chúng có tầm bắn 4.600 dặm (7.400 km), có khả năng vươn tới mục tiêu ở Triều Tiên từ những vùng nước rộng lớn của Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương hoặc Bắc Băng Dương.
Tàu ngầm lớp Ohio của Mỹ - Ảnh: Reuters
Blake Herzinger, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ cho biết: “Về mặt quân sự, (những chiếc tàu ngầm này) không cần phải ở gần Triều Tiên để tiếp cận các mục tiêu tiềm năng ở đó”.
Mỗi tên lửa Trident có khả năng mang nhiều đầu đạn có thể hướng tới các mục tiêu riêng biệt.
Sáng kiến Đe dọa Hạt nhân tại Trung tâm Nghiên cứu không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin ước tính rằng mỗi tên lửa Trident có thể mang 4 đầu đạn hạt nhân, nghĩa là mỗi tàu ngầm tên lửa đạn đạo của Mỹ có thể mang khoảng 80 đầu đạn hạt nhân.
Các nhà phân tích cho rằng sự hiện diện của một tàu ngầm tên lửa đạn đạo của Hải quân Mỹ tại một cảng của Hàn Quốc sẽ hoàn toàn mang tính biểu tượng - và trên thực tế sẽ làm giảm giá trị quân sự của tàu ngầm.
“Về mặt chiến thuật, (Mỹ và Hàn Quốc) đang làm giảm sức mạnh của tàu ngầm - khả năng tàng hình của nó”, Carl Schuster, cựu thuyền trưởng Hải quân Mỹ và là cựu giám đốc hoạt động tại Trung tâm Tình báo chung của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ ở Hawaii nói.
Như vậy, một trong những chìa khóa để răn đe hạt nhân là sự không chắc chắn.
“Răn đe hạt nhân đòi hỏi rằng, mặc dù đối thủ biết về sự tồn tại và quy mô vũ khí hạt nhân của quốc gia đó, nhưng họ không thể biết chính xác mức độ hoặc vị trí của các khả năng hoặc khi nào chúng có thể được sử dụng” - Trung tá Hải quân Mỹ - Daniel Post đã viết trên tạp chí Kỷ yếu của Viện Hải quân Mỹ vào tháng 1.
Các nhà phân tích cho biết, Mỹ muốn trấn an một trong những đồng minh quan trọng nhất của mình rằng luôn ủng hộ họ.
Kim Jung-sup, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu quốc phòng của Viện Sejong ở Seoul, cho biết tàu ngầm chỉ đóng vai trò quan trọng và tăng thêm uy tín cho Mỹ.
“Tất nhiên, chúng là những loại vũ khí khác nhau, nhưng tôi không nghĩ có sự khác biệt cơ bản trong thực tế rằng chúng là những tài sản chiến lược, về cơ bản sẽ gửi đi thông điệp trả đũa hạt nhân đối với Triều Tiên” - ông Kim cho hay.
Drew Thompson, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trường chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học quốc gia Singapore, cho biết: “Mục đích cơ bản của chúng là để răn đe và trấn an. Vũ khí chiến lược như tàu ngầm tên lửa đạn đạo và tải trọng của nó không nhằm mục đích sử dụng”.