Lãnh đạo Mỹ - Anh – Úc gặp nhau để triển khai thoả thuận Aukus

Thứ Ba, 14/03/2023 12:49  | Anh Duy

|

​(CAO) Các nhà lãnh đạo của Mỹ, Anh và Úc đã tiết lộ những chi tiết mới về kế hoạch thành lập một hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân thế hệ tiếp theo.

Theo thỏa thuận Aukus, trước tiên Úc sẽ nhận ít nhất 3 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân từ Mỹ.

Các đồng minh cũng sẽ làm việc cùng nhau để tạo ra một hạm đội mới sử dụng công nghệ tiên tiến, bao gồm các lò phản ứng do Rolls-Royce sản xuất tại Anh.

Hiệp ước này nhằm đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Phát biểu với các nhà lãnh đạo khác tại San Diego, California, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh rằng các tàu này sẽ không mang vũ khí hạt nhân và sẽ không gây nguy hiểm cho cam kết trở thành một quốc gia không có vũ khí hạt nhân của Úc.

Theo thỏa thuận được vạch ra vào ngày 13-3, các thành viên của Hải quân Hoàng gia Úc (RAN) sẽ được triển khai tại các căn cứ tàu ngầm của Mỹ và Anh từ năm nay để học các kỹ năng cần thiết để sử dụng tàu ngầm.

Từ năm 2027, Mỹ và Anh sẽ triển khai một số lượng nhỏ tàu ngầm hạt nhân tại căn cứ RAN ở Perth, Tây Úc, trước khi Úc mua ba tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ vào đầu những năm 2030 - với các tùy chọn mua thêm hai chiếc nữa.

Sau đó, kế hoạch tiếp theo là thiết kế và chế tạo một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân hoàn toàn mới cho hải quân Anh và Úc, được gọi là SSN-AUKUS.

Tàu tấn công này sẽ được chế tạo ở Anh và Úc theo thiết kế của Anh, nhưng sử dụng công nghệ của cả ba nước.

Những chiếc tàu tạm thời và trong tương lai sẽ giúp các tàu ngầm Úc có thể di chuyển xa hơn và nhanh hơn so với hạm đội hiện có của nước này, với tên lửa hành trình có thể tấn công các mục tiêu trên đất liền và trên biển.

Tổng thống Biden cho biết cả ba quốc gia đều cam kết đảm bảo rằng khu vực này sẽ vẫn tự do và mở.

Lãnh đạo ba nước gặp nhau tại California để triển khai Aukus 

Ông nhấn mạnh: “Củng cố mối quan hệ đối tác mới này, chúng ta đang chứng minh một lần nữa rằng các nền dân chủ có thể mang lại an ninh và thịnh vượng cho chính chúng ta như thế nào... không chỉ cho chúng ta mà còn cho toàn thế giới”.

Là một phần của thông báo hôm 13-3, Mỹ cũng đã cam kết chi tổng cộng 4,6 tỷ đô la (3,7 tỷ bảng Anh) trong vài năm tới để xây dựng năng lực đóng tàu ngầm và cải thiện việc bảo trì các tàu ngầm lớp Virginia.

Thủ tướng Anthony Albanese của Úc cho biết kế hoạch tàu ngầm sẽ tạo ra hàng nghìn việc làm mới và đánh dấu "khoản đầu tư lớn nhất vào khả năng phòng thủ của Úc trong lịch sử nước này".

Ông Albanese nói: “Đây sẽ là một khả năng thuộc chủ quyền của Úc, do hải quân hoàng gia Úc chỉ huy và – được duy trì bởi các công nhân Úc tại các xưởng đóng tàu của Úc với việc xây dựng sẽ bắt đầu trong thập kỷ này”.

Ông cũng lưu ý rằng thỏa thuận này đánh dấu lần đầu tiên sau 65 năm và là lần thứ hai trong lịch sử Mỹ chia sẻ công nghệ đẩy bằng hạt nhân của mình.

Thủ tướng Vương quốc Anh Sunak cho biết trong 18 tháng kể từ khi hiệp ước được công bố, những thách thức đối với sự ổn định toàn cầu ngày càng tăng.

Là một phần trong chuyến thăm Mỹ, ông Sunak cũng đã cam kết tăng chi tiêu quốc phòng gần 5 tỷ bảng Anh (6 tỷ USD) trong hai năm tới.

Hiệp ước đã nhiều lần vấp phải sự chỉ trích từ Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Mao Ning, tuần trước đã nhắc lại quan điểm của Bắc Kinh rằng hiệp ước này có nguy cơ tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang và "phá hoại hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương".

Người phát ngôn nhấn mạnh: “Chúng tôi kêu gọi Hoa Kỳ, Anh và Australia từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh và trò chơi có tổng bằng không, trung thực trong thực hiện các nghĩa vụ quốc tế của mình và làm nhiều hơn nữa để đóng góp cho hòa bình và ổn định khu vực”.

Đề cập đến mối lo ngại về việc phương Tây tăng cường hiện diện quân sự ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan khẳng định Washington không có ý định thành lập một liên minh mới kiểu NATO.

Mặc dù cả ba nhà lãnh đạo đều muốn nhấn mạnh rằng thỏa thuận này sẽ củng cố sự hợp tác của họ và đóng góp vào sự ổn định toàn cầu như thế nào, nhưng nó cũng không tránh khỏi những hậu quả chính trị.

Năm 2021, Úc hủy bỏ thỏa thuận sản xuất tàu ngầm với Pháp để ủng hộ thỏa thuận ba bên - gây rạn nứt chính trị với Paris.

Bình luận (0)

Lên đầu trang