(CAO) Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden được hỏi liệu ông có nới lỏng các quy định đối với việc Ukraine gia nhập tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hay không, ông thẳng thừng nói “không”.
"Không!. Bởi vì họ phải đáp ứng các tiêu chuẩn giống nhau. Vì vậy, tôi sẽ không làm cho việc gia nhập NATO dễ dàng hơn” - ông nói với các phóng viên hôm 17-6 trước khi khởi hành đến Philadelphia để tham gia chiến dịch tranh cử tổng thống chính thức đầu tiên của mình.
“Tôi nghĩ họ đã làm mọi thứ liên quan đến việc thể hiện khả năng phối hợp quân sự, nhưng có một vấn đề là hệ thống của họ có an toàn không? Có tham nhũng không? Có đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn mà mọi người, mọi quốc gia khác trong NATO đưa ra hay không? Tôi nghĩ rằng họ có thể. Nhưng nó không phải dễ dàng đạt được” - ông nói.
CNN trước đây đã đưa tin rằng, Biden và nhóm của ông đang trong cuộc thảo luận gay cấn với các thành viên NATO về cách thức và thời điểm Ukraine có thể tham gia – một cuộc tranh luận có thể làm lộ ra những căng thẳng trong liên minh trước hội nghị thượng đỉnh quan trọng vào tháng tới ở Vilnius, Litva.
CNN hôm 17-6 dẫn một nguồn thạo tin cho biết, Biden cảm thấy thoải mái với việc loại bỏ một trong những rào cản để Ukraine gia nhập NATO. Theo nguồn tin này, Biden sẽ sẵn sàng từ bỏ Kế hoạch Hành động Tư cách thành viên (MAP) cho Ukraine, vốn được mô tả trong một thỏa thuận năm 2008 là “bước tiếp theo của Ukraine... trên con đường trở thành thành viên trực tiếp của họ”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden
MAP, được mô tả là “chương trình tư vấn, hỗ trợ thiết thực phù hợp với nhu cầu của từng quốc gia muốn gia nhập liên minh” - là một quá trình mà các quốc gia khác phải thực hiện để gia nhập NATO.
Việc loại bỏ nó sẽ thể hiện một bước nhỏ trong việc giảm bớt rào cản cho sự gia nhập của Ukraine vào liên minh phòng thủ. Nguồn tin cho biết, đây là một phần trong đề xuất của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và đã được thảo luận khi ông gặp Biden ở Washington vào đầu tuần này.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói, ông hiểu rằng đất nước của ông không thể trở thành thành viên của NATO khi vẫn còn chiến tranh.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thông tin, chính quyền Biden đang theo dõi chặt chẽ tình hình giữa Nga và Belarus khi Moscow chuyển vũ khí hạt nhân chiến thuật đến nước này. Tuy nhiên, Blinken nhấn mạnh Mỹ "không có lý do gì để điều chỉnh" tư thế hạt nhân của mình và không "thấy bất kỳ dấu hiệu nào" cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân.