(CATP) Chỉ vì con gái không chấp nhận cuộc hôn nhân do cha mẹ sắp đặt, một cặp vợ chồng Anh gốc Pakistan đã không ngần ngại xuống tay với núm ruột của mình, phi tang xác bên bờ sông và cứ ngỡ sự thật sẽ mãi bị chôn giấu. Nhưng kết quả phân tích loại côn trùng bám trên thi thể nạn nhân của các chuyên gia pháp y đã buộc họ phải thú nhận hành vi phạm tội.
Gây án "vì danh dự gia đình"
Shafilea Ahmed là một thiếu nữ Anh gốc Pakistan, với vẻ ngoài xinh đẹp, đằm thắm, đang đi học bình thường đột nhiên ngày 11/9/2003, cô bé không tới trường và kéo dài suốt 1 tuần sau đó. Vì quá lo lắng, các giáo viên đã báo cảnh sát, nhất là sau khi họ biết Shafilea từng tuyên bố mình là nạn nhân của cuộc hôn nhân do cha mẹ sắp đặt trước khi biến mất không dấu vết. Mặc dù vậy, cha mẹ của Shafilea là ông Iftikhar Ahmed (50 tuổi), bà Farzana Ahmed (47 tuổi) lại chẳng mấy quan tâm đến sự việc nghiêm trọng này và thản nhiên trả lời với vẻ vô cảm rằng rất có thể con gái mình đã bị những người kỳ thị chủng tộc hãm hại.
Cũng theo lời cha mẹ của Shafilea thì trước đó, vì muốn tiếp tục theo học ngành Luật mà mình mơ ước đồng thời để phản đối cuộc hôn nhân sắp đặt, cô bé đã bỏ về Pakistan và từng uống thuốc độc tự tử, nhưng may mắn được cứu sống. Còn lần này, họ quả quyết Shafilea đã trốn đi cùng bạn trai. Lời nói đầy phẫn nộ trong cơn giận dữ của bậc song thân khiến cơ quan điều tra chẳng mảy may nghi ngờ, cho đến khi thi thể biến dạng của Shafilea được tìm thấy bên bờ sông Kent, hạt Cumbria, Tây Bắc nước Anh giữa lúc dòi bọ và đám ruồi nhặng bâu đầy vào tháng 02/2004.
Cảm thấy nghi ngờ về những vết tích trên cơ thể Shafilea lúc này, cảnh sát lập tức mời chuyên gia pháp y Amoret Whitaker tham gia cuộc điều tra. Tìm thấy một số côn trùng trên tử thi, nhà khoa học này khẳng định nạn nhân đã chết ngay sau khi mất tích. Cuối tháng 8/2010, Cảnh sát TP.Cheshire đã thẩm vấn Alisha (22 tuổi), em gái của nạn nhân và cô này đã khai sự thật rằng cha mẹ họ có liên quan đến cái chết của chị gái. Mặc dù vậy, ông bà Iftikhar vẫn phủ nhận. Giải thích lý do không trình báo cảnh sát, ông Iftikhar nói rằng Shafilea từng bỏ nhà đi nên lần này cũng không có gì là nghiêm trọng. Từ lời khai của Alisha, đầu tháng 9/2010 cảnh sát quyết định bắt giữ hai vợ chồng để điều tra. Khám nghiệm pháp y cho thấy Shafilea chết ngạt và theo lời khai của Alisha thì chị cô bị chính cha mẹ ruột tròng chiếc túi nhựa vào đầu đồng thời giữ chặt nên không thể thở được. Năm 2012, ông Iftikhar Ahmed và bà Farzana Ahmed bị tòa tuyên mức án chung thân về tội "giết người có chủ đích".
Theo nhiều ý kiến, làn sóng của những vụ "giết người vì danh dự" xảy ra ở Ấn Độ, Pakistan... liên quan đến đẳng cấp, vị trí xã hội... Thực tế cho thấy ở một số nơi, cô dâu hoặc chú rể nào dám phản ứng cuộc hôn nhân sắp đặt sẽ bị sức ép rất lớn từ người thân hay dòng họ, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng "giết người vì danh dự" xảy ra ở một số nước.
Cảnh sát bắt giữ ông Iftikhar Ahmed và bà Farzana Ahmed - cha mẹ của Shafilea (ảnh nhỏ)
Những manh mối bất ngờ từ côn trùng
Trong nhiều trường hợp, cảnh sát thường kêu gọi sự giúp đỡ của các bác sĩ pháp y khi thi thể đã bị phân hủy trong thời gian dài và tiếp đó, bác sĩ pháp y cũng gửi số côn trùng thu thập được ở hiện trường cho các chuyên gia về lĩnh vực này nghiên cứu để xin ý kiến họ. Điều đó giúp ích rất nhiều khi cảnh sát cần giải mã những vụ án còn để ngỏ sau nhiều năm.
Một phần công việc của những nhà côn trùng học sẽ là xác định xem có những loài nào trên thi thể và đặc tính, độ tuổi của chúng, từ đó giúp họ ước tính thời điểm tử vong của nạn nhân - tình tiết quan trọng trong công tác điều tra các vụ án mạng. Ngoài ra, nghiên cứu này còn giúp nhận định xem thi thể có bị dịch chuyển để phi tang không, chôn trong nhà hay ngoài trời giữa tiết trời nóng hoặc lạnh... Đôi khi các chuyên gia pháp y có thể xét nghiệm ADN nạn nhân từ số... muỗi và kiến xung quanh hiện trường đồng thời sử dụng bằng chứng này để đưa hung thủ vào tù một cách khá thuyết phục.
Theo Chủ tịch Hội Côn trùng học Pháp y Bắc Mỹ - Tiến sĩ Jason Byrd: "Nhiều loại côn trùng là bậc thầy ngụy trang, chúng có mặt khắp nơi và có thể cung cấp cho các điều tra viên những manh mối bất ngờ một cách tình cờ để giúp phá án".
(CATP) Trước khi xuất hiện các nghiên cứu về cấu trúc ADN, nhận dạng sinh trắc học... giúp cơ quan điều tra lần ra hung thủ nhiều vụ án mạng gây rúng động dư luận, thì ngay từ thế kỷ XI vấn đề nghiên cứu về côn trùng học đã trở thành chứng tích quan trọng giúp các chuyên gia pháp y giải mã nhanh nhiều vụ án mạng tồn đọng một cách thuyết phục, mà cho đến mãi sau này vẫn được các điều tra viên vận dụng…
NGUYỄN XUÂN (theo India Today)