Hàn – Nhật lao vào tranh chấp quân sự khiến tình hình khu vực bất ổn

Thứ Hai, 28/01/2019 10:31  | Anh Duy

|

​(CAO) Hôm 28-1, CNN đưa tin Nhật Bản và Hàn Quốc, hai đồng minh của Mỹ ở khu vực Đông Bắc Á đang lao vào một cuộc tranh chấp quân sự nóng bỏng, được các chuyên gia dự báo có thể gây ảnh hưởng đến cán cân địa chính trị ở khu vực nếu cả 2 không tìm được giải pháp giải quyết vấn đề.

Căng thẳng bùng lên, bắt đầu vào ngày 20-12-2018 khi một chiếc máy bay của Nhật, được Tokyo cho biết là đang thực hiện nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo, đụng độ với một tàu khu trục của Hàn Quốc, được Seoul cho biết đang trong quá trình thực hiện một nhiệm vụ nhân đạo.

Cả hai nước đều bác bỏ thông tin diễn ra sau đó khi Nhật tố tàu khu trục của Hàn Quốc nhắm bắn máy bay Nhật với việc mở hệ thống radar tên lửa ngắm. Trong khi đó Hàn Quốc tố máy bay Nhật bay thấp, nguy hiểm phía trên radar tàu của họ.

Bất đồng gia tăng nhanh chóng đe doạ đến ổn định của khu vực. CNN dẫn lời Van Jackson, cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ chuyên nghiên cứu về châu Á-Thái Bình Dương nhận định: “Tình hình địa chính trị ở Đông Bắc Á đang bị lung lay và hiện không ổn định”.

Van Jackson nhận định thêm: “Trung Quốc đang tìm cách đẩy Mỹ ra khỏi khu vực, trong khi Triều Tiên đã sử dụng ngoại giao qua các kỳ thượng đỉnh để củng cố vị thế là một quốc gia hạt nhân, còn tương lai của Mỹ trong khu vực ít chắc chắn hơn bất kể lúc nào kể từ năm 1970”.

Một hình ảnh được Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tung ra cho thấy một máy bay Nhật bay trên một trong những tàu khu trục của Hàn Quốc - tàu Dae Joyeong - Ảnh: Bộ Quốc phòng Hàn Quốc 

Trong khi đó, quan hệ Hàn – Nhật vẫn đang trong tình trạng “cơm không lành, canh không ngọt” từ những mắc míu trong lịch sử, vào thế kỷ 20 khi Nhật đô hộ Hàn Quốc.

Sau vụ đụng độ, Hàn – Nhật đã họp bí mật để giải quyết. Nhưng màn đối đầu vẫn chưa dừng lại. Cả hai tung tiếp các đoạn video chứng minh mình đúng, tố bên kia tung thông tin đánh lừa công chúng và bóp méo sự thật.

Nhật đã tiến hành 3 chuyến bay phía trên các tàu của Hàn Quốc vào tháng này, một hành động bị Seoul lên án là “hành động khiêu khích rõ ràng” chống lại “một quốc gia đối tác”.

Ngoại trưởng hai nước đã gặp nhau bên lề Diễn đàn Kinh tế Davos ở Thuỵ Sĩ vào tuần trước để bàn thảo vấn đề này nhưng cuộc họp kết thúc vẫn chưa dẫn đến kết quả khả quan nào. Đáng ra Mỹ phải đứng ra làm trung gian hoà giải vụ này, nhưng do tình trạng chính phủ đóng cửa, cuối cùng Trump không đến Davos tham dự diễn đàn và lên tiếng về vụ việc.

Bình luận (0)

Lên đầu trang