(CAO) Hôm 18/2, Reuters đưa tin các nhà lãnh đạo Châu Âu họp khẩn cấp tại Paris vào ngày 17/2 đã kêu gọi tăng chi tiêu để tăng cường năng lực phòng thủ của châu lục nhưng vẫn chia rẽ về ý tưởng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ukraine để hỗ trợ thỏa thuận hòa bình trong tương lai.
Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí rằng sẽ rất nguy hiểm khi kết thúc lệnh ngừng bắn ở Ukraine mà không có thỏa thuận hòa bình cùng lúc và họ sẵn sàng cung cấp các bảo đảm an ninh cho Ukraine "tùy thuộc vào mức độ hỗ trợ của Mỹ".
"Chúng tôi đồng ý với Tổng thống Trump về cách tiếp cận hòa bình thông qua sức mạnh" - một quan chức giấu tên nói với Reuters.
Cuộc họp tại Paris được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron triệu tập sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump sắp xếp các cuộc đàm phán hòa bình song phương với Nga, nhưng loại trừ các đồng minh châu Âu và Ukraine khỏi các cuộc đàm phán chấm dứt chiến tranh dự kiến bắt đầu tại Ả Rập Xê Út vào ngày 18/2.
Các quan chức của cả hai nước cho biết Macron đã nói chuyện với Trump trước các cuộc họp. Một quan chức Nhà Trắng gọi đó là "cuộc gọi thân thiện", trong đó họ nói về cuộc họp tại Paris và các cuộc đàm phán tại Ả Rập Xê Út.
Tổng thống Ukraine - Volodymyr Zelenskiy cũng cho hay ông đã có cuộc điện đàm "dài" với Macron về các đảm bảo an ninh.

Cuộc chiến ở Ukraine đang kéo căng nguồn lực của Châu Âu - Ảnh: Reuters
"Chúng tôi chia sẻ một tầm nhìn chung: các đảm bảo an ninh phải mạnh mẽ và đáng tin cậy" - Zelenskiy nói trên X.
Tuần trước, Trump đã khiến Ukraine và các đồng minh châu Âu sửng sốt khi tuyên bố đã gọi điện cho Tổng thống Nga Vladimir Putin để thảo luận về việc chấm dứt chiến tranh mà không tham khảo ý kiến của họ, và giờ đây họ phải đối mặt với thực tế về một tương lai với ít sự bảo vệ hơn về quân sự của Mỹ.
Quyết định của Mỹ đã khiến các quốc gia Châu Âu nhận ra rằng họ sẽ phải làm nhiều hơn nữa để đảm bảo an ninh cho Ukraine.
Thủ tướng Anh Keir Starmer, người trước cuộc họp đã tuyên bố sẵn sàng gửi quân gìn giữ hòa bình đến Ukraine, chia sẻ vào ngày 17/2 rằng phải có cam kết an ninh của Mỹ đối với các nước châu Âu để triển khai quân trên bộ. Ông nhấn mạnh, còn quá sớm để nói rằng ông sẽ sẵn sàng triển khai bao nhiêu quân Anh đến Ukraine.
Một lực lượng gìn giữ hòa bình không chỉ làm tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp với Nga, nước đã phát động tấn công quân sự vào Ukraine vào năm 2022, mà còn khiến quân đội châu Âu phải dàn căng nguồn lực, vốn đã cạn kiệt kho vũ khí do cung cấp cho Ukraine và đã quen sống trong nhiều thập kỷ tương đối hoà bình.
Ngoài ra còn có những câu hỏi khó về cách một số quốc gia châu Âu, nơi tài chính công đang kiệt quệ, sẽ chi trả cho các cam kết quân sự mở rộng như vậy.
Keith Kellogg - đặc phái viên của ông Trump về Ukraine nói, ông sẽ đến thăm Ukraine từ ngày 19/2. Khi được hỏi liệu Mỹ có cung cấp bảo đảm an ninh cho bất kỳ lực lượng gìn giữ hòa bình Châu Âu nào không, ông Kellogg trả lời úp mở rằng: "Tôi đã ở bên Tổng thống Trump và chính sách luôn là: Bạn không được loại bỏ bất kỳ lựa chọn nào".