(CATP) Từ nhà tù Bang Kwang (Thái Lan), Black Dolphin (Nga) đến Carandiru (Brazil), Tadmur (Syria)… nổi tiếng khắc nghiệt, tất cả đều khiến ngay cả các tội phạm nguy hiểm được đưa vào những nơi này cũng trở nên quẫn trí khi bị ám ảnh bởi nỗi sợ hãi và kinh hoàng. Đến mức khi vào trại, họ chẳng thiết sống ở những nơi được ví là "chẳng khác gì địa ngục trần gian" này!
Trong diễn biến mới đang gây tranh cãi, "siêu nhà tù” CECOT ở Tecoluca, cách thủ đô San Salvador của El Salvador khoảng 70km về phía Đông Nam có khả năng trở thành "điểm đáp" dành cho những người di cư trái phép bị trục xuất khỏi Mỹ và cả công dân nước này trong trường hợp phạm tội nghiêm trọng, nếu đề xuất của Tổng thống Nayib Bukele được thông qua sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio vào đầu tháng 02/2025 tại El Salvador. Mặc dù vậy, hiện phía đảng đối lập của quốc gia Mỹ Latinh này đã chỉ trích gay gắt tuyên bố trên, cho rằng El Salvador không thể trở thành "bãi rác" dung nạp tội phạm cho phía Mỹ.
Đề xuất trên cũng ngay lập tức vấp phải phản ứng gay gắt từ các tổ chức nhân quyền. Các chuyên gia luật pháp thế giới cho rằng Mỹ không thể trục xuất công dân của mình sang quốc gia khác, động thái có thể vi phạm một số điều ước quốc tế trong khi không giúp giải quyết tận gốc vấn đề tội phạm và nhập cư.
Thực tế cho thấy CECOT vốn là trung tâm giam giữ khủng bố, được thành lập cách nay vài năm nhằm dẹp loạn các băng đảng hoành hành ở quốc gia Mỹ Latinh này với những bức tường bê-tông sừng sững bao quanh cùng các biện pháp canh phòng nghiêm ngặt hàng đầu thế giới, bị giam giữ tại đây còn có cả các thành viên băng đảng khét tiếng của MS-13 và Barrio 18 cùng khoảng 15.000 phạm nhân. Hình ảnh qua một số video cho thấy các phạm nhân bị buộc cởi hết quần áo ngoài và cạo trọc đầu, chân bị xích bước xuống từ xe buýt di chuyển về phòng giam của mình, nhiều người trong số này có hình xăm của các băng nhóm tội phạm sừng sỏ.

Phạm nhân trong
nhà tù CECOT ở El Salvador. Ảnh: Getty Images
Theo các tổ chức nhân quyền, nhà tù được xem là "kiểu mẫu" của El Salvador này lại là nơi có điều kiện giam giữ chẳng khác gì "địa ngục trần gian" khi 1/3 số bị giam giữ có thể không phạm tội và thực tế đã chứng minh theo thống kê vào năm 2024 đã có hàng nghìn trường hợp được thả do bị bắt oan trong chiến dịch truy quét hơn 80.000 nghi phạm của nước này. Ngoài bắt giữ oan sai, các phạm nhân tại đây còn bị giam giữ vô thời hạn, hiếm khi được ân xá và phải sinh hoạt trong điều kiện tù túng ngoài sức tưởng tượng: sức với chứa lên tới 40.000 tù nhân, nhưng mỗi phòng giam lại vô cùng ngột ngạt với từ 65 - 70 phạm nhân (theo giới quan sát, khả năng các chỗ trống còn lại sẽ được lấp vào bằng những người di cư phạm tội và cả công dân Mỹ bị kết án nghiêm trọng với khoản phí "đôi bên cùng có lợi" mà Washington phải trả cho họ với chế độ sinh hoạt thoải mái hơn).
Được xây dựng trên khu vực rộng gần 170 ha từ giữa năm 2022, đưa vào hoạt động tháng 02/2023, CECOT gồm 8 tòa nhà bê-tông cốt thép với hàng chục phòng giam khoảng 100m2 gồm 2 bồn rửa, 2 nhà vệ sinh, trang bị 37 tháp canh với 600 binh sĩ, 250 cảnh sát làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh cùng thiết bị gây nhiễu điện tử dùng ngăn chặn mọi liên lạc của phạm nhân với thế giới bên ngoài... Đặc biệt, do lo ngại các loại thịt có thể được sử dụng để... buôn ma túy nên thức ăn dành cho các phạm nhân chỉ gồm một số loại đậu và mì ống, không đủ bảo đảm sức khỏe. 6 tháng đầu năm ngoái, ít nhất 170 tù nhân đã mất mạng do bị tra tấn hoặc bạo lực giữa các băng nhóm. Với gần 2% dân số trưởng thành đang thi hành án, El Salvador hiện có tỉ lệ phạm nhân cao của thế giới.
Một khi đã được đưa vào CECOT, phạm nhân phải chịu sự giám sát 24/7. Theo các tổ chức nhân quyền, đây là nơi giống như dành cho "những phạm nhân tâm thần khó có thể cải tạo".
Trước khi kế hoạch của chính quyền Tổng thống tái đắc cử Donald Trump được thực hiện, vấn đề hiện được dư luận chú ý là việc đưa tù nhân Mỹ đến CECOT có thể dẫn đến hàng loạt tranh cãi pháp lý lẫn ngoại giao, đặc biệt khi quyết định này vi phạm các tiêu chuẩn về quyền con người.
(Còn tiếp...)
NGUYỄN XUÂN (theo NY Post, Mail)