Điểm qua chính sách đối ngoại của ông Trump trong lần trở lại Nhà Trắng

Thứ Hai, 20/01/2025 23:33

|

​(CAO) Hôm 20/1, ông Donald Trump chính thức trở lại Nhà Trắng, trở thành tổng thống thứ 47 của nước Mỹ. Chính sách đối ngoại của Mỹ là một trong những vấn đề được cộng đồng quốc tế quan tâm dưới thời Trump 2.0

Hãng tin Reuters đã có bài viết điểm lại các cam kết đối ngoại chính của ông Trump trong lần thứ hai trở lại nhiệm sở bao gồm: Đòi mua lại đảo Greenland từ Đan Mạch, chấm dứt chiến tranh ở Ukraine và thay đổi cơ bản mối quan hệ Mỹ với tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Trong những tuần gần đây, ông Trump cũng đã đe dọa sẽ 'lấy lại' Kênh đào Panama và áp thuế 25% đối với hàng hoá của Canada và Mexico nếu họ không kiểm soát chặt chẽ dòng chảy ma túy và người di cư vào Mỹ. Sau đây là cái nhìn tổng quan về các đề xuất chính sách đối ngoại mà Trump đã cam kết sẽ thúc đẩy sau khi nhậm chức:

NATO, Ukraine và các đồng minh Châu Âu

Ông Trump đã nói rằng dưới thời tổng thống lần thứ hai của mình, Mỹ sẽ xem xét lại cơ bản "mục đích của NATO và sứ mệnh của NATO". Theo đó, ông Trump đã cam kết yêu cầu Châu Âu hoàn trả cho Mỹ "gần 200 tỷ USD" tiền vũ khí đã gửi đến Ukraine và ông chưa cam kết sẽ gửi thêm viện trợ cho quốc gia Đông Âu này.

Trump đã cắt giảm ngân sách quốc phòng cho NATO vào giai đoạn cuối nhiệm kỳ đầu tiên của mình, và ông thường xuyên phàn nàn rằng Mỹ đã chi nhiều hơn mức chia sẻ công bằng của mình. Trong những tuần gần đây, ông đã nói rằng các thành viên NATO nên chi 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho hoạt động quốc phòng chung của khối, một con số cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% hiện tại.

Về cuộc chiến ở Ukraine, Trump đã nói trong chiến dịch tranh cử năm 2024 rằng ông sẽ giải quyết xung đột ngay cả trước khi nhậm chức. Nhưng kể từ khi đắc cử, ông đã không lặp lại lời cam kết đó và các cố vấn hiện thừa nhận sẽ mất nhiều tháng để đạt được bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào.

Cuộc chiến của Nga và Ukraine sẽ là một trong những chủ đề chính trong nhiệm kỳ của Trump 

Trump đã ám chỉ rằng Kyiv có thể phải nhượng bộ một số lãnh thổ để đạt được thỏa thuận hòa bình, một lập trường được các cố vấn chủ chốt của ông ủng hộ.

Mặc dù không có kế hoạch hòa bình đầy đủ của Trump, nhưng hầu hết các trợ lý chủ chốt của ông đều ủng hộ việc loại bỏ tư cách thành viên NATO khỏi bàn đàm phán đối với Ukraine như một phần của bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào, ít nhất là trong tương lai gần. Họ cũng ủng hộ rộng rãi việc “đóng băng” tình hình tại tiền tuyến trong cuộc chiến giữa Ukraine và Nga.

Trong khi Trump đã ám chỉ vào đầu tháng 4 rằng ông sẽ sẵn sàng gửi thêm viện trợ cho Ukraine dưới hình thức cho vay, ông vẫn hầu như im lặng về vấn đề này trong các cuộc đàm phán gây tranh cãi của quốc hội về gói viện trợ 61 tỷ đô la vào cuối tháng đó.

Mở rộng lãnh thổ

Vào giữa tháng 12, Trump cho biết ông có kế hoạch mua lại đảo Greenland, một ý tưởng mà ông đã từng nêu ra trong nhiệm kỳ 2017-2021 của mình. Những nỗ lực trước đó của ông đã bị cản trở khi Đan Mạch tuyên bố lãnh thổ hải ngoại của họ không phải để bán.

Nhưng những tính toán của Trump đối với hòn đảo lớn nhất thế giới vẫn chưa dừng lại. Trong một cuộc họp báo vào tháng 1, Trump đã từ chối loại trừ khả năng bằng mọi cách có được Greenland, mô tả hòn đảo này là rất quan trọng đối với lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.

Trump cũng đã đe dọa sẽ chiếm Kênh đào Panama trong những tuần gần đây, đổ lỗi cho Panama đã tính phí quá cao cho các tàu Mỹ đi qua tuyến đường vận chuyển chính này.

Trump cũng đã suy nghĩ về việc biến Canada thành một tiểu bang của Mỹ, mặc dù các cố vấn đã mô tả riêng những bình luận của ông về quốc gia láng giềng phía bắc của Mỹ là một  trò đùa, thay vì là một tham vọng địa chính trị thực sự.

Trung Quốc và cuộc chiến thương mại mới

Ông Trump thường xuyên đe dọa sẽ áp đặt các mức thuế quan mới hoặc hạn chế thương mại lớn đối với Trung Quốc, cũng như đối với nhiều đồng minh thân cận.

Đạo luật Thương mại 'có đi có lại' của Trump mà ông đề xuất sẽ trao cho ông toàn quyền quyết định tăng thuế trả đũa đối với các quốc gia khi họ quyết tâm dựng lên rào cản thương mại của riêng họ. Ông đã đưa ra ý tưởng về mức thuế phổ cập 10%, có thể làm gián đoạn thị trường quốc tế và mức thuế ít nhất là 60% đối với hàng hoá xuất khẩu vào thị trường Mỹ từ Trung Quốc.

Trump đã kêu gọi chấm dứt quy chế tối huệ quốc của Trung Quốc, một chính sách hạ thấp rào cản thương mại giữa các quốc gia. Ông đã tuyên bố sẽ ban hành "những hạn chế mới mang tính quyết liệt đối với quyền sở hữu của Trung Quốc đối với bất kỳ cơ sở hạ tầng quan trọng nào tại Mỹ" và kêu gọi cấm Trung Quốc sở hữu động sản tại Mỹ.

Mexico, Canada và ma tuý

Ông Trump đã tuyên bố ông sẽ áp thuế 25% đối với hàng hoá của Mexico và Canada nếu họ không ngăn chặn được dòng chảy ma túy và người di cư tràn vào Mỹ .

Các nhà lãnh đạo Mexico và Canada đã tìm cách chứng minh rằng họ nghiêm túc trong việc giải quyết vấn đề nhập cư bất hợp pháp và buôn bán ma túy, mặc dù kế hoạch trong ngày đầu tiên nhậm chức của Trump về việc áp thuế đối với các nước láng giềng vẫn chưa rõ ràng.

Trump đã nói rằng ông sẽ chỉ định các băng đảng ma túy hoạt động ở Mexico là các tổ chức khủng bố nước ngoài và ra lệnh cho Lầu Năm Góc "sử dụng lực lượng đặc nhiệm một cách thích hợp" để tấn công các băng đảng và cơ sở hạ tầng, một hành động khó có thể nhận được sự chấp thuận của chính phủ Mexico.

Vấn đề dòng nhập cư lậu từ biên giới Mexico vào Mỹ sẽ trở thành một vấn đề lớn dưới thời Trunp

Ông đã nói rằng ông sẽ triển khai Hải quân Mỹ để thực thi lệnh phong tỏa đối với các băng đảng và sẽ trục xuất những kẻ buôn bán ma túy và thành viên băng đảng tại Mỹ.

Ông Trump cũng kêu gọi di chuyển hàng nghìn quân được triển khai ở nước ngoài đến biên giới Mỹ -Mexico để chống lại tình trạng nhập cư bất hợp pháp.

Xung đột ở Israel và dải Gaza

Đặc phái viên Trung Đông được Trump chỉ định - Steve Witkoff đã làm việc chặt chẽ với các quan chức trong chính quyền của Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden để giải quyết thỏa thuận hòa bình được công bố vào đầu tháng 1 giữa Israel và nhóm chiến binh Palestine Hamas.

Gaza hoang tàn sau một đợt không kích của Israel - Ảnh:Daily News

Các nguồn thạo tin cho biết ông đã gây áp lực đáng kể lên cả hai bên để nhanh chóng đạt được thỏa thuận, mặc dù các chi tiết chính xác về sự tham gia của ông vẫn đang được báo chí đưa tin. Sau khi lần đầu chỉ trích giới lãnh đạo Israel vào những ngày sau khi công dân nước này bị Hamas tấn công vào ngày 7/10/2023, Trump sau đó tuyên bố nhóm chiến binh này phải bị "đè bẹp".

Trump đã nói rằng Hamas sẽ "phải trả giá đắt" nếu Israel và Hamas không đạt được thỏa thuận ngừng bắn dẫn đến việc trả lại các con tin do nhóm chiến binh Palestine bắt giữ ở Gaza trước khi ông nhậm chức.

Vấn đề Iran

Các cố vấn của Trump đã chỉ ra rằng họ sẽ tiếp tục cái gọi là chiến dịch gây sức ép tối đa của nhiệm kỳ đầu tiên của ông đối với Iran.

Chiến dịch gây sức ép tối đa này tìm cách sử dụng các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ để bóp nghẹt nền kinh tế Iran và buộc nước này phải đàm phán một thỏa thuận sẽ cản trở các chương trình vũ khí hạt nhân và đạn đạo của nước này.

Chính quyền Biden đã không nới lỏng đáng kể các biện pháp trừng phạt mà Trump đưa ra, nhưng vẫn có tranh luận về mức độ nghiêm ngặt của các biện pháp trừng phạt được thực thi.

Vấn đề khí hậu

Trump đã nhiều lần cam kết sẽ rút khỏi Thỏa thuận Paris, một hiệp định quốc tế nhằm hạn chế khí thải nhà kính. Ông đã rút khỏi hiệp định này trong nhiệm kỳ của mình, nhưng Mỹ đã tái gia nhập hiệp định này dưới thời Biden vào năm 2021.

Phòng thủ tên lửa

Trump đã cam kết xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại xung quanh nước Mỹ. Ông không đi sâu vào chi tiết, ngoài việc nói rằng Lực lượng Không gian, một nhánh quân sự mà chính quyền đầu tiên của ông thành lập, sẽ đóng vai trò lãnh đạo trong quá trình này.

Trong cương lĩnh của Đảng Cộng hòa, hệ thống này được gọi là "Vòm sắt", gợi nhớ đến hệ thống phòng thủ tên lửa có cùng tên của Israel.

Bình luận (0)

Lên đầu trang