(CAO) Đến hẹn lại lên, cuộc đua giành chiếc ghế tổng thống của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ dự kiến diễn ra vào thứ ba, ngày 5/11/2024 đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận.
Năm nay, đường vào Nhà Trắng chứng kiến “cuộc đua song mã” giữa hai ứng cử viên là bà Kamala Harris – đương kim Phó tổng thống Mỹ của đảng Dân Chủ và ông Donald Trump - vị cựu tổng thống thứ 45 của đảng Cộng hoà.
Một nước Mỹ với nền chính trị phân cực cùng những vấn đề nổi bật từ kinh tế đến chính sách đối ngoại được dự báo sẽ tác động sâu rộng đến quyết định của mỗi cử tri về lá phiếu của mình. Nhập cư là một vấn đề nổi bật trong đó. Nó đã trở thành chủ đề công kích lẫn nhau của lưỡng đảng về cách xử trí trong bối cảnh “giấc mơ Mỹ” vẫn đang thu hút dòng người nhập cư bất hợp pháp ồ ạt đổ về.
Sống chết để vượt biên
Trong bài viết nhan đề “Những người trẻ Ấn Độ thực hiện giấc mơ Mỹ bằng hành trình sinh tử” đăng trên CNN vào tháng 10/2024 đã hé lộ bức tranh nhập cư bất hợp pháp ồ ạt khiến Nhà Trắng “đau đầu”.
Ankit Chaudhary - một sinh viên luật người ở tiểu bang Haryana, phía bắc Ấn Độ tiết lộ với CNN rằng anh đã trả cho một người môi giới hơn 50.000 USD (hơn 1,2 tỷ đồng) để họ giúp anh trong hành trình vượt biên nhập cảnh trái phép vào Mỹ. Chaudhary không ngần ngại cho biết: "Đó là một hành trình đi qua nhiều quốc gia và sau đó chúng tôi sẽ nhảy qua bức tường biên giới của Mỹ".
Theo dữ liệu của chính phủ Mỹ, chỉ trong 4 năm, số lượng công dân Ấn Độ nhập cảnh bất hợp pháp vào nước này đã tăng đột biến: từ 8.027 người trong năm 2018-2019 lên 96.917 người trong giai đoạn 2022-2023, theo dữ liệu của chính phủ.
Những người di cư trái phép đi dọc hàng rào biên giới Mỹ - Mexico (bên phần đất của Mỹ) sau khi vượt biên trái phép từ Mexico sang - Ảnh: Getty
Nghiên cứu gần đây của trung tâm nghiên cứu Pew chỉ ra, tính đến năm 2022, người Ấn Độ là nhóm người di cư không có giấy phép lớn thứ ba tại Mỹ, sau những người đến từ Mexico và El Salvador. Chaudhary nói với CNN: “Mọi người không có nguồn thu nhập, không có việc làm. Tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc di cư”. “Giấc mơ Mỹ” trong mường tượng của những người như Chaudhary là một nơi đáng sống, có việc làm tạo ra thu nhập cao so với ở quê nhà, vì thế họ sống chết để đến được đó.
Không chỉ có dòng người đổ về Mỹ từ Ấn Độ mà dòng người di cư bất hợp pháp còn đổ về Mỹ từ nhiều nước khác như Mexico và El Salvador..., tạo nên gánh nặng cho chính quyền Washington.
Chủ đề để thu hút cử tri
Việc bảo vệ biên giới phía nam với Mexico ngăn dòng người nhập cư trái phép vì thế đang trở thành vấn đề nổi cộm phân rẽ lá phiếu của cử tri. Hai đảng Dân chủ và Cộng hoà đã biến nó trở thành chủ đề công kích nhau trước thềm cuộc bầu cử ngày 5/11.
Trước áp lực của dư luận về cách xử trí trong vấn đề này, đầu mùa hè 2024, chính quyền tổng thống Joe Biden đã ban hành một sắc lệnh hành pháp chủ yếu cấm người di cư xin tị nạn tại biên giới phía nam của Mỹ và áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với những người vượt biên trái phép. Kể từ đó, Biên phòng Mỹ đã báo cáo lưu lượng người vượt biên trái phép giảm mạnh. Vào tháng 9/2024, các sĩ quan biên phòng đã báo cáo khoảng 54.000 vụ chạm trán với người di cư, con số thấp nhất được ghi nhận kể từ năm 2020.
Đây được xem là bước đi mở đường cho bà Kamala Harris trong cuộc đua vào Nhà Trắng (sau khi ông Joe Biden tuyên bố không tái tranh cử). Trước đó trong nhiệm kỳ của Biden, bà Harris được trao trọng trách xử lý vấn đề nhập cư nhưng tình hình dòng người đổ dồn ở biên giới ngày càng tăng khiến bà “mất điểm” trước công chúng ít nhiều.
Người di cư vượt biên vào Mỹ - Ảnh: AP
Phía đảng Cộng hoà không bỏ qua cơ hội đó để công kích. Trong chiến dịch vận động trở lại Nhà Trắng, ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hoà – ông Donald Trump đã nêu rõ quan điểm của mình về vấn đề nhập cư, đổ lỗi cho người di cư về mọi thứ, từ tỷ lệ tội phạm gia tăng đến việc cáo buộc họ ăn thịt thú cưng của người dân bản địa. “Đất nước chúng ta đang bị lạc lối, chúng ta là một quốc gia đang thất bại” - Trump nói trong cuộc tranh luận tổng thống vào tháng 9 với ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris. Ông Trump nhiều lần thề sẽ mạnh tay trục xuất hay bỏ tù những người di cư trái phép có hành động bạo lực.
Khi ngày bầu cử 5/11 cận kề, vấn đề người nhập cư ngày càng trở nên nổi bật. Ai được dư luận tin tưởng hơn trong việc xử lý tốt vấn đề này có khả năng sẽ hút phiếu bầu của cử tri nhiều hơn đối thủ.
(Còn tiếp...)