(CAO) Hôm 26/1, BBC đưa tin chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump đã sa thải ít nhất một chục giám sát viên liên bang trong một động thái có thể phải đối mặt với các thách thức của tòa án.
Phát biểu tại Thượng viện vào ngày 25/1, Lãnh đạo phe thiểu số ở Thượng viện Chuck Schumer mô tả việc sa thải giám sát viên là một "cuộc thanh trừng lạnh lùng".
Các tổng thanh tra bị ảnh hưởng đã nhận được email từ giám đốc nhân sự tổng thống vào đêm ngày 24/1 (giờ địa phương) thông báo rằng "do thay đổi ưu tiên, vị trí tổng thanh tra của ông... đã bị chấm dứt, có hiệu lực ngay lập tức".
Nhóm thanh tra viên bị sa thải bao gồm tổng thanh tra của Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh, và tổng thanh tra của Cơ quan Quản lý doanh nghiệp nhỏ.
Theo tờ New York Times, có nhiều danh sách thanh tra viên bị sa thải đang được lưu hành. Các thanh tra viên tại các bộ nông nghiệp, thương mại, quốc phòng, giáo dục, nhà ở và phát triển đô thị, nội vụ, lao động, giao thông vận tải và cựu chiến binh, cũng như Cơ quan bảo vệ môi trường đều được cho là đã được cân nhắc trong danh sách sa thải.
Ông Trump bất ngờ sa thải hàng loạt giám sát viên của
chính phủ liên bang - Ảnh: Getty
Không rõ chính quyền Trump sẽ chọn ai để lấp vào các vị trí mới bị bỏ trống.
Quốc hội đã thành lập các tổng thanh tra sau vụ bê bối Watergate, như một phần của làn sóng cải cách nhằm hạn chế tham nhũng, lãng phí và gian lận. Các thanh tra viên độc lập - những người làm việc trong các cơ quan liên bang nhưng không chịu sự kiểm soát của người đứng đầu các cơ quan đó - được cho là có nhiệm vụ bảo vệ chống lại tình trạng quản lý yếu kém và lạm dụng quyền lực.
Mặc dù họ là những người được tổng thống bổ nhiệm, nhưng họ được kỳ vọng là những người phi đảng phái.
Việc sa thải có thể vi phạm luật yêu cầu Nhà Trắng phải thông báo trước cho Quốc hội 30 ngày và cung cấp thông tin cụ thể về vụ việc trước khi sa thải một tổng thanh tra liên bang.