(CAO) Kết quả nghiên cứu hồi tháng 6-2015 của Viện Nghiên cứu Quốc gia về Dân số và An sinh Xã hội Nhật Bản cho thấy 40% thanh niên Nhật độ tuổi 18 đến 34 chưa từng quan hệ tình dục. Lối sống quay cuồng với công việc, chán sex, không muốn kết hôn khiến dân số Nhật ngày càng già hóa. Tuy nhiên, thủ tướng nước này – Shinzo Abe lại xem đây là cơ hội tốt để cải thiện năng suất sản xuất.
Reuters hôm 21-9 dẫn lời thủ tướng Abe tự tin khẳng định tình trạng già hóa dân số đang diễn ra ở nước này không phải là một gánh nặng mà là cơ hội nhằm thúc đẩy việc gia tăng năng suất sản xuất thông qua việc tập trung đổi mới công nghệ trong các lĩnh vực như robot, cảm biến không dây hay trí tuệ nhân tạo. Việc thiếu hụt nguồn lực lao động do dân số già sẽ kích thích việc sáng tạo, cải thiện các công nghệ này để chúng thay thế dần sức lao động của con người. Thủ tướng Abe nhấn mạnh: “Tôi thấy không có gì phải lo lắng về nhân khẩu học của Nhật Bản. Dân số có thể lão hóa khiến Nhật bị mất đi một lượng dân nhưng chúng tôi xem đây là một sự ưu đãi để thúc đẩy việc phát triển công nghệ nhằm gia tăng năng suất”.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cho rằng già hóa dân số là cơ hội để cải thiện năng suất sản xuất - Ảnh: Reuters
Thống kê mới nhất cho thấy Nhật có 34,6 triệu người hiện ở trong độ tuổi từ 65 trở lên, tỷ lệ cao nhất trong số các quốc gia phát triển. Chính quyền Tokyo đang đặt mục tiêu nâng tỷ suất sinh từ 1,4 lên 1,8. Tuy nhiên mức này vẫn còn thấp so với chuẩn 2,1 để ngăn dân số già hóa. Chính quyền Abe cũng vạch ra kế hoạch cải cách thị trường lao động nhưng các bước đi của ông đang bị nhiều chuyên gia chỉ trích là tạo ra “lỗ hổng” cho các công ty dễ sa thải nhân viên.
Sự chia rẽ gia tăng giữa các thành phần lao động khi số lượng người làm công ăn lương có xu hướng giảm trước sự gia tăng của lực lượng lao động làm những công việc bán thời gian (part time) cũng như ở những thành phần lao động khác. Trước thực trạng này, Abe cam kết sẽ lấp đầy “khoảng trống” nhân lực, đảm bảo xây dựng môi trường trả công bình đẳng giữa những công việc có chung tính chất cũng như tìm phương cách khuyến khích nhiều phụ nữ và người lớn tuổi làm việc.
Người già ở Nhật ngày càng gia tăng gây thiếu hụt nguồn nhân lực trong sản xuất - Ảnh: AFP
Từ khi tái đắc cử nhiệm kỳ 2 ở chức thủ tướng vào tháng 12-2012, Abe tiếp tục thúc đẩy chương trình kinh tế của mình (Abenomics) với 3 mũi tên: nới lỏng chính sách tiền tệ, tăng chi tiêu công và áp dụng những biện pháp nhằm kích thích tăng trưởng, trong đó chú trọng đầu tư vào khu vực tư nhân.
Sau nhiều năm áp dụng, tình hình giảm phát dần được khắc phục, GDP tăng. Tuy nhiên vẫn còn đó hàng loạt vấn đề từ dân số già hóa, tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa như mong muốn bên cạnh đến những thách thức về an ninh trong khu vực đang thách thức chính quyền của ông.