Vụ án “Cố ý gây thương tích” tại H.Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre:

Bị kết án nặng vì “xúi giục”, chủ vườn kiểng kêu oan

Thứ Hai, 06/01/2025 11:02

|

(CATP) Bị Tòa án nhân dân (TAND) H.Thạnh Phú xử 3 năm tù giam, Lê Thị Trang (SN 1983, ngụ xã Thới Tam Thôn, H.Hóc Môn, TPHCM) kháng cáo kêu oan, cho rằng không “thuê mướn, xúi giục” người làm công đánh “cảnh cáo” bị hại do nghi ngờ “gian díu” với cha bị cáo. Tin tưởng vào công lý, bị cáo mong chờ tại phiên xử phúc thẩm ngày 07/01/2025, TAND tỉnh Bến Tre với Hội đồng xét xử (HĐXX) do Thẩm phán Tôn Văn Thông ngồi ghế chủ tọa, sẽ xem xét toàn diện vụ án, ra phán quyết công tâm.

TIẾNG “KÊU CỨU” CỦA MẸ (?!)

Theo Bản án 50/2024/HS-ST ngày 10/9/2024 của TAND H.Thạnh Phú, từ quê ở xã Phú Khánh (H.Thạnh Phú), mẹ của Trang gọi điện kể về việc cha của Trang có “tình cảm” với bà H.T.B.T (SN 1985, ngụ xã Phú Khánh) khiến gia đình bị rạn nứt. Cho rằng bà T. có quan hệ với cha mình, còn thách thức, khiêu khích mẹ ruột, Trang nhờ 2 người được Trang thuê chăm sóc vườn cây kiểng của gia đình là Đinh Văn Chăng (SN 2004, ngụ xã Mỹ Hương, H.Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) và Phạm Thành Lộc (SN 1998, ngụ xã Tam Hồng, H.Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc; cùng tạm trú H.Hóc Môn) tìm bà T. đánh gây thương tích để “cảnh cáo”. Lộc cho biết, nhóm đi 3 - 4 người, “tiền công” 2 triệu đồng/người; ứng trước 2 triệu làm chi phí.

Trang đưa Chăng 2 triệu đồng kèm 1 bình xịt hơi cay. Chăng mang theo con dao tự chế, tuýp sắt và cây gỗ, rủ thêm Đoàn Lê Thiên Phúc (SN 2004, ngụ P.Tân Chánh Hiệp, Q12, TPHCM) tham gia.

Lê Thị Trang bên hồ sơ kêu oan

Sáng 14/11/2022, Chăng điều khiển xe máy chở Phúc ngồi sau cầm túi “đồ nghề”, Lộc chạy xe một mình về Bến Tre. Đến trưa cùng ngày, nhóm này tìm được nhà bà T. ở ấp Phú Long Phụng A (xã Phú Khánh), nhưng chưa ra tay. Khoảng 9 giờ sáng 15/11/2022, phát hiện bà T. chạy xe máy trên đường, Phúc chặn đầu, Chăng xịt hơi cay vào mặt. Bị té ngã, bà T. đứng dậy bỏ chạy xuống ruộng cỏ, Lộc cầm dao đuổi theo. Nạn nhân la lớn “anh ơi cứu em”!. Chạy được một đoạn, bà T. té ngã và bị Lộc đuổi kịp, cầm dao chém nhiều nhát gây thương tích.

Nghe tiếng la của bà T, Đinh Văn Hùng (SN 1978, ngụ xã Phú Khánh, sống như vợ chồng với bà T.) lấy con dao tự chế từ trong nhà chạy ra thì bị Chăng xịt hơi cay vào mặt. Hùng đuổi chém nhưng Chăng chạy thoát. Lộc cũng bỏ chạy nhưng bị té ngã 2 lần nên Hùng đuổi kịp, dùng dao chém trúng khuỷu tay phải của Lộc làm rớt dao xuống đường. Hùng vung dao chém tiếp thì Chăng chạy đến xịt hơi cay vào mặt. Thấy Hùng lùi lại, Chăng liền nhặt con dao, dìu Lộc lên xe của Phúc đang chờ sẵn.

Cả 3 tẩu thoát về TP.Bến Tre. Phúc đưa xe cho Chăng chở Lộc vào Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu. Bà T. cũng được gia đình đưa đến bệnh viện này điều trị.

Sau khi về TPHCM, Phúc gặp Trang nhận 2 triệu đồng để đóng viện phí cho Lộc. Ngày 16/11/2022, Chăng, Phúc và Trang bị Cơ quan CSĐT Công an H.Thạnh Phú bắt giữ.

Tại thời điểm giám định ngày 23/02/2023, tỷ lệ thương tật của bà T. là 15%; Lộc 36%. Bà T. khiếu nại, kết quả giám định lại ngày 12/7/2023 của Phân viện Pháp y Quốc gia tại TPHCM xác định, tỷ lệ thương tật của bà T. là 13% (án sơ thẩm xác định 12%).

TAND H.Thạnh Phú với HĐXX do Thẩm phán Đặng Văn Phương làm chủ tọa, tuyên bố các bị cáo phạm tội “Cố ý gây thương tích”. Trong đó, bị cáo Trang có ông ngoại và cậu ruột là liệt sĩ; Phúc khi gây án chưa đủ 18 tuổi. Từ đó, HĐXX tuyên phạt Trang 3 năm tù; Hùng 3 năm tù; Chăng và Lộc mỗi bị cáo 2 năm tù; Phúc 1 năm tù.

Về trách nhiệm dân sự: 4 bị cáo Trang, Chăng, Lộc, Phúc liên đới bồi thường cho bà T. số tiền 136,38 triệu đồng (bị hại yêu cầu hơn 573 triệu); Hùng bồi thường cho Lộc 51,035 triệu đồng.

BỊ CÁO KÊU OAN ĐIỀU GÌ?

Sau khi án tuyên, Trang kháng cáo kêu oan. Luật sư (LS) Trần Cao Phú (Đoàn LS TPHCM) có văn bản bào chữa cho bị cáo Trang dài 19 trang (hơn 10.000 từ), đề nghị HĐXX phúc thẩm xem xét.

Phần kêu oan của bị cáo và quan điểm của LS được tóm tắt như sau:

Thứ nhất, bị cáo Trang cho rằng không thuê người đánh “cảnh cáo” bà T. với giá 6 triệu đồng, cũng không đưa bình xịt hơi cay cho Chăng. Tại tòa, bị cáo Chăng khai tự chuẩn bị hung khí gây án và bình xịt hơi cay. Bị cáo Trang trình bày: “Chăng và Lộc là người làm công, chăm sóc vườn cây kiểng (để kinh doanh) cho gia đình tôi ở Hóc Môn. Ngày 12/11/2022, mẹ tôi ở quê điện thoại nói chuyện, lúc đó có Lộc và Chăng cùng nghe. Mẹ tôi tâm sự về việc ba tôi có quan hệ với bà T, nhiều lần xúc phạm bà khi say rượu. Nghe xong, tôi hỏi Lộc và Chăng, ai rảnh thì chở tôi về quê gặp bà T. hỏi rõ sự việc. Lộc xin đi, sẵn dịp về thăm ngoại nó luôn. Đến 15/11/2022 thì xảy ra việc đánh nhau là do sự bộc phát của Lộc”.

Văn bản bào chữa của LS Trần Cao Phú

Thứ hai, trong hồ sơ có 2 tài liệu quan trọng, chứng cứ trực tiếp của vụ án là Bản kết luận giám định (KLGĐ) số 823/2023/KL-KTHS ngày 05/12/2023 và Bản KLGĐ số 21/2024/KL-KTHS ngày 15/01/2024 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bến Tre. Cả 2 bản KLGĐ xác định: Các tin nhắn được ghi nhận qua 4 điện thoại của Trang, Chăng, Lộc, Phúc, không có nội dung nào thể hiện Trang “xúi giục, thuê mướn” 3 bị cáo đánh bà T. ngày 15/11/2022. Về các cuộc nói chuyện qua điện thoại giữa Trang với Chăng, Lộc, Phúc, không được trích xuất nội dung. Do đó, không đủ cơ sở khoa học pháp lý để kết luận Trang có hành vi “xúi giục, thuê mướn” 3 bị cáo đánh bà T. để “cảnh cáo”.

Hồ sơ vụ án có 4 biên bản ghi lời khai của bị cáo Trang từ ngày 15 - 17/11/2022. Đối chiếu 4 biên bản này với 2 Bản KLGĐ nêu trên cho thấy, Trang không có hành vi xúi giục, thuê mướn Lộc, Chăng, Phúc đánh, gây thương tích cho bà T. vào ngày 15/11/2022.

Lời khai của bị cáo Trang phù hợp với tài liệu quan trọng là 2 Bản KLGĐ. Lời khai của Lộc, Chăng, Phúc có nhiều mâu thuẫn (lúc thì cho rằng bị cáo Trang đã thuê mướn, lúc thì không có). Việc sử dụng lời khai này để buộc tội Trang là không tuân thủ theo Điều 108 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về việc kiểm tra, đánh giá chứng cứ (chỉ căn cứ vào lời khai mà không xem xét chứng cứ trực tiếp).

Thứ ba, liên quan 2 triệu đồng Trang nhờ Chăng đưa Lộc vào ngày 13/11/2022: Đây là tiền ứng lương cho Lộc; không phải là tiền Trang thuê Lộc, Chăng, Phúc đánh bị hại T. Nếu cho đây là tiền đưa trước để “đánh ghen” thì sao không buộc các bị cáo nộp lại mà yêu cầu bị cáo Trang nộp đủ 6 triệu đồng? Còn xác định 6 triệu đồng là tang vật thì 2 triệu ứng trước cho Lộc là tiền gì?

Về số tiền 2 triệu đồng Trang đưa cho Phúc ngày 15/11/2022: Đây là tiền Trang cho Lộc mượn đóng viện phí.

Thứ tư, liên quan đến số tiền 100 triệu đồng “khắc phục hậu quả”: Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Đỗ Minh Hoàng (chồng bị cáo Trang) xuất trình hình ảnh chứng minh ông nộp khoản tiền này vào ngày 19/5/2023 tại Cơ quan điều tra. Ông Hoàng xác định: Đây là tiền vợ chồng ông cho Lộc mượn để khắc phục hậu quả cho bà T. Tại phiên tòa, cả 2 bị cáo Chăng và Phúc cùng khai ông Hoàng là người nộp số tiền này. Bản án sơ thẩm xác định số tiền 100 triệu đồng do bị cáo Trang nộp để khắc phục hậu quả cho 4 bị cáo (Chăng - Lộc - Phúc, mỗi người 10 triệu; Trang 70 triệu) là không đúng...

Thứ năm, văn bản bào chữa của LS chỉ ra nhiều điểm vi phạm tố tụng của cấp sơ thẩm, rất cần được HĐXX cấp phúc thẩm xem xét toàn diện, khách quan...

Bình luận (0)

Lên đầu trang