Xét xử Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ Tang lễ Hoàng Long:

Nhiều tình tiết quan trọng bị "bỏ sót"?

Thứ Tư, 25/12/2024 14:30

|

(CATP) Chuyên đề Công an TPHCM nhận được đơn kêu cứu khẩn cấp của gia đình bà Trần Thị Huệ (trú tại P.Quang Trung, TP.Nam Định, tỉnh Nam Định) trình bày những bất cập liên quan đến vụ án mà ông Lưu Văn Long (SN 1955, chồng bà Huệ) bị xét xử với 2 tội danh: "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" và "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Theo đơn của bà Huệ, quá trình xét xử vụ án còn nhiều điểm chưa được làm sáng tỏ, dẫn đến bản án đưa ra chưa đảm bảo đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.

Làm giả con dấu công ty của chính mình?

Theo đơn trình bày của bà Huệ: Cáo trạng vụ án nhận định rằng ông Lưu Văn Long tự ý khắc một con dấu mang tên Công ty Cổ phần Dịch vụ Tang lễ Hoàng Long (Công ty Hoàng Long) và sử dụng con dấu này trong các tài liệu giao dịch từ năm 2017 - 2022, dẫn đến cáo buộc vi phạm Điều 341 Bộ luật Hình sự về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức". Từ đó, TAND tỉnh Nam Định đã tuyên phạt ông Long 3 năm 6 tháng tù cho tội danh này, dựa trên cơ sở ông không phải là người đại diện pháp luật hợp pháp của Công ty Hoàng Long vào thời điểm xảy ra vụ việc.

Tuy nhiên, bà Huệ cùng luật sư của bà khẳng định, ông Long đã được khôi phục chức danh Tổng Giám đốc và người đại diện pháp luật của công ty theo Bản án số 41/2017/KDTM-PT của TAND Cấp cao tại Hà Nội. Bản án này tuyên hủy quyết định miễn nhiệm ông Long và xác nhận lại ông Long là Tổng Giám đốc hợp pháp của Công ty Hoàng Long. Việc các cơ quan liên quan tại tỉnh Nam Định chậm trễ thực hiện bản án đã dẫn đến tình trạng công ty tồn tại song song hai bộ giấy tờ pháp lý với hai người đại diện pháp luật khác nhau.

Đại diện gia đình bà Huệ trình bày với phóng viên

Bà Huệ cũng cho biết, con dấu được khắc dựa trên tài liệu pháp lý hợp pháp và chủ cơ sở khắc dấu cũng xác nhận đã kiểm tra hồ sơ đầy đủ trước khi thực hiện dịch vụ. Việc Tòa án không xem xét các tài liệu chứng minh tính hợp pháp của con dấu và vai trò người đại diện pháp luật của ông Long là một thiếu sót lớn. Bà Huệ nhấn mạnh, hành vi của ông Long, nếu có, cần được đánh giá trong bối cảnh duy trì hoạt động doanh nghiệp hợp pháp. Việc TAND tỉnh Nam Định quy kết ông Long phạm tội "làm giả con dấu" khi không làm rõ các mâu thuẫn pháp lý và trách nhiệm của các bên liên quan là không thỏa đáng.

Trao đổi với phóng viên, luật sư Bùi Thị Kim Liên (Đoàn Luật sư Hà Nội) nêu quan điểm: Việc ông Lưu Văn Long khắc con dấu mới là một giải pháp cần thiết và phù hợp nhằm duy trì hoạt động bình thường của công ty trong bối cảnh tranh chấp nội bộ kéo dài và các tài liệu quan trọng bị phía đối lập giữ. Hành động này không chỉ đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp không bị gián đoạn mà còn dựa trên các giấy tờ pháp lý có giá trị, bao gồm Giấy chứng nhận đầu tư do UBND tỉnh Nam Định cấp cũng như bản án của TAND Cấp cao. Điều này hoàn toàn phù hợp với quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014, trong đó không giới hạn số lượng con dấu mà một doanh nghiệp được phép sử dụng.

Có hình sự hóa quan hệ dân sự?

Liên quan đến tội danh "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", ông Lưu Văn Long bị cáo buộc đã có hành vi 16 lần vay tiền của ông Trần Đình Tuấn với tổng số tiền 490 triệu đồng từ năm 2017 - 2019. Cáo trạng nêu, ông Long mặc dù có khả năng trả nợ, nhưng đã cố tình không thực hiện nghĩa vụ trả nợ và sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của ông Tuấn. Với cáo buộc này, TAND tỉnh Nam Định tuyên phạt ông Long 2 năm 6 tháng tù.

Hồ sơ vụ án và luận cứ bào chữa

Tuy nhiên, bà Huệ cùng luật sư cho biết, ông Long đã sử dụng số tiền vay từ ông Tuấn vào các hoạt động của Công ty Hoàng Long, bao gồm chi phí liên quan đến việc thực thi Bản án số 41/2017/KDTM-PT. Ông Tuấn cũng xác nhận, việc cho vay được thực hiện dựa trên sự quen biết và đồng thuận miệng giữa hai bên, không có hợp đồng cụ thể. Theo bà Huệ, ông Long không có hành vi gian dối hay bỏ trốn khỏi địa phương. Trong suốt thời gian từ 2017 đến khi bị bắt, ông Long vẫn sinh sống tại địa chỉ thường trú và duy trì liên lạc với ông Tuấn. Dữ liệu từ nhà mạng Mobifone cũng cho thấy các cuộc gọi giữa hai bên, bác bỏ cáo buộc ông Long trốn tránh. Bà Huệ khẳng định, quá trình điều tra và xét xử đã bỏ qua nhiều chứng cứ có lợi cho ông Long, bao gồm biên bản làm việc giữa ông Long và ông Tuấn xác nhận một phần khoản vay đã được trả và lời khai của ông Tuấn về việc sử dụng tiền vay không đồng nhất. Bà Huệ cùng luật sư nhận định rằng, đây là một giao dịch dân sự hơn là một hành vi "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Việc hình sự hóa một tranh chấp tài chính dân sự không chỉ gây oan sai mà còn tạo tiền lệ xấu cho hệ thống tư pháp...

Từ những tình tiết và đánh giá như trên, cho thấy vụ án nổi lên nhiều vấn đề cần được làm sáng tỏ, từ việc xác định tư cách pháp lý, xem xét lại các tình tiết vụ án, đến việc bảo đảm quyền lợi hợp pháp của bị can trong quá trình tố tụng. Nhóm phóng viên sẽ tiếp tục theo dõi và phản ánh diễn biến vụ việc.

Bình luận (0)

Lên đầu trang