Sai phạm tại khu "đất vàng" Hồ Tùng Mậu: Nhiều tình tiết mới cần làm rõ

Thứ Sáu, 18/11/2022 10:23  | Quỳnh Hương

|

(CATP) Trải qua 9 năm với 7 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung và nhiều phiên xét xử (3 lần tuyên án) ở hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm, vụ án Trương Vui và đồng bọn liên quan đến khu "đất vàng" Hồ Tùng Mậu kéo dài chưa có hồi kết. Theo kế hoạch, vụ án sẽ tiếp tục được Tòa án cấp cao tại TPHCM đưa ra xét xử phúc thẩm vào ngày 21-11 sắp tới. Ở bản án hình sự sơ thẩm lần 2, thêm một số tình tiết mới khá bất ngờ được phát hiện khiến nhiều người lo ngại về tính công bằng của bản án.

Phiên tòa nhiều "bất ngờ"

Qua phiên xét xử sơ thẩm lần 2 và Bản án hình sự sơ thẩm số 300/2022/HSST của Tòa án nhân dân TPHCM do ông Phạm Lương Toản làm Chủ tọa, dư luận và những người trong cuộc phát hiện có nhiều vấn đề bất thường cần phải được xem xét, làm rõ như: HĐXX cố tình đưa ra những nhận định không đúng, những chứng cứ không có trong hồ sơ vụ án làm sai lệch bản chất sự việc; sai phạm về thẩm quyền xét xử và xử lý vật chứng; HĐXX không thẩm tra nhiều vấn đề liên quan trong vụ án nhưng vẫn tuyên án (tức không xét mà vẫn xử)... Tuyên một bản án giống bản án sơ thẩm lần 1 (đã bị Tòa phúc thẩm TAND Cấp cao tuyên hủy toàn bộ do vi phạm tố tụng để điều tra, xét xử lại) trong khi quá trình điều tra lại không phát sinh tình tiết gì mới.

Tại phiên xét xử, trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, người đại diện theo ủy quyền của Công ty Upexim đã có ý kiến đề nghị HĐXX triệu tập ông Nguyễn Tấn Hiếu (là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án) để lấy lời khai vì ông Hiếu là người đại diện của Công ty Tradeco trực tiếp ký kết Hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Upexim và Tradeco.

Tuy nhiên, Chủ tọa phiên tòa Phạm Lương Toản tuyên bố trong hồ sơ vụ án đã có đầy đủ lời khai của những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, nên sự có mặt của ông Hiếu là không cần thiết và không ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án nên vẫn tiếp tục được xét xử. Thế nhưng thực chất, Cơ quan điều tra chưa 1 lần lấy lời khai của ông Hiếu, hơn 12.000 bút lục của vụ án hoàn toàn không có bút lục nào thể hiện lời khai của người này. Trong khi vai trò của ông Hiếu là rất quan trọng trong việc ký kết hợp đồng. Câu hỏi được đặt ra: Tại sao Chủ tọa phiên tòa vẫn khẳng định là đã có trong hồ sơ và tiếp tục đưa vụ án ra xét xử ?

Bị cáo Trương Vui tại tòa

Việc bất thường còn thể hiện trong phần xét hỏi khi Chủ tọa Phạm Lương Toản hỏi bị cáo Trương Vui về nguồn gốc căn nhà số 4-6 Hồ Tùng Mậu, ông Vui trả lời đây là tài sản của Nhà nước, Công ty Upexim ký hợp đồng thuê nhà này với Công ty Quản lý kinh doanh nhà thành phố. Thời điểm hết hạn hợp đồng thuê là ngày 31-12-2009. Khi ký kết Hợp đồng hợp tác kinh doanh số 002/UPX-TDC (ngày 26-7-2010) với Công ty Tradeco thì Công ty Upexim chưa ký lại hợp đồng thuê với Công ty Quản lý Nhà và cũng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng nhà, đất này nên Chủ tọa quy kết trách nhiệm Trương Vui sử dụng tài sản Nhà nước đi ký kết hợp đồng là trái luật. Tuy nhiên sau đó, trong phần tranh luận, Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Upexim trích lại và đồng ý lời nhận định của Chủ tọa thì ông Toản lại chối bỏ những lời mà chính ông đã khẳng định trước đó.

Thêm nhiều điểm khuất tất

Càng bất ngờ hơn khi trong phiên xét xử sơ thẩm lần 2, HĐXX đã không tiến hành thẩm vấn các vấn đề liên quan đến cơ sở pháp lý của hợp đồng nhưng lại đưa ra những nhận định thiếu khách quan, mà theo luật sư tham gia thì đây là hành vi có dấu hiệu của việc cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án. Cụ thể: phần nhận định của bản án số 300/2022/HSST ngày 02-9-2022 (trang 25) ghi: "...việc thỏa thuận, hợp tác kinh doanh giữa Công ty Upexim và Công ty Tradeco còn được ghi nhận trong Biên bản họp HĐQT của Công ty Upexim..." nhưng thực chất toàn bộ 12.000 bút lục hồ sơ vụ án hoàn toàn không có bất kỳ Biên bản họp HĐQT nào của Công ty Upexim đồng ý việc hợp tác kinh doanh với công ty Tradeco.

Vậy Biên bản họp HĐQT của Upexim mà HĐXX nhận định như nêu trên là biên bản nào? Bút lục số bao nhiêu? Nội dung biên bản là gì, lập ngày tháng năm nào, ở đâu và thành phần gồm những ai? Đây là những câu hỏi vẫn chưa được trả lời thỏa đáng. Theo tìm hiểu, hồ sơ vụ án duy nhất chỉ có Bản trích Biên bản họp Hội đồng quản trị số 459/BB-UP ngày 27-6-2010 nhưng bị sửa lại thành 24-7-2010 để phù hợp với ngày ký hợp đồng 002 là ngày 26-7-2010. Điều càng làm dư luận và cả người trong cuộc nghi ngờ vì thời điểm trên là thứ 7 nên công ty không làm việc.

Hơn nữa, văn bản 459/BB-UP chỉ là bản trích, không phải bản chính. Bản trích sao phải được trích ra từ bản gốc, nhưng hoàn toàn không có Biên bản họp gốc để trích ra. Lời khai của các thành viên HĐQT ông Tỵ, ông Ân, bà Dung đều khẳng định không đồng ý với nội dung để Trương Vui đi ký kết hợp đồng hợp tác với Tradeco vì chưa nêu phương án cụ thể như số tiền góp vốn, tỷ lệ góp vốn.

Không những vậy, theo kết luận của Phân Viện khoa học hình sự, chữ ký của thành viên Hội đồng quản trị là ông Nguyễn Thiên Thao trên bản trích số 459/BB-UP này đã bị làm giả. Bản thân ông Thao đã trực tiếp có ý kiến tại phiên tòa sơ thẩm lần 1 và gửi văn bản đến HĐXX sơ thẩm lần 1, đề nghị tuyên không có giá trị những văn bản đã làm giả chữ ký của mình. Riêng với hợp đồng 002, ông Thao cho rằng ông Trương Vui đã dùng tài sản Nhà nước để ký hợp đồng hợp tác với Tradeco...

Một "miếng mồi" ngon

Công ty Upexim thành lập năm 2002, với 12% vốn của Nhà nước do Trương Vui đại diện pháp nhân và điều hành. Các thành viên HĐQT của công ty còn có 4 cá nhân khác. Ngày 18-5-2007, Nhà nước đã thoái toàn bộ vốn tại Công ty Upexim. Năm 2010, UBND TPHCM chỉ định bán nhà đất rộng hơn 600m² tại số 4-6 Hồ Tùng Mậu (Q1) cho Upexim. Do không có khả năng tài chính, Trương Vui bàn với các thành viên HĐQT để Công ty Cổ phần đầu tư thương mại - Tradeco tham gia góp vốn hợp tác kinh doanh xây dự án Upexim Tower.

Ngày 26-7-2010, Trương Vui đại diện Upexim ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Tradeco để cùng nhau đầu tư xây dựng và khai thác tại khu đất số 4-6 Hồ Tùng Mậu. Giai đoạn đầu mua khu đất với tổng trị giá 120 tỷ đồng, mỗi bên góp 50% tương đương 60 tỷ đồng. Từ ngày 29-7-2010 đến ngày 17-5-2011, Công ty Tradeco đã chuyển 60 tỷ đồng vào tài khoản Upexim. Tuy nhiên, khi được Công ty Kim Cương Xanh đặt vấn đề mua lại khu nhà đất trên với giá 330 tỷ đồng, Trương Vui đồng ý. Số tiền trên hợp đồng chuyển nhượng chỉ ghi giá 280 tỷ đồng. Công ty Kim Cương Xanh đã nhiều lần chuyển cho Upexim tổng cộng 120 tỷ đồng. Trong đó Trương Vui nhận 59 tỷ tiền mặt nhưng không nhập vào sổ sách của công ty.

Năm 2012, Trương Vui thế chấp tài sản trên vay Agribank CN Sài Gòn 110 tỷ đồng rồi mất khả năng trả nợ. Để có tiền trả nợ khoản vay của Vietcombank chi nhánh Vĩnh Lộc trước đó, Trương Vui tiếp tục lừa bán thêm cho Tradeco 20% giá trị căn nhà với giá 24 tỷ đồng và tiếp tục giấu nhẹm chuyện đã thế chấp căn nhà cho Agribank.

Tổng cộng Trương Vui đã chiếm đoạt của Công ty Kim Cương Xanh 120 tỷ đồng và của Tradeco 24 tỷ đồng. Ngoài ra, Trương Vui còn bị cáo buộc lừa chiếm đoạt của Agribank gần 7 tỷ đồng thông qua hợp đồng tín dụng thế chấp lô đất ở Bình Dương. Trương Vui còn dùng một thửa đất ở Bình Dương thế chấp cho Agribank chi nhánh quận 1 để vay tiền và chiếm đoạt của nhà băng này gần 7 tỷ đồng, trong khi bất động sản này đã được thế chấp cho một ngân hàng khác.

Bình luận (0)

Lên đầu trang