Buôn bán động vật quý hiếm trên mạng "ảo", đi tù thật

Thứ Năm, 17/11/2022 17:17

|

(CAO) Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2022, Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) đã ghi nhận 2.600 vụ vi phạm về động vật hoang dã (ĐVHD), trong đó có đến 52% được phát hiện trên không gian mạng (1.326 vụ).

Lợi dụng số lượng người dùng mạng xã hội (facebook, zalo, tiktok,…) tăng cao theo mỗi năm, nhiều đối tượng đã ngang nhiên quảng cáo buôn bán các loài ĐVHD quý hiếm để thu lợi bất chính. Theo ghi nhận của ENV, trong 5 năm (2017-2021), có hơn 6.300 vụ có dấu hiệu vi phạm về ĐVHD trên Internet (chiếm hơn 54% tổng số vi phạm trong giai đoạn này).

Đồng thời, cơ quan chức năng cũng đã bắt quả tang, xử phạt hành chính và xử lý hình sự nhiều đối tượng buôn bán trái phép ĐVHD quý, hiếm trên Internet. Điển hình, ngày 17-10-2022, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với đối tượng Nguyễn Thị Tuấn (trú trên địa bàn tỉnh Điện Biên) với mức phạt 70 triệu đồng cho hành vi quảng cáo mật gấu trái phép.

Trước đó, sau khi tiếp nhận tin báo từ người dân, Công an TP Điện Biên Phủ đã phát hiện đối tượng Tuấn thường xuyên sử dụng nhiều tài khoản mạng xã hội Facebook khác nhau để đăng tải các bài viết rao bán mật gấu trái phép.

Cá thể, sản phẩm ĐVHD quý, hiếm bị các đối tượng rao bán trên mạng xã hội - Ảnh: ENV

Ngày 14-10-2022, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối tượng Nguyễn Thị Bích Hậu (SN 1989, trú tại phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn) với mức phạt 85 triệu đồng về hành vi quảng cáo hàng cấm.

Trước đó, đối tượng sử dụng tài khoản Facebook cá nhân với tên “Mộc Mộc” đăng tải các bài viết quảng cáo, rao bán mật gấu, vi phạm trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.

Trước đó 03 ngày, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với đối tượng Phạm Hương Lan (SN 1984, trú tại huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) với mức phạt 77,5 triệu đồng về hành vi đăng tải quảng cáo sản phẩm ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm thuộc loại hàng hóa cấm kinh doanh theo quy định. Trước đó, đối tượng đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân tên “Phạm Lan” để quảng cáo rao bán các sản phẩm được chế tác từ ngà voi, móng gấu, cao khỉ và nhiều sản phẩm khác.

Ngoài ra, nhiều đối tượng còn bị xử lý hình sự với hành vi quảng cáo, buôn bán cá thể ĐVHD quý, hiếm trên các trang mạng xã hội. Cụ thể, ngày 22-7-2022, TAND huyện Kong Plông (Kon Tum) đã tuyên phạt một đối tượng có hành vi quảng cáo, buôn bán cá thể ĐVHD trên Internet với mức phạt 13 tháng tù giam.

Trước đó, sau khi nhận tin báo đối tượng quảng cáo sản phẩm ĐVHD trên mạng xã hội, Công an huyện Kong Plông đã tiến hành kiểm tra và tịch thu 03 cá thể sóc đen khổng lồ đã chết, 01 cá thể cầy vòi mốc đã chết, 02 móng gấu chó và 02 móng gấu ngựa. Trước đó, ngày 16-11-2021, công an tỉnh này cũng đã xử phạt một đối tượng có hành vi quảng cáo bán trái phép cá thể, sản phẩm ĐVHD với số tiền hơn 86 triệu đồng.

Nhiều trang mạng xã hội mua bán trái phép ĐVHD quý hiếm có lượt thành viên "khủng".

Cuối tháng 4-2021, UBND TPHCM đã ra quyết định xử phạt hành chính đối tượng Nguyễn Anh Thắng (SN 1985) với số tiền 65 triệu đồng về hành vi nuôi nhốt trái phép các loài thuộc nhóm IIB Nghị định 06/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 84/2021/NĐ-CP ngày 22-9-2021 của Chính Phủ). Tuy nhiên, do đối tượng vẫn ngoan cố với hành vi phạm tội của mình, đến ngày 16-11-2021, TAND TP Thủ Đức kết án 6 năm 6 tháng tù giam cho hành vi nuôi nhốt ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm thuộc Phụ lục I CITES với đối tượng này.

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang