Số tiền hối lộ rất lớn
Sau vụ án nổi đình nổi đám liên quan đến cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son nhận hối lộ 3 triệu USD trong thương vụ Mobifone mua AVG, nay vụ án xảy ra tại Dự án đầu tư xây dựng BVĐK Đồng Nai cũng tương tự. "Đường đi" của 3 triệu USD tiền hối lộ như sau: Theo lời khai của ông Nguyễn Bắc Son, Phạm Nhật Vũ (Chủ tịch AVG) đã đến nhà riêng, đưa cho ông này 3 triệu USD. Ông Son mang số tiền nhận hối lộ lên phòng làm việc, bỏ vào balô du lịch, để tại ban công quây kín bằng khung nhôm kính để cất giấu. Sau đó, ông Son khai đưa toàn bộ 3 triệu USD cho con gái.
Còn Nguyễn Thị Thanh Nhàn đưa tiền hối lộ cho các bị can Trần Đình Thành (cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai), Đinh Quốc Thái (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai), Phan Huy Anh Vũ (cựu Giám đốc BVĐK Đồng Nai) theo kiểu từ từ, nhưng tổng cộng vẫn là số tiền rất lớn. Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) - Bộ Công an đã thu thập tài liệu, phục hồi, trích xuất dữ liệu, lấy lời khai của các bị can và nhân viên AIC, sổ tay ghi chép của các nhân viên AIC..., để xác định Nhàn là đối tượng chủ mưu, cầm đầu trong vụ án này.
Điều đặc biệt là các bị can Thành, Thái, Vũ đều chủ động khai báo quá trình nhận hối lộ. Theo lời khai của bị can Trần Đình Thành, từ năm 2010 - 2016, đã 6 lần nhận tiền trực tiếp từ Nhàn, tổng cộng là 14,5 tỷ đồng. Trong đó, có 2 lần bị can này nhận 4 tỷ đồng từ Nhàn ngay tại trụ sở Tỉnh ủy Đồng Nai. Số tiền này được ông Thành đưa cho vợ gửi tiết kiệm, đầu tư bất động sản và chi tiêu cá nhân.
Cơ quan điều tra khám xét trụ sở AIC
Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái cũng khai đã nhận trực tiếp từ Nhàn, Trần Mạnh Hà (Phó Tổng giám đốc AIC) 14 lần, với tổng số tiền là 14,5 tỷ đồng; trong đó có 10 lần nhận hối lộ số tiền 10,5 tỷ đồng ngay tại trụ sở UBND tỉnh. Số tiền này bị can Thái dùng để đóng học phí cho 2 con gái đang du học tại Mỹ, sử dụng cá nhân và chi phí một số việc trong gia đình. Còn bị can Phan Huy Anh Vũ khai đã nhận tiền hối lộ 6 lần, tổng cộng là 14,8 tỷ đồng từ Trần Mạnh Hà tại BVĐK Đồng Nai. Một số cựu cán bộ khác như bị can Bồ Ngọc Thu (cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai) cũng nhận 1 tỷ đồng; chưa kể số tiền khá lớn khác chi cho cán bộ cấp dưới liên quan.
Cơ quan điều tra tổ chức cho các bị can Trần Đình Thành, Đinh Quốc Thái, Phan Huy Anh Vũ tự vẽ lại sơ đồ các địa điểm đã nhận tiền hối lộ và thực nghiệm lại cách nhận tiền, cách cất giấu tiền như thế nào. Cơ quan điều tra đã ghi hình, ghi âm quá trình các bị can thực nghiệm, nhận dạng, khai báo. Kết quả thực nghiệm khớp với lời khai của các bị can đã nhận tiền hối lộ. Theo cơ quan điều tra, trước khi khởi tố vụ án, dù số tiền nhận hối lộ rất lớn nhưng các bị can đã khắc phục nhanh chóng. Cụ thể, gia đình bị can Trần Đình Thành đã nộp 14,5 tỷ đồng, gia đình Đinh Quốc Thái nộp 14,5 tỷ đồng, gia đình Phan Huy Anh Vũ đã nộp 10 tỷ đồng, bị can Bồ Ngọc Thu cũng đã nộp đủ số tiền nhận hối lộ vào tài khoản tạm giữ của Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an, để khắc phục hậu quả.
"Đế chế AIC"
Chỉ riêng vụ án sai phạm liên quan đến Dự án đầu tư xây dựng BVĐK Đồng Nai, phía Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã chi hối lộ hơn 45 tỷ đồng. Chính vì những đồng tiền "bôi trơn" đó, bị can Đinh Quốc Thái mới ra quyết định phê duyệt dự án và sẵn sàng ra quyết định duyệt lại dự án, bổ sung thêm chi phí thiết bị với số tiền là 754 tỷ đồng, nâng mức đầu tư dự án lên 1.900 tỷ đồng, trái với quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho nhà nước ít nhất 152 tỷ đồng.
Từ trái qua: Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trần Mạnh Hà, Đỗ Văn Sơn
Bị can Nhàn còn liên quan đến nhiều vụ án lớn khác. Ngày 18-8-2022, Nhàn tiếp tục bị khởi tố trong vụ án "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại AIC và Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh. Kết quả điều tra ban đầu xác định, vào năm 2012, UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt Dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị cho Bệnh viện Sản nhi, tổng mức đầu tư hơn 238 tỷ đồng, do Sở Y tế làm chủ đầu tư. Quá trình thực hiện, các bị can đã có hành vi thông đồng với đơn vị tư vấn thẩm định giá, ban hành chứng thư thẩm định giá theo giá cao hơn giá thị trường, móc ngoặc với nhà thầu và AIC để nâng giá thiết bị y tế, gây thiệt hại tài sản nhà nước trị giá 73 tỷ đồng.
Nguyễn Thị Thanh Nhàn nổi lên như một đại gia trong nhiều năm qua, đã xây dựng nên "đế chế AIC", hình thành hệ sinh thái AIC Group gồm 29 công ty con, hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ y tế, giáo dục, chuyển đổi số, tài nguyên và môi trường... AIC Group đã trúng hàng loạt gói thầu lớn quy mô lên đến hàng trăm tỷ đồng tại nhiều địa phương trong cả nước.
Tra cứu dữ liệu từ Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, AIC Group đã trúng thầu hàng loạt dự án đầu tư công, như: trúng thầu gói cung cấp lắp đặt hệ thống thiết bị tiền kỳ, hậu kỳ, hệ thống thiết bị trường quay tọa đàm... thuộc Dự án giải pháp tổng thể nâng cấp kênh truyền hình Đài Tiếng nói Việt Nam (VOVTV) từ tiêu chuẩn SD lên HD, với giá trúng thầu 91,33 tỷ đồng. Giai đoạn 2017 - 2018, AIC Group trúng thầu một loạt gói thầu hàng trăm tỷ đồng trong mảng tài nguyên và môi trường tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, có gói thầu số 4 - cung cấp, lắp đặt thiết bị toàn bộ dự án xây dựng 3 trạm quan trắc nước mặt tự động trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, giá trúng thầu là 39,4 tỷ đồng. Gói thầu mua sắm thiết bị trạm quan trắc thuộc dự án nâng cao năng lực Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường tỉnh Bắc Ninh, giá trúng thầu hơn 157,4 tỷ đồng.
AIC Group còn trúng thầu gói thầu cung cấp thiết bị xử lý nước uống tại 162 trường học công lập tại Quảng Ninh, giai đoạn 1 với giá trúng thầu là 34,5 tỷ đồng; hàng loạt dự án xử lý rác thải tại Hà Nội, xây dựng nhà máy xử lý rác tại TX.An Khê (Gia Lai), nhiều gói thầu xử lý rác y tế tại các bệnh viện công; nhiều gói thầu thuộc những dự án y tế của các tỉnh, thành Tây Ninh, Đồng Nai, Hà Nội, Gia Lai, Sơn La... Trong lĩnh vực bất động sản, AIC Group là "ông lớn" với nhiều dự án quy mô lên đến 3.000 héc-ta. AIC Group cũng ghi nhận tăng trưởng nhanh chóng trong doanh thu và lợi nhuận, nhất là giai đoạn 2016 - 2018, trở thành một trong 500 công ty lớn nhất nước. Tính đến cuối năm 2018, quy mô tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của AIC Group lần lượt đạt hơn 5.243 tỷ đồng và hơn 1.251 tỷ đồng.
Đến tháng 9-2020, AIC Group có quy mô vốn điều lệ ở mức 1.350 tỷ đồng. Trong đó, Nguyễn Thị Thanh Nhàn góp 765,23 tỷ đồng, chiếm tỉ lệ sở hữu chi phối với 76,5% vốn điều lệ. Trên thực tế, nhiều dự án của AIC Group đang để lại những hậu quả khó lường. Như năm 2013, AIC Group trúng thầu dự án xử lý rác thải trị giá 31 tỷ đồng của BVĐK Hà Tĩnh, nhưng dự án mới đưa vào sử dụng đã liên tục bị trục trặc, gây lãng phí ngân sách nhà nước.
Tài sản "kếch xù”
Khi chuyện làm ăn có nhiều điều phi pháp bắt đầu bị lộ, để đối phó với cơ quan chức năng, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã yêu cầu một số nhân viên, lãnh đạo liên quan tìm cách xuất cảnh khỏi Việt Nam, tiêu hủy tài liệu, chứng cứ. Bị can Nhàn cũng đã bỏ trốn cùng 7 nhân viên khác và đang bị truy nã. Việc tiêu hủy tài liệu, chứng cứ gây không ít khó khăn cho cơ quan điều tra, nhưng gần như cơ quan điều tra đã khôi phục được thông qua lời khai của các bị can liên quan. Đến nay, dù Nguyễn Thị Thanh Nhàn bỏ trốn trước khi bị khởi tố, nhưng cơ quan điều tra đã kịp thời phong tỏa hơn 100 tỷ đồng trong tài khoản của AIC, kê biên nhiều biệt thự, nhà đất đứng tên Nhàn và người thân, nhằm bảo đảm thi hành án.
Ngày 17-8-2022, cơ quan điều tra ra lệnh kê biên cùng lúc 6 căn hộ tại khu chung cư cao cấp Pacific Place đứng tên Nguyễn Thị Thanh Nhàn trên đường Lý Thường Kiệt (P.Trần Hưng Đạo, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội). Trong đó, có 4 căn hộ liền nhau ở tầng 11 và 2 căn hộ liền nhau ở tầng 17. Ngày 20-7-2022, biệt thự rộng 453m2 tại số 21 Nguyễn Huy Tự (P.Bạch Đằng, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) đứng tên Nguyễn Thị Thanh Nhàn, biệt thự có diện tích 357m2 tại số 99 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) của Nhàn nhờ cha ruột đứng tên cũng bị kê biên. Ngày 21-9, cơ quan điều tra tiếp tục ra lệnh kê biên thửa đất diện tích hơn 4.000m2 của AIC thuộc dự án đấu giá quyền sử dụng đất P.Xuân Đỉnh (Q.Bắc Từ Liêm)...
(Còn tiếp...)
(CATP) Vụ án này liên quan đến vi phạm nghiêm trọng trong đấu thầu dự án xảy ra tại một số bệnh viện (BV) công, khiến nhà nước bị thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) - Bộ Công an vừa phát thông báo kêu gọi 8 bị can sớm ra đầu thú để được hưởng khoan hồng. Nếu các bị can trên không ra đầu thú trong giai đoạn điều tra, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an sẽ điều tra, kết luận vụ án theo quy định của pháp luật.