32 điểm sạt lở nguy hiểm tại TPHCM: Xử lý triệt để nạn khai thác cát trái phép

Thứ Tư, 09/11/2022 09:26

|

(CATP) Ủy ban nhân dân (UBND) TPHCM vừa có công văn khẩn, công bố danh mục các vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm năm 2022 trên địa bàn thành phố. Theo thống kê, các vị trí sạt lở hầu hết nằm ven các sông Sài Gòn, Đồng Nai, Phước Kiểng, Cần Giuộc, Chợ Đêm - Bến Lức...

Nhiều vị trí sạt lở nguy hiểm

Theo báo cáo của UBND TPHCM, hiện TP có 32 vị trí sạt lở nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Trong đó, TP.Thủ Đức có 8 vị trí, quận Bình Thạnh có 4 vị trí, các huyện Nhà Bè có 7, Bình Chánh có 4, Cần Giờ có 7, Hóc Môn và Củ Chi mỗi địa phương có 1 vị trí. Trong đó, 8 nơi đặc biệt nguy hiểm nằm rải rác ở TP.Thủ Đức (2), huyện Bình Chánh (2), Nhà Bè (3) và Cần Giờ (1).

Những vị trí sạt lở trên có thể gây ảnh hưởng cho hơn 1.300 hộ dân. Vì vậy, UBND TPHCM đã chỉ đạo TP.Thủ Đức, các quận, huyện và các đơn vị có liên quan chủ động ứng phó và hạn chế thiệt hại do sạt lở gây ra. Cụ thể, UBND TPHCM yêu cầu các địa phương, chủ đầu tư đang triển khai những công trình kè chống sạt lở chủ động tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Từ đó, các đơn vị khẩn trương đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt và sớm triển khai thi công các dự án kè phòng chống sạt lở thuộc thẩm quyền của địa phương, đơn vị chủ đầu tư.

Ngoài ra, các địa phương cần sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng các dự án để phát huy hiệu quả phòng chống sạt lở nhằm bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho người dân trong các khu vực bị ảnh hưởng. Trong thời gian qua, một số nơi trên địa bàn TPHCM đã thực hiện nhiều giải pháp ứng phó với tình hình sạt lở bờ sông, kênh rạch.

Theo đại diện UBND huyện Cần Giờ, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng ban, UBND các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra những nơi sạt lở, chủ yếu là khu vực dân cư đang sinh sống. Đồng thời, chuẩn bị các biện pháp ban đầu phù hợp để ứng phó với sự cố khi tình huống sạt lở xảy ra. Song song với việc lập các biển cảnh báo nguy hiểm tại hiện trường như căng dây khoanh vùng cách ly khu vực nguy hiểm, các cơ quan, đơn vị cũng cắt cử lực lượng trực 24/24 giờ tại hiện trường, không để người dân tiếp cận và giúp đỡ khi họ có yêu cầu; phối hợp với các đơn vị chức năng đến khảo sát, khắc phục sự cố. Huyện còn triển khai công tác tổ chức tuyên truyền bà con trồng cây để hạn chế sạt lở.

Bên cạnh đó, cần ưu tiên đầu tư công trình bảo vệ hạ tầng kỹ thuật, đê điều và khu vực sản xuất có nguy cơ sạt lở trầm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất. Riêng đối với đất rừng phòng hộ, xây dựng đề án nghiên cứu tình hình sạt lở đất rừng và đề ra các giải pháp hạn chế. Hằng năm, tăng cường công tác trồng rừng trên đất bãi bồi. Mặt khác, tận dụng các chương trình thí điểm từ ngân sách Nhà nước như triển khai công trình bê-tông công nghệ mới...

Phương tiện thủy khai thác trái phép cát ở biển Cần Giờ

Một cán bộ Sở GTVT TPHCM cho biết, khó khăn ở các công trình chống sạt lở vẫn là công tác giải phóng mặt bằng chậm. Tại một số vị trí có nguy cơ sạt lở đặc biệt nguy hiểm, phải thi công công trình khẩn cấp, phương án ưu tiên được các cơ quan thực hiện là vận động, di dời người dân và quản lý, bảo vệ tài sản của họ. Có những nơi, các hộ dân đồng tình nhưng vẫn không ít trường hợp không chịu di dời. Chưa kể hiện nay, với tình trạng lấn chiếm bờ sông, kênh rạch, trách nhiệm xử lý vi phạm liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị...

Liên tiếp triệt phá "cát tặc"

Theo các chuyên gia, khai thác cát, sỏi trái phép là một trong những nguyên nhân chính gây ra xói lở bờ sông. Tình trạng này sẽ khiến quá trình sụt lún công trình hạ tầng diễn ra nhanh chóng. Khai thác cát cũng tác động đến dòng chảy làm mất ổn định đến đáy sông và hai bên bờ sông. Vì vậy, UBND TPHCM giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tăng cường tuần tra, kiểm tra và xử lý triệt để các chủ phương tiện khai thác, vận chuyển cát, sỏi lòng sông trái phép, không phép trên địa bàn TP.

Thời gian qua, trên địa bàn huyện Cần Giờ liên tiếp xảy ra nhiều vụ khai thác, vận chuyển cát trái phép. Điển hình, trong tháng 10-2022, đại diện Đồn Biên phòng Long Hòa, Bộ đội Biên phòng TP.Hồ Chí Minh đã bắt quả tang nhiều phương tiện đang bơm hút, vận chuyển cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ. Theo đó, khoảng 22 giờ ngày 16-10, trong quá trình tuần tra, kiểm soát, tổ công tác của Đồn Biên phòng Long Hòa phát hiện phương tiện mang số hiệu HD-2479 do ông Vũ Văn Nhất (SN 1989, trú thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu) điều khiển, đang thực hiện hành vi bơm hút 450m3 cát trái phép.

Cũng trong đêm 16-10, tổ công tác Đồn Biên phòng Long Hòa đã bắt giữ phương tiện mang số hiệu BV-1879 do ông Nguyễn Văn Thiệu (SN 1989, trú phường 12, TP.Vũng Tàu) điều khiển đang vận chuyển khoảng 300m3 cát từ vùng biển Cần Giờ về hướng Vũng Tàu. Tại thời điểm kiểm tra, người điều khiển không xuất trình được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc của số cát trên phương tiện.

Một vị trí sạt lở trên sông Sài Gòn (H.Củ Chi) vào tháng 7-2022

Trước đó, khoảng 22 giờ ngày 11-10, tổ tuần tra Đồn Biên phòng Long Hòa nhận được nguồn tin các phương tiện đang bơm hút cát trái phép tại khu vực cửa biển Long Hòa (huyện Cần Giờ) nên nhanh chóng tiếp cận. Phát hiện lực lượng chức năng, 3 sà lan nổ máy bỏ chạy được một đoạn thì bị Tổ tuần tra bắt giữ. Theo lực lượng chức năng, các đối tượng lợi dụng đêm tối, trời mưa để tiến hành khai thác cát trái phép.

Mới đây, ngày 05-11, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã hoàn tất kết luận điều tra (KLĐT), chuyển hồ sơ sang Viện KSND TPHCM đề nghị truy tố Trương Văn Chinh (37 tuổi), Trương Văn Thắng (37 tuổi), Vũ Ngọc Đại (46 tuổi, cùng quê Hải Dương) can tội "vi phạm quy định về khai thác tài nguyên".

Kết quả điều tra cho thấy, từ tháng 02-2022 đến tháng 6-2022, Trương Văn Chinh đã điều hành đường dây khai thác cát lậu tại khu vực Cồn Ngựa trên biển Cần Giờ, với hơn 11 tàu có ký hiệu đăng ký tại Hải Dương, Hải Phòng, Đồng Nai... Trong đó, Chinh trực tiếp quản lý, sử dụng 9 tàu khai thác cát trái phép. Mặc dù Trương Văn Thắng biết Chinh khai thác cát lậu, nhưng vẫn liên hệ với các chủ tàu, thuê tàu giao cho Chinh sử dụng nhằm thu lợi cá nhân.

Để thực hiện, Chinh lập nhóm Zalo "Hội AE miền Bắc" và "Tàu cát miền Bắc" với mục đích quản lý, điều hành hoạt động đường dây khai thác cát lậu. Khi muốn chỉ đạo thuyền trưởng cho sà lan đi hút cát, Chính sẽ nhắn ám hiệu "đi nhậu", khi muốn thông báo sà lan không đi hút cát, Chinh nhắn tin "nghỉ nhậu" trên nhóm Zalo.

Theo chỉ đạo của Chinh, thời gian khai thác cát lậu diễn ra lúc 18 giờ hàng ngày đến khoảng 3 - 4 giờ sáng hôm sau. Địa điểm tập kết sà lan tại ngã ba Vàm Tuần trên sông Soài Rạp (đoạn giáp ranh TPHCM, Long An và Tiền Giang). Chinh thuê Vũ Ngọc Đại làm nhiệm vụ kiểm tra số lượng cát và tiêu thụ cát lậu. Sau khoảng 3 tiếng đồng hồ bơm cát sang các sà lan mua cát, tầm 6 - 7 giờ sáng, các sà lan tập kết sẽ về chỗ neo đậu.

Trong đường dây khai thác cát lậu này, cơ quan điều tra xác định, Chinh trực tiếp thuê và quản lý 9 sà lan hút cát mang biển số: HD-6656, HD-2535, HD-2328, HD-2455, HD-3326, HD-6639, HP-3976, ĐN-1033 và ĐN-1039. Thời điểm kiểm tra (ngày 05-5), tổng khối lượng cát bị bắt quả tang trên 9 sà lan do Chinh quản lý là 6.630,37m3 cát. Theo kết luận giám định tài sản của Hội đồng định giá thường xuyên trong tố tụng cấp thành phố (ngày 05-5), giá trị của 6.630,37m3 cát là hơn 839 triệu đồng.

Qua đấu tranh, Chinh khai ngoài 9 tàu bị tạm giữ, đối tượng còn thuê thêm tàu HD-2310, ĐN-1079 và một số tàu khác để khai thác cát lậu nhưng đều đã cho ngưng từ cuối tháng 4-2022 do không hiệu quả. Chinh đã chuyển khoản thanh toán tiền thuê sà lan hút cát cho 6 chủ tàu số tiền hơn 12,2 tỷ đồng. Theo kết luận điều tra, từ tháng 02 đến tháng 6-2022, dưới sự chỉ đạo của Chinh, đường dây khai thác cát lậu đã khai thác hơn 30.000m3 cát, được Chinh bán dao động từ 68.000 - 78.000 đồng/m3.

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho biết, hầu hết tuyến sông chính trên địa bàn TPHCM đều tồn tại những khu vực có nguy cơ sạt lở, nhất là sông Sài Gòn và các kênh rạch qua địa bàn 2 huyện Cần Giờ, Nhà Bè. Theo chu kỳ, khoảng giữa năm, triều cường lên đỉnh và rút rất nhanh, cộng với thời điểm mùa mưa khiến nguy cơ sạt lở càng lớn. Ở những đoạn bờ sông gấp khúc, mật độ phương tiện thủy cao nên khi thủy văn biến động mạnh sẽ gây ra những hố xoáy xói mòn vào đất liền. Một nguyên nhân cũng tác động không nhỏ là tình trạng lấn chiếm bờ sông, kênh rạch, khai thác cát trái phép... làm biến đổi dòng chảy. Thực trạng trên nếu không được giải quyết triệt để sẽ dẫn đến hiện tượng sạt lở nghiêm trọng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang