(CATP) Thời gian vừa qua, tình trạng buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) có dấu hiệu dịch chuyển lên không gian mạng. Các hội nhóm trên mạng xã hội (MXH) trở thành những khu chợ đen dành riêng cho hoạt động buôn bán, tiêu thụ ĐVHD nhập lậu, săn bắt được.
Nhiều loài được rao bán nằm trong Sách đỏ Việt Nam, số lượng cá thể ngoài tự nhiên đang bị đe dọa nghiêm trọng. Báo CATP từng có loạt bài "Động vật hoang dã kêu cứu" phản ánh về sự dịch chuyển của hoạt động buôn bán thú rừng trái pháp luật. Các cơ quan chức năng cũng nỗ lực triệt phá nhiều đường dây, bắt giam các đối tượng mua bán ĐVHD trên môi trường mạng. Tuy nhiên, đến nay hoạt động quảng cáo (QC), mua bán ĐVHD trái phép vẫn nhộn nhịp và ngày càng tinh vi hơn.
Thủ đoạn buôn bán ĐVHD ngày càng tinh vi
Hầu như hiện nay, các tay buôn ĐVHD từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp đều dịch chuyển lên không gian mạng với đủ loại thú rừng, gồm có nguồn gốc và cả loại nguy cấp được săn bắt từ tự nhiên. Thông qua bài đăng trong hội nhóm buôn bán thịt thú rừng, chúng tôi liên hệ được với đầu nậu tên Thùy T. (ở TP.Thủ Đức). Trong vai người mua hàng sỉ, chúng tôi thắc mắc về lượng lớn động vật được cam kết chuẩn rừng nhưng lại có giấy tờ chứng minh nguồn gốc thì T. cho biết: "Vì anh là khách "VIP" nên em mới chia sẻ, hàng loại 1 này là bắt ngoài tự nhiên rồi bán cho các khu gây nuôi thương mại, sau đó các khu này chia ra hàng nuôi và hàng tự nhiên, vậy là hàng chuẩn rừng giờ có giấy tờ như hàng nuôi rồi".
Với thủ đoạn trên, khi bị cơ quan chức năng kiểm tra, các tay buôn ĐVHD trái phép có thể dễ dàng giảm nhẹ hình phạt, ngụy biện để tránh tội vì có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Vì thế, cần có sự thay đổi trong quản lý các cơ sở gây nuôi thương mại đồng thời siết chặt quy định để nâng cao hiệu quả quản lý những cơ sở này.
Động vật hoang dã được rao bán trên không gian mạng
Đặc biệt, thời gian vừa qua nở rộ hình thức QC, mua bán rầm rộ ĐVHD làm thú cưng, xuất hiện nhiều trên nền tảng MXH Tik Tok, nhiều video quay lại cảnh chơi đùa với rái cá, khỉ con được đăng để kích thích người xem mua hàng. Cũng từ hình thức mua bán này, ngày 9-11 Tòa án nhân dân Q.Tân Phú đã tuyên phạt Tống Thành Thuận (SN 1995, ở TP.Thủ Đức) 1 năm 6 tháng tù về hành vi buôn bán trái phép 2 cá thể rái cá.
Quảng cáo bán ĐVHD trái phép có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó, cá nhân có hành vi QC buôn bán trái phép các loài nguy cấp thuộc Phụ lục I CITES, Nhóm IB Nghị định 06/2019/NĐ-CP và Nhóm I Nghị định 26/2019/NĐ-CP - được coi là "hàng cấm" tại Việt Nam theo quy định của Luật Đầu tư 2020 - có thể bị phạt từ 70 - 100 triệu đồng theo Nghị định 38/2021/NĐ-CP. Trong khi đó, cá nhân có hành vi QC bán trái phép các loại động vật rừng khác không thuộc những nhóm trên có thể bị phạt tiền từ 1 - 1,5 triệu đồng theo Nghị định 35/2019/NĐ-CP. Mức phạt đối với pháp nhân gấp 2 lần mức phạt với cá nhân.
Trước đó, Tòa án nhân dân TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đã tuyên 18 tháng tù đối với Nguyễn Thanh Phương (trú TP. Buôn Ma Thuột) về hành vi buôn bán sản phẩm từ ĐVHD. Cơ quan chức năng địa phương tiếp nhận thông tin về hành vi QC sản phẩm từ ĐVHD của đối tượng này trên mạng, nên tiến hành điều tra. Ngày 28-7-2020, Phòng Cảnh sát môi trường - Công an Đắk Lắk) đã khám xét nhà đối tượng, tịch thu 409 sản phẩm trang sức làm từ ngà voi châu Phi (nặng 2,56kg) và 2 túi mật gấu khô (183,87g). Phương khai nhận, thông qua nền tảng mạng Zalo đã quen biết với một số người ở Hà Nội chuyên bán sản phẩm trang sức từ ngà voi và đã đặt mua về bán lại kiếm lời.
Các đối tượng buôn bán ĐVHD trái pháp luật thường sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau nhằm trốn tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Công nghệ phát triển, các đối tượng tội phạm môi trường đang có xu hướng dịch chuyển, đẩy hoạt động mua bán lên không gian mạng để dễ dàng che giấu danh tính, tiếp cận với khách hàng dễ dàng hơn.
Bảo vệ ĐVHD bằng giải pháp công nghệ
Mới đây đã diễn ra cuộc thi Zoohackathon, thông qua lập trình kêu gọi sinh viên và các bạn trẻ đưa ra giải pháp chống lại tội phạm trục lợi từ buôn bán ĐVHD thông qua công nghệ, sáng tạo. Zoohackathon Vietnam 2021 với chủ đề "Coding to end wildlife trafficking" (Lập trình để cứu ĐVHD) do CHANGE, WildAid cùng các đối tác là Đại học FPT, Vietseeds Foundation phối hợp tổ chức, với sự tài trợ của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, có gần 300 đơn đăng ký trong tổng số 21 đội, đóng góp vào sự bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam. Đội BLATH với các thành viên đến từ Hà Nội đã giành chiến thắng với sản phẩm "Found" - ứng dụng giúp cộng đồng có thể trực tiếp báo cáo các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ĐVHD trực tuyến và ngoại tuyến. Dữ liệu thu được dùng để phục vụ mục đích khảo sát, xử lý các hành vi vi phạm, nhằm hỗ trợ cơ quan chức năng và các tổ chức phi chính phủ.
Ý tưởng đột phá khác đến từ đội DeColGen của TPHCM, với dự án có tên "WildGogh" - dùng để phát hiện tự động các bài đăng, rao bán vi phạm về mua bán và tiêu thụ ĐVHD trên MXH, các nền tảng thương mại điện tử. Từ dữ liệu thu thập được, chương trình sẽ được lập trình để đưa ra quyết định xử lý: xóa bỏ, báo cáo với nền tảng chủ quản hay cần sự can thiệp sâu hơn. Ý tưởng cuối cùng đến từ Đội Sao La, với sản phẩm công nghệ giúp người dùng MXH có thể cập nhật thông tin về ĐVHD, các bài báo, thông tin luật pháp một cách đầy đủ, thậm chí có thể báo cáo hành vi trái pháp luật với cơ quan chức năng liên quan.
Việt Nam có đa dạng sinh học hàng đầu thế giới nhưng cũng là một trong những điểm nóng về săn bắt, tiêu thụ, trung chuyển ĐVHD. Sự dịch chuyển hoạt động mua bán ĐVHD khiến cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn trong quá trình điều tra, xử lý các đối tượng buôn bán ĐVHD trái pháp luật. Trước sự phát triển ngày càng tinh vi của hoạt động buôn lậu, cần có sự chuyển đổi trong công tác quản lý, kiểm soát đối với hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến ĐVHD, nên đi theo hướng hiện đại hóa và 3 ý tưởng công nghệ trên chính là những ví dụ điển hình.