Vụ án liên quan đến Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC):

Bài cuối: Kết thúc "vở kịch công phu"

Thứ Tư, 16/11/2022 15:19  | Trà My

|

(CATP) Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) - Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án liên quan đến sai phạm xảy ra tại Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Đồng Nai; đề nghị Viện KSND Tối cao truy tố 36 bị can về 5 tội danh, trong đó có cựu Bí thư Tỉnh ủy và cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai. Kết quả điều tra cho thấy, các sai phạm nghiêm trọng trong vụ án này là "vở kịch công phu" do bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn (SN 1969, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc AIC) dựng nên.

Chiêu trò trong đấu thầu dự án

Trong vụ án này, Cơ quan CQĐT - Bộ Công an đề nghị truy tố 2 bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Trần Mạnh Hà (SN 1971, Phó TGĐ AIC) về 2 tội đưa hối lộ, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành (SN 1955) và cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái (SN 1959) bị đề nghị truy tố về tội nhận hối lộ. Cựu Giám đốc BVĐK Đồng Nai, cựu Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ (SN 1967) bị đề nghị truy tố về các tội nhận hối lộ, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Cơ quan điều tra cũng đề nghị truy tố các bị can: Bồ Ngọc Thu (SN 1960, cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai) về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Trịnh Huy Cường (SN 1975, cựu Trưởng phòng Quản lý xây dựng, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai) về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Có 29 bị can bị đề nghị truy tố về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, chủ yếu là quản lý, nhân viên của AIC. Ngoài ra, còn có nhiều bị can từng giữ chức vụ quan trọng ở các cơ quan, doanh nghiệp.

Theo kết luận điều tra, AIC là doanh nghiệp được cổ phần hóa từ Trung tâm Xuất khẩu lao động Tralacen (trực thuộc Công ty Xây dựng và thương mại), với vốn điều lệ là 5 tỷ đồng. Sau 9 lần đăng ký thay đổi, bổ sung ngành nghề kinh doanh, công ty này tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng. Người đại diện theo pháp luật là Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, từ năm 2005 đến tháng 9-2020).

Đinh Quốc Thái
Bồ Ngọc Thu
Trần Đình Thành
Phan Huy Anh Vũ
Nguyễn Thị Thanh Nhàn

Để AIC và các công ty trong "đế chế AIC" của mình được tham gia, trúng các gói thầu cung cấp trang thiết bị y tế tại Dự án đầu tư xây dựng BVĐK Đồng Nai với giá do AIC đưa ra (mà cơ quan chức năng xác định đã nâng khống lên từ 1,3 - 2 lần so với giá đầu vào), Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã lên kế hoạch thiết lập quan hệ với các lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, các Sở, ngành liên quan ở Đồng Nai. Sau đó, Nhàn chỉ đạo nhân viên dưới quyền thông đồng, cấu kết với chủ đầu tư, thậm chí còn chuẩn bị cả các công ty làm "quân xanh" để tạo điều kiện cho AIC và các công ty do AIC chỉ định trúng thầu.

Bằng các chiêu trò trên, AIC cùng các công ty do AIC chỉ định tham gia 16 gói thầu và trúng thầu toàn bộ 16 gói, với tổng trị giá hơn 665 tỷ đồng. Trong đó, AIC trúng thầu 12 gói thầu, với tổng trị giá hơn 477 tỷ đồng. Còn 4 gói thầu, Nhàn chỉ đạo để nhân viên AIC lập hồ sơ cho Công ty Thành An Hà Nội trúng 2 gói thầu (hơn 96 tỷ đồng), Công ty BMS trúng gói thầu gần 50 tỷ đồng, Công ty TNT trúng gói thầu hơn 42 tỷ đồng. Sau khi trúng thầu, các công ty trên chuyển lại tiền cho AIC. Toàn bộ hoạt động giao hàng, quản lý dự án đều do nhân viên của AIC thực hiện.

Màn "chào hỏi" bạc tỷ

Theo lời khai tại cơ quan điều tra của cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành, khoảng cuối năm 2010, ông Thành ra Hà Nội tham dự một hội nghị toàn quốc, được Nhàn chủ động gọi điện mời đến công ty của Nhàn tại Q.Tây Hồ chơi. Sau khi trao đổi một số nội dung, Nhàn đã đưa cho ông Thành một gói giấy và nói: "Em có chút quà gửi anh". Khi về phòng nghỉ, ông Thành mở gói quà thì thấy bên trong có một ít bánh kẹo, thực phẩm chức năng và một bịch nylon đựng 2 cọc tiền mệnh giá 500 ngàn đồng buộc bằng dây thun, tổng cộng là 1 tỷ đồng.

Tiếp đến, đầu tháng 9-2011, ông Thành ra Hà Nội, Nhàn lại gọi điện xin gặp và đưa cho ông Thành gói quà trong có 1,5 tỷ đồng. Khoảng năm 2012, Nhàn tới phòng tiếp khách của ông Thành tại trụ sở Tỉnh ủy Đồng Nai, mang theo một giỏ xách. Kết thúc cuộc gặp với những đề nghị có lợi cho AIC, Nhàn đưa cho ông Thành gói quà, bên trong có 2 tỷ đồng. Cùng năm 2012, khi ông Thành đi công tác tại Hà Nội, đã đến trụ sở AIC chơi và Nhàn nói: "Em có 5 tỷ đồng gửi anh"... Tổng số tiền 14,5 tỷ đồng nhận từ Nhàn, ông Thành khai đã đưa phần lớn cho vợ gửi tiết kiệm, đầu tư bất động sản. Trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, ông Thành đã tác động, chỉ đạo để AIC trúng 16 gói thầu tại Dự án đầu tư xây dựng BVĐK Đồng Nai. Ngày 17-10-2022, trước thời điểm bị khởi tố, gia đình ông Thành đã nộp lại toàn bộ số tiền trên để khắc phục hậu quả.

Tương tự, Nguyễn Thị Thanh Nhàn cũng đã hối lộ cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái 14,5 tỷ đồng và cựu Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ 14,8 tỷ đồng. Bị can Đinh Quốc Thái khai đã dùng số tiền trên đưa vợ để đóng học phí cho 2 con gái du học ở Mỹ từ năm 2016 đến nay, phần còn lại sử dụng chi phí cho gia đình.

Tang vật bị thu giữ

Được "ưu ái" khi đấu thầu

Sau khi "lót tay" số tiền lớn, Nhàn đã lợi dụng mối quan hệ với ông Trần Đình Thành. Trước khi UBND tỉnh phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng BVĐK Đồng Nai, Nhàn nhờ ông Thành giới thiệu, đặt vấn đề với ông Đinh Quốc Thái (khi đó là Phó Chủ tịch, sau là Chủ tịch UBND tỉnh), bà Bồ Ngọc Thu (lúc đó là Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư) cùng lãnh đạo các Sở, ngành liên quan của tỉnh Đồng Nai, đồng thời đề nghị ông Phan Huy Anh Vũ (chủ đầu tư) tạo diều kiện cho AIC tham gia đấu thầu và trúng thầu.

Sau khi thiết lập các mối quan hệ thông đồng, móc ngoặc, Nhàn giao cho 2 Phó Tổng giám đốc AIC là Hoàng Thị Thúy Nga và Trần Mạnh Hà trực tiếp ký hồ sơ, chứng từ, liên hệ, thỏa thuận, chi tiền cho các cá nhân liên quan, cho đến khi AIC thực hiện xong dự án. Dù không đủ năng lực tài chính, nhưng AIC đã điều chỉnh báo cáo tài chính, làm sai lệch hồ sơ để gian lận đấu thầu và trúng 16 gói thầu trang thiết bị y tế, xây lắp trị giá hơn 665 tỷ đồng.

Kết luận điều tra xác định, bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn hưởng lợi hơn 148 tỷ đồng trong dự án trên. Ngoài ra, sau khi trúng thầu, Nhàn còn ký các phụ lục điều chỉnh mức phạt hợp đồng, điều chỉnh thời gian thực hiện hợp đồng để AIC hưởng lợi trái phép, gây thiệt hại tài sản nhà nước với số tiền là 3,5 tỷ đồng. Cơ quan điều tra cho rằng, để đối phó với hoạt động thanh tra, kiểm tra, điều tra, xác minh của các cơ quan chức năng, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã yêu cầu nhân viên, lãnh đạo chủ chốt của AIC xuất cảnh khỏi Việt Nam, tiêu hủy tài liệu, chứng cứ. Nhưng các thủ đoạn che giấu hành vi tội phạm, tiêu hủy chứng cứ này không "cứu" được Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng các đồng phạm.

Bài 2:
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang