TPHCM: Có tình trạng các thương nhân không chủ động nhập xăng dầu

Thứ Tư, 16/11/2022 09:09

|

(CAO) Sở Công thương TPHCM cho biết, hiện trung bình mỗi ngày vẫn còn có từ 9-20% tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn bị thiếu hụt tạm thời mặt hàng xăng.

Theo đó, tính đến ngày 14-11-2022, trên địa bàn TPHCM có 15 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, 61 thương nhân phân phối, 1 thương nhân làm tổng đại lý, 32 đại lý bán lẻ và 549 cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Trong số 549 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, hiện có 4 cửa hàng đang tạm ngưng kinh doanh để sửa chữa.

Bên cạnh đó, Sở Công thương TPHCM cho biết trong thời gian qua đặc biệt từ thời điểm ngày 1-10-2022 đến nay có tình trạng một số cửa hàng vẫn mở cửa hoạt động nhưng kinh doanh xăng dầu gián đoạn bán hàng do tạm hết mặt hàng xăng.

Trung bình mỗi ngày có từ 9-20% tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn thiếu hụt tạm thời mặt hàng xăng.

Vẫn còn tình trạng một số cây xăng trên địa bàn TPHCM bị thiếu hụt xăng tạm thời - Ảnh minh họa

Lý giải cho tình trạng thiếu hụt cục bộ xăng dầu, Sở Công thương TPHCM cho rằng có tình trạng các thương nhân kinh doanh xăng dầu không chủ động nhập hàng để kinh doanh vì bị thua lỗ. Điều này dẫn đến có thời điểm thiếu nguồn hàng cung cấp cho hệ thống phân phối.

Ngoài ra, một số lý do khách quan dẫn đến tình trạng thiếu hàng cục bộ, chưa đảm bảo việc cung ứng đầy đủ, thường xuyên, liên tục cho yêu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân.

Trước đó, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho biết, hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn do giá cả thuờng xuyên biến động nên tại một số thời điểm, doanh nghiệp phải nhập hàng với giá bằng giá bán lẻ, chiết khấu giảm có thời điểm chiết khấu bằng 0 đồng, hoặc âm.

Trong khi họ phải trả đủ các chi phí vận chuyến, chi phí tố chức hoạt động, luơng cho nhân viên... Điều này gây áp lực đối với quá trình duy trì hoạt động tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu khi có tình trạng kinh doanh thua lỗ kéo dài.

Đó là chưa kể đến các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng như phí vận tải, phí vận chuyển, các chi phí cấu thành giá thành cơ sở.

Để đảm bảo duy trì hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp đầu mối buộc phải cắt giảm các chi phí trong đó có mức chiết khấu cho các doanh nghiệp phân phối, kéo theo doanh nghiệp phân phối cắt giảm mức chiết khấu cho các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu.

Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho rằng cần có giải pháp điều hành giá theo biên độ giá xăng dầu tăng/giảm phù hợp với thị trường. Đồng thời, đề xuất rút ngắn thời gian kỳ điều chỉnh giá xăng dầu có thể còn từ 3 - 5 ngày (kể cả ngày nghỉ) so với quy định hiện hành là 10 ngày.

Tại cuộc họp với các đơn vị về tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn mới đây, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng ghi nhận những nỗ lực của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn TP đã chủ động triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo nguồn cung xăng dầu, chia sẻ lợi nhuận, nguồn cung và duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp, qua đó, góp phần ổn định tình hình phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Lãnh đạo TP giao Sở Công thương tiếp tục theo dõi, bám sát và nắm chắc tình hình thị trường cung - cầu xăng, dầu trên địa bàn TP để kịp thời tham mưu UBND TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành liên quan các vấn đề TP đang gặp khó khăn, vướng mắc và đề xuất biện pháp giải quyết.

Đồng thời, phối hợp Cục Quản lý thị trường TP rà soát, thống kê và đề xuất biện pháp xử lý theo quy định đối với các trường hợp doanh nghiệp cung ứng xăng dầu thường xuyên chưa đảm bảo được nguồn cung ứng cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Bình luận (0)

Lên đầu trang