Viết tiếp bài "Kê biên tài sản khoảng 7 tỷ đồng, nhưng bán đấu giá chỉ 2,2 tỷ đồng":

Thêm nhiều tình tiết bất thường

Thứ Ba, 05/01/2021 10:48

|

(CATP) Báo Công an TPHCM số ra ngày 18-12-2020 có đăng bài: "Vụ kê biên tài sản khoảng 7 tỷ đồng, nhưng bán đấu giá chỉ 2,2 tỷ đồng: Tạm dừng cưỡng chế để làm rõ dấu hiệu khuất tất thi hành án", phản ánh về việc gia đình anh Nguyễn Hữu Phúc (P. Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) vay Ngân hàng TMCP Đông Á - Phòng giao dịch Đức Phổ, 500 triệu đồng để nuôi thủy sản. Do bị thiên tai, vợ chồng anh Nguyễn Hữu Trí (người vay tiền, em anh Phúc) không khả năng chi trả, nên bị chủ nợ khởi kiện. Bản án tuyên buộc vợ chồng anh Trí phải trả cả gốc lẫn lãi 664 triệu đồng.

Chấp hành quyết định thi hành án (THA), tính đến đầu tháng 4-2018, gia đình anh Phúc đã nộp cho Chấp hành viên (CHV) Đỗ Văn Lực thuộc Chi cục THA TX.Đức Phổ 580 triệu đồng. Phần còn lại (84 triệu đồng), gia đình xin trong khoảng thời gian ngắn sẽ thanh toán hết, nhưng không được chấp nhận. Nhưng CHV Lực vẫn tiến hành kê biên toàn bộ tài sản, gồm: 714m2 đất do cha mẹ là ông Nguyễn Tuôi - bà Phạm Thị Hường đứng tên, trên có căn nhà lầu kiên cố (do anh Phúc xây cất), trị giá khoảng 7 tỷ đồng (theo giá thị trường), nhưng bán đấu giá (BĐG) chỉ 2,2 tỷ đồng. Vụ việc đang được Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban chỉ đạo THA tỉnh yêu cầu tạm ngưng việc cưỡng chế để rà soát lại hồ sơ, thủ tục theo đơn khiếu nại, tố cáo của anh Phúc.

Theo luật sư Đình Dũng thuộc Đoàn luật sư TP.HCM, tại khoản 5 Điều 101 Luật Thi hành án quy định "Trước khi mở cuộc bán 1 ngày làm việc, người phải THA có quyền nhận lại tài sản nếu nộp đủ tiền THA và thanh toán các chi phí thực tế, hợp lý phát sinh từ việc cưỡng chế THA, tổ chức BĐG". Do đó, nếu đúng như đơn tố cáo cho rằng "Trong thời gian chưa tổ chức đấu giá tài sản, anh Trí vay mượn để tự nguyện thanh toán hết phần tiền còn lại nhưng CHV không chấp nhận", thì rõ ràng có hành vi cố ý làm trái quy định Luật THA.

Trong đơn tố cáo, gia đình anh Phúc đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật làm rõ động cơ của CHV Đỗ Văn Lực trong việc đưa các loại biên bản liên quan thủ tục kê biên, định giá và đưa tài sản ra BĐG... cho ông Tuôi, bà Hường ký vào, nhưng không có người giám hộ (vợ chồng ông Tuôi gần 90 tuổi). Cùng với đó, vì bà Hường không biết chữ nên CHV cầm tay ký hộ (?!). Vì sao trước khi đưa tài sản ra BĐG, anh Trí vay mượn người thân để trả hết số tiền còn lại, nhưng ông Lực từ chối...

Mới đây, anh Phúc cung cấp thêm cho phóng viên nhiều tình tiết bất thường trong quá trình BĐG tài sản. Theo hồ sơ trích lục do Chi nhánh Công ty Đấu giá hợp danh Gia Lai Kon Tum Quảng Ngãi (đơn vị tổ chức BĐG tài sản) cung cấp thì chỉ có 2 người tham gia đấu giá ngày 16-8-2018, gồm: ông Huỳnh Quang Minh (SN 1948, trú P.Nghĩa Chánh, TP.Quảng Ngãi) và bà Nguyễn Thị Nở (SN 1973, ngụ P.Phổ Thạnh, TX.Đức Phổ).

Căn cứ hồ sơ đăng ký mua tài sản đấu giá, quan sát bằng mắt thường ai cũng nhận thấy nét chữ điền thông tin do cùng một người viết ra; thời gian mua hồ sơ, nộp tiền đặt trước tham gia đấu giá... diễn ra cùng lúc, cùng Chi nhánh ngân hàng và cùng một giao dịch viên, mặc dù 2 người này ở cách nhau hơn 60 cây số. Cụ thể, 2 người mua hồ sơ tham gia đấu giá cùng ngày 13-8-2018. Song trước đó 2 ngày (11-8), cả hai cùng nộp đơn đăng ký mua tài sản (sai quy trình) và nộp tiền đặt trước (400 triệu đồng) qua ngân hàng trong khoảng thời gian cách nhau chưa tới 100 giây. Điều đáng lưu tâm nữa là chữ ký của ông Quang trên giấy nộp tiền khác hoàn toàn so với chữ ký trong hồ sơ đăng ký mua tài sản.

Mảnh đất của ông Tuổi được tách thửa để THA nhưng CHV không thực thi

Phân tích những tình tiết bất thường trên, nhiều người cho rằng điều này chỉ hợp lý khi một người thực hiện 2 giao dịch cùng lúc. Kết quả, bà Nở là người mua được tài sản khi trả giá 2,2 tỷ đồng, còn ông Quang trả 2,1 tỷ đồng (giá khởi điểm 2.070.000.000 đồng). Theo biên bản thì toàn bộ tài sản được định giá 2,3 tỷ đồng. Ngoài ra, anh Phúc yêu cầu đơn vị tổ chức bán đấu giá cung cấp hình ảnh về buổi đấu giá theo luật định nhưng không có. Điều này cho thấy nhiều khả năng đây là cuộc đấu giá "ma".

Bức xúc vì cho rằng, CHV Đỗ Văn Lực cùng những người liên quan có dấu hiệu cố tình làm trái luật định, câu kết với nhau nhằm dìm giá, chiếm đoạt tài sản của gia đình mình để chia chác, anh Phúc đã nhiều lần khiếu nại lên cơ quan THA cấp trên, nhưng không được Cục trưởng Cục THA dân sự - Nguyễn Mạnh Thắng giải quyết thỏa đáng, mà cho rằng việc cưỡng chế kê biên và BĐG tài sản là đúng trình tự, thủ tục pháp lý.

"Trước hết, chỉ căn cứ mỗi hành vi kê biên tài sản không tương xứng với nghĩa vụ THA, cho thấy CHV Đỗ Văn Lực đã cố tình làm trái pháp luật. Vậy nên, việc ông Cục trưởng vội vàng bác đơn khiếu nại của gia đình tôi là chủ quan, thiếu trách nhiệm!" - anh Phúc quả quyết.

Hiện công an các cấp tỉnh Quảng Ngãi đã chuyển đơn tố cáo của gia đình anh Phúc sang Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao để giải quyết theo thẩm quyền. Được biết, ông Nguyễn Tuôi là người có công với cách mạng, được Chủ tịch nước tặng Huy chương kháng chiến, rất mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ để bảo vệ lợi ích hợp pháp cho đương sự.

Bình luận (0)

Lên đầu trang