NHẮN TIN NHƯ "KHỦNG BỐ"
Chị Như Minh (ngụ Q11) cho biết cứ vài ngày lại nhận cả chục tin nhắn giới thiệu về các trang đánh bạc trực tuyến. Hầu hết các tin nhắn này đều có nội dung mang tính chất lừa đảo như "chơi 3 tháng, kiếm được 30 triệu đồng thông qua app trò chơi VNonlinebet" hay "thu nhập hàng tháng 500 triệu đồng dễ dàng với Kimlong casino...".
Biết đây là những tin nhắn gạ gẫm cờ bạc, nhưng chị Minh không có cách nào chặn được. "Nếu tin nhắn từ một số điện thoại cụ thể thì có thể chặn được theo cách chặn số điện thoại một cách thủ công. Nhưng cái khó nhất là mình không biết làm cách nào để chặn những tin nhắn gửi bằng email thông qua tính năng iMessage của iPhone. Những tin nhắn rủ rê cờ bạc xuất hiện nhiều khoảng vài tuần trước, tới nay thì gần như ngày nào mình cũng nhận được 1 - 2 tin nhắn như vậy. Đó là chưa kể các ứng dụng nhắn tin mình chủ yếu dùng để liên hệ với đối tác nước ngoài, phục vụ công việc như Whatapp, Viber", chị Minh bức xúc.
Sử dụng các ứng dụng nhắn tin trên điện thoại thông minh cũng bị quấy rầy suốt ngày đêm
Tương tự, từ đầu tháng 11-2020, anh Huy Dũng (ngụ Q7) liên tục bị "tấn công" bởi các tin nhắn với nội dung "Nền tảng chơi game trực tuyến lớn nhất châu Á. Một thương hiệu quốc tế trong hơn 15 năm! Cung cấp nhiều trò chơi: baccarrat trực tiếp, điện tử, sự kiện thể thao, xổ số, câu cá... Dịch bệnh vô tình nhưng người lại có tình, v8 sẽ đồng hành với bạn, tặng ngay bao lì xì miễn phí mỗi giờ, bạn có thể nhận được ngay khi bạn đăng nhập và tiền thưởng sẽ là 30 - 30 triệu đồng một cách ngẫu nhiên. Nếu bạn đang rảnh rỗi thì nhận ngay một bao lì xì nhé!"...
Theo anh Dũng, dù bản thân cũng khá giỏi khi nói đến các sản phẩm công nghệ, nhưng không thể nào chặn nổi những tin nhắn tới tấp kiểu này. Cứ chặn số này thì tin nhắn vẫn hiện lên bằng số khác, trong khi anh chưa bao giờ đánh bài hay cờ bạc online, cũng không hề biết hay từng vào thử trang v8 này.
Không chỉ riêng các trang web đã kể trên, nhiều ứng dụng, trang web trò chơi cờ bạc trực tuyến trá hình chơi game đổi thưởng tiền mặt vẫn đang ngày đêm gửi các tin nhắn "quấy rối" người dùng điện thoại thông minh, hoặc tự động bật lên trang web khi người dùng sử dụng máy tính nối mạng. Một số trang cờ bạc trực tuyến như Keonhanh, Top88, Vn88... đều tự giới thiệu mình là "nhà cái tốt nhất, uy tín nhất hiện nay tại Việt Nam" với hàng loạt những khuyến mãi, dụ dỗ người dùng nạp tiền để nhận thưởng 100% tiền mặt, 30 - 40 triệu đồng...
Hầu hết các trang đánh bạc trực tuyến đều có đầy đủ các thể loại cờ bạc như: cá độ đá banh, thể thao, tiến lên, poker, bầu cua, bắn cá, tài xỉu... Với việc liên tục đưa ra các khuyến mãi khi đăng ký thành viên mới, có lúc lên đến vài chục triệu đồng, các trang cờ bạc online như thế đang ngày đêm lôi kéo những người có máu "đỏ đen". Nhiều người cứ tưởng sẽ được tặng tiền thật nên bị lừa gạt, nạp tiền vào rồi bắt đầu đánh bạc.
QUÁ KHÓ ĐỂ CHẶN TIN NHẮN RÁC
Hầu hết các tin nhắn gạ gẫm, rủ rê người dùng điện thoại thông minh tham gia cờ bạc trực tuyến đều có thủ đoạn rất tinh vi. Người gửi tin nhắn kiểu này thường xuyên thay đổi nhiều đầu số điện thoại, email khác nhau. Theo tìm hiểu của chúng tôi, các số điện thoại là những dãy số được tạo ra từ các tổng đài ảo, với khả năng giả lập số gửi đi. Các tổng đài ảo này thường được sử dụng trong hoạt động quảng bá sản phẩm, chăm khóc khách hàng của các thương hiệu, cửa hàng bán lẻ... Với mức giá chỉ từ vài trăm ngàn đến hơn 1 triệu đồng, người dùng có thể sử dụng các dịch vụ tổng đài ảo để tạo ra những số điện thoại ảo và gửi tin nhắn đến hàng ngàn người khác nhau cùng lúc mà không sợ bị điều tra nguồn gốc tin nhắn.
Trả lời báo chí, ông Võ Đỗ Thắng (Giám đốc Trung tâm đào tạo an ninh mạng Athena) cho biết, có nhiều công ty trên thị trường tham gia sử dụng các gói tổng đài ảo cho doanh nghiệp. Công nghệ này giúp các đơn vị quảng bá sản phẩm tốt, tiếp cận được một lượng lớn khách hàng với chi phí rất ít. Từ đó, nhiều đối tượng đã lợi dụng điều này để gửi tin nhắn quảng bá, lôi kéo người dùng tham gia nạp tiền vào các trang cờ bạc, cá độ bóng đá trực tuyến... Nếu người sử dụng mua các gói tổng đài ảo, dịch vụ ẩn danh từ các công ty nước ngoài như Viber, WhatsApp... thì các nhà mạng trong nước không thể quản lý, cũng rất khó để truy xuất được nguồn gốc. Chính vì vậy, các loại tin nhắn nói trên dễ dàng lọt qua bộ lọc của nhà mạng hay bức tường ngăn chặn từ phần mềm chống vi rút, lọc tin nhắn.
Tin nhắn rác mời gọi chơi cờ bạc trực tuyến
"Để ngăn chặn các tin nhắn tương tự xuất phát từ các tổng đài ảo rất khó. Chỉ có những chương trình bảo mật, phần mềm diệt vi rút có các tính năng cộng thêm mới có thể phần nào lọc được. Nhưng cũng không thể ngăn triệt để. Người dùng khi thấy các tin nhắn này nên xóa ngay vì đôi khi mở ra xem sẽ đụng vào đường link đính kèm và có thể bị phần mềm gián điệp, mã độc xâm nhập vào điện thoại của mình và từ đó bị lộ thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng...", ông Võ Đỗ Thắng nói.
Ngày 1-10, Nghị định số 91/2020/NĐ-CP (NĐ91) của Chính phủ thay thế Nghị định 90/2008/NĐ-CP và Nghị định số 77/2012/NĐ-CP về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác đã bắt đầu có hiệu lực. So với văn bản cũ, Nghị định 91 bổ sung quy định xử phạt hành vi thực hiện tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác, với mức phạt có thể lên đến 100 triệu đồng. Nghị định 91 cũng đồng thời buộc các nhà mạng phải có trách nhiệm trong việc ngăn chặn, thu hồi địa chỉ được dùng để phát tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác... Trong đó, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) là cơ quan điều phối ngăn chặn, xử lý tin nhắn, cuộc gọi, thư điện tử rác và các doanh nghiệp viễn thông, internet, người quảng cáo... phải tuân thủ yêu cầu điều phối của cơ quan này.
Theo ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó cục trưởng Cục An toàn thông tin, nhiều người dùng phản ánh cuộc gọi quảng cáo xuất hiện ngày càng nhiều, kể cả cuộc gọi lừa đảo, trừ cước nhưng trước đây chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định với đối tượng này. Nghị định 91 có thêm một "điểm sáng" khi lần đầu đưa ra định nghĩa về cuộc gọi rác cũng như biện pháp quản lý đối với hình thức này, từ đó lấp lỗ hổng trong quy định về ngăn chặn.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết các cuộc gọi, tin nhắn rác chỉ mới nở rộ trong khoảng 1 - 2 năm trở lại đây, rõ nhất là trong năm 2019. Mỗi một tháng, các nhà mạng ghi nhận được khoảng 10.000 số máy lạ thực hiện các cuộc gọi rác. Các cuộc gọi rác này gây ảnh hưởng đến hàng triệu người. Ngoài ra, 80% trong số 10.000 thuê bao, cuộc gọi rác là từ sim rác cho nên gốc vẫn là câu chuyện sim rác.
Trong đợt thanh tra trên diện rộng của Thanh tra Bộ TT&TT, các cơ quan chức năng đã thu hồi được 9.000 sim rác trên tổng số 6.8 triệu sim rác được ước tính đang tồn tại trên thị trường. Sở dĩ vẫn có số lượng lớn các sim đã được nhập sẵn thông tin thuê bao và kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước là do một số đại lý viễn thông chạy theo lợi nhuận. Các đại lý này tự đăng ký hoặc sử dụng thông tin của người khác để đăng ký sau đó bán lại kiếm lời. Ngoài ra, các nhà mạng vẫn để xảy ra nhiều trường hợp một người dùng Chứng minh thư nhân dân đăng ký nhiều sim. Công tác kiểm tra, giám sát của các doanh nghiệp viễn thông đối với các đại lý, đại lý ủy quyền còn nhiều bất cập.
Ông Hoàng Viết Tiến - Phó tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng, theo quy luật cung cầu của thị trường, có cầu ắt có cung nên nhu cầu của người dân về SIM rác là nguyên nhân chính khiến thị trường này vẫn tồn tại lâu nay. "Nguyên nhân là hành vi tiêu dùng của người dùng và hành vi của các doanh nghiệp quảng cáo, họ chỉ nghĩ rằng sim rác đó là công cụ, họ chưa ý thức được sim gắn với ID của mình. Một số đơn vị quảng cáo chạy theo lợi nhuận nhiều hơn".