Giải đáp pháp luật:

Khi nào bị phong tỏa tài khoản?

Thứ Hai, 30/12/2024 08:50

|

Hỏi: Tôi và bà P xảy ra tranh chấp trong một giao dịch dân sự, bà P thưa tôi chiếm đoạt tài sản. Khi tôi nhận được giấy mời làm việc của cơ quan công an thì đồng thời tài khoản ngân hàng của tôi cũng bị phong tỏa. Xin hỏi việc phong tỏa tài khoản như vậy có đúng không? (Thanh Tâm, Quận 5).

Trả lời: Trong vụ án hình sự, phong tỏa tài khoản chỉ áp dụng đối với người bị buộc về tội mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại khi có căn cứ xác định người đó có tài khoản tại tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước. Phong tỏa tài khoản cũng được áp dụng đối với tài khoản của người khác nếu có căn cứ cho rằng số tiền trong tài khoản đó liên quan đến hành vi phạm tội của người bị buộc tội.

Những người có thẩm quyền ban hành lệnh phong tỏa tài khoản tại ngân hàng gồm: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Quân sự các cấp; Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án Quân sự các cấp; Hội đồng xét xử; Thẩm phán chủ tọa phiên tòa.

Chỉ được phong tỏa tài khoản, tài sản có giá trị tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc bồi thường thiệt hại.

Về thủ tục phong tỏa, Khoản 4 Điều 129 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định: Khi tiến hành phong tỏa tài khoản, cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền phải giao quyết định phong tỏa tài khoản cho tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước đang quản lý tài khoản của người bị buộc tội hoặc tài khoản của người khác có liên quan đến hành vi phạm tội của người bị buộc tội. Việc giao, nhận lệnh phong tỏa tài khoản phải được lập thành biên bản theo quy định.

Ngay sau khi nhận được lệnh phong tỏa tài khoản, tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước đang quản lý tài khoản của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc tài khoản của người khác có liên quan đến hành vi phạm tội của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo phải thực hiện ngay việc phong tỏa tài khoản và lập biên bản về việc này.

Biên bản về việc phong tỏa tài khoản được lập thành 5 bản, trong đó 1 bản được giao ngay cho người bị buộc tội, 1 bản giao cho người có liên quan đến người bị buộc tội, 1 bản gửi cho Viện Kiểm sát cùng cấp, 1 bản đưa vào hồ sơ vụ án, 1 bản lưu tại tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước.

Theo quy định trên, cơ quan công an căn cứ đơn tố cáo của đương sự ban hành lệnh phong tỏa tài khoản tại ngân hàng mà chưa thông báo cho người bị tố cáo là chưa thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Bình luận (0)

Lên đầu trang